Người khiếm thính phạm luật, xử ra sao?

Người khiếm thính phạm luật, xử ra sao?
Pháp luật không chấp nhận một người bình thường viện cớ không biết luật để bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, có những công dân do khuyết tật thể chất, dù muốn “biết” vẫn không thể “biết” luật được.

Và khi vi phạm pháp luật, họ cũng vẫn phải chịu trách nhiệm như những người khác. Những công dân thiệt thòi đó là những người khiếm thính (NKT).

Lo ngại về tình trạng NKT vi phạm pháp luật gia tăng, một hội thảo đã được Chương trình khuyết tật và phát triển (DRD) tổ chức sáng 23 - 5, nhằm tìm ra giải pháp.

Không có ngôn ngữ giao tiếp bình thường, người khiếm thính dễ bị cô lập với môi trường sống - Ảnh: M.Đức (Tuổi Trẻ)
Không có ngôn ngữ giao tiếp bình thường, người khiếm thính dễ bị cô lập với môi trường sống - Ảnh: M.Đức (Tuổi Trẻ).

Chiều hướng đáng lo

Theo cô Trần Thị Ngời - hiệu trưởng Trường Hi Vọng 1, TP.HCM, người chuyên phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho NKT tại cơ quan điều tra và tòa án, trước đây, các hành vi vi phạm của NKT chỉ ở mức giật điện thoại, dây chuyền. Hai năm gần đây, họ phạm những tội nặng như đâm chém, giết người.

Đáng lo nhất là chuyện NKT bị những kẻ khỏe mạnh xúi giục phạm tội. Có NKT cầm dao chém người, cướp xe để được đồng phạm cho ăn một tô phở, hoặc có người đi giật đồ chỉ được chia 200.000 đồng.

Hầu hết NKT phạm tội đều không được đi học hoặc chỉ học tới lớp 3, 4 và không có được sự đùm bọc, thương yêu, chia sẻ từ gia đình. Cô Ngời cho biết, phản ứng đầu tiên của gần như tất cả bậc cha mẹ khi được mời tới cơ quan công an là mắng chửi con không chịu nghe lời, không chịu làm ăn...

Chứng kiến những cảnh đó, cô Ngời nói với những NKT đã không được đi học từ bé, việc la mắng bằng thứ ngôn ngữ mà NKT không nghe được, không hiểu được thì chẳng mong có kết quả.

Cô Tôn Nữ Thị Nhi, hiệu trưởng Trường Hi Vọng quận 8, TPHCM, cũng thường được cơ quan điều tra mời phiên dịch cho NTK, cho biết, có một câu nói của NKT phạm tội làm cô nhớ mãi. Người này chỉ học được đến lớp 5 trường khiếm thính.

Cô nói: “Gia đình không cho đi làm, không có tiền xài, xin tiền hoài thì bị mẹ la mắng nên em ra đường giật dây chuyền. Khi tôi tìm hiểu lý do, em trả lời đơn giản “muốn bị bắt vô tù ngồi để không bị mẹ la mắng nữa”, hết sức đau lòng”.

Khoảng lặng nhận thức

Nhiều NKT hoàn toàn không nói được, nên không gian xung quanh đối với họ là sự yên lặng tuyệt đối. “Không có ngôn ngữ giao tiếp bình thường, NKT dễ bị cô lập với môi trường sống, ngay cả ở một thành phố náo nhiệt như TP.HCM” - thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD, nói.

Chị cho biết, mới đây, chị tiếp một gia đình ở Long An đưa con lên nhờ DRD tư vấn. Người thanh niên này đã 20 tuổi nhưng chưa hề đi học, không biết chữ, không biết ngôn ngữ ký hiệu, anh tự hình thành “ngôn ngữ” của riêng mình. Ngay cha mẹ của anh cũng không giao tiếp được với anh.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy, ngay cả những NKT được đi học đầy đủ cũng bị hạn chế kiến thức, nhận thức, trừ một số ít cá nhân vượt trội. Lỗi không phải ở họ, khi ta biết ngôn ngữ ký hiệu dành cho cộng đồng NKT ở Việt Nam chỉ có 3.200 từ, mà lại còn không thống nhất, rất ít từ trừu tượng, từ về luật pháp lại càng hiếm (theo DRD).

