Người kháng chiến nhiễm hóa chất độc được trợ cấp

Người kháng chiến nhiễm hóa chất độc được trợ cấp
TP - Tại một chương trình giao lưu trực tuyến hôm qua bởi đầu cầu ở Hà Nội, người đứng đầu Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học có thể được hưởng trợ cấp ưu đãi từ 600.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Người kháng chiến nhiễm hóa chất độc được trợ cấp ảnh 1
Bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Phùng Văn Lọ (62 tuổi, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) hỏi: “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng thế nào?”.

Bộ trưởng Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 54 của Chính phủ, mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được xác định theo mức độ suy giảm khả năng lao động.

Nghị định 105 của Chính phủ quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nếu suy giảm khả năng lao động từ 81 phần trăm trở lên được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 1.083.000 đồng; nếu suy giảm khả năng lao động từ 80 phần trăm trở xuống được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 683.000 đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng (67 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) hỏi: “Tôi được hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có hai con đều bị dị dạng, dị tật nhưng vẫn chưa được hưởng trợ cấp. Vậy, tôi có phải đưa các cháu đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động để được hưởng trợ cấp không?”.

Bộ trưởng Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Pháp luật ưu đãi người có công hiện chưa quy định giám định mức độ suy giảm khả năng lao động đối với đối tượng gián tiếp là con đẻ mà căn cứ trên cơ sở thực chứng để kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động, còn tự lực trong sinh hoạt hay không để xét mức trợ cấp”.

Tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 16/4 nhằm giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, tình trạng ô nhiễm dioxin có nơi vẫn cao gấp ngàn lần mức cho phép.

Nhiều ý kiến hỏi, khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học di chuyển nơi cư trú từ tỉnh này sang tỉnh khác, thủ tục di chuyển hồ sơ như thế nào.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quản lý ở địa phương nơi người đó thường trú; trường hợp thay đổi chỗ ở, hồ sơ được chuyển về nơi cư trú mới theo quy định: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần có đơn đề nghị di chuyển chế độ trình bày rõ lý do xin di chuyển (đơn có xác nhận của công an cấp xã và phòng LĐ-TB&XH cấp huyện) kèm bản sao hộ khẩu nơi cư trú mới gửi Sở LĐ-TB&XH, nơi đang quản lý hồ sơ và chi trả chế độ.

Sở LĐ-TB&XH nơi đang quản lý hồ sơ và chi trả chế độ, xem xét, lập phiếu di chuyển kèm theo toàn bộ hồ sơ (bản gốc) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Hồ sơ di chuyển được niêm phong và làm thủ tục bàn giao cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có trách nhiệm chuyển hồ sơ đã được bàn giao đến Sở LĐ-TB&XH ở nơi cư trú mới (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký phiếu di chuyển) để được tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, đăng ký quản lý và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định.

Đến cuối buổi giao lưu, hơn 450 câu hỏi nóng được giải đáp.

MỚI - NÓNG