Bà Mai Thị Hoa, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em TP.HCM, dẫn ra những nguyên nhân khiến NKT gặp khó khăn: khó xin được việc làm, khó giao tiếp. Người bình thường không mấy người hiểu được ngôn ngữ ký hiệu để có thể nói chuyện với NKT. Tivi có rất ít kênh chạy chữ phụ đề hoặc có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu... Tất cả tạo ra những rào cản cản trở NKT hòa nhập cộng đồng và dễ vi phạm pháp luật.

Quyền lợi bị giới hạn, trách nhiệm thì “bình đẳng”

Bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ của anh Đoàn Phạm Khiêm (NKT đầu tiên đậu vào đại học chính quy), bức xúc kể bà đến một ngân hàng để thuê cho con một ngăn kéo cất giữ giấy tờ quan trọng. Nhân viên ngân hàng từ chối. Bà Thảo đã cố gắng thuyết phục rằng anh Khiêm không nói, không nghe được thì anh giao tiếp bằng cách viết, nhưng cô nhân viên vẫn không đồng ý.

Bà Thảo nói: “Cuối cùng tôi phải yêu cầu cô nhân viên mời luật sư của ngân hàng ra để giải thích cho tôi biết vì sao con tôi không thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng khi nó có đủ năng lực hành vi dân sự”. Sau khi bà nói chuyện với luật sư, ngân hàng đã giải quyết cho anh Khiêm thuê ngăn kéo. Một lần, do phải đi nằm viện, bà đưa con đến một ngân hàng gần nhà để mở tài khoản cho con, ngân hàng này cũng không đồng ý.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết bà đã chứng kiến nhiều NKT ra tòa, dân sự lẫn hình sự. Bà nói NKT chưa được chú ý giúp đỡ nhiều như những người khuyết tật khác.

Điều 46 Bộ luật hình sự quy định một số người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ như phụ nữ có thai, người già, người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Trong khi đó, nhiều NKT bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, nhưng do khiếm thính là “tật” chứ không phải là “bệnh”, và luật chưa quy định rõ, nên họ không được tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Nếu luật có quy định cụ thể cho NKT được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì cộng thêm việc khai báo thành khẩn, họ sẽ được tòa áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự, xử mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Cuối hội thảo, có đến 32 giải pháp được đưa ra, đặt yêu cầu đối với gia đình, xã hội và bản thân NKT, trong đó có một số giải pháp chung. Những giải pháp này nhìn chung đều cần nhiều sự dốc sức phối hợp giữa các ban ngành, sự nhẫn nại, nhiệt tình... mới mong mang lại hiệu quả. Nếu không, vấn nạn phạm pháp của NKT sẽ vẫn còn là những dấu hỏi yên lặng không có lời giải đáp.

Theo Thủy Cúc
Tuổi Trẻ

Đề án trợ giúp người khuyết tật

Hiện nay, cả nước có hơn 5 triệu người khuyết tật, trong đó TP.HCM có hơn 54.000 người, với 13 dạng tật, số người câm điếc: 3.522 người.

Đề án của Chính phủ về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2008-2010 đã được UBND TP đề ra kế hoạch thực hiện với 12 nội dung hoạt động, trong đó có trợ giúp học văn hóa như: xây dựng và phổ biến hệ thống ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi bằng mọi hình thức, phương tiện, đào tạo những người phiên dịch ngôn ngữ, ký hiệu cho người khuyết tật.

Có kế hoạch xây dựng cho mỗi quận huyện một trường chuyên biệt. Nghiên cứu các tiêu chuẩn tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông dành cho người khuyết tật.

(Trích phát biểu của bà Mai Thị Hoa)

MỚI - NÓNG