Người Khmer đón tết trong hạn hán

Người dân Khmer đón tết.
Người dân Khmer đón tết.
TP - Cả tuần rồi, bà con dân tộc Khmer ở ĐBSCL tất bật trang hoàng nhà cửa, mua sắm để chuẩn bị đón tết cổ truyền Chôl Thnăm Thmây sum vầy. Nhưng đâu đó vẫn còn nỗi lo hạn hán kéo dài, ảnh hưởng tới mùa màng.

Cách ngày lễ chính ít hôm, anh Danh Dườn ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cùng người thân vừa gói bánh tét vừa nói chuyện rôm rả trong nhà. Dừng tay làm, anh nói: “Tôi cùng chị em trong gia đình gói bánh tét để ăn và biếu người thân, bạn bè trong 3 ngày tết Chôl Thnăm Thmây”. Anh Dườn cho biết, tết là dịp để bà con Khmer thắt chặt thêm tình yêu thương gia đình, tình nghĩa làng xóm.

Chị Thạch Lắm ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, háo hức: “Gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho ngày tết. Chỉ còn chờ thời khắc giao thừa nữa thôi”. Chị Lắm còn dự định, trong ngày đầu tiên của năm mới sẽ đi chùa cầu mong một năm bình an, tốt lành cho các thành viên gia đình. Bà Thạch Thị Nữ, cùng ở thị xã Bình Minh cho biết, dịp tết này bà con được địa phương quan tâm, hộ nghèo dân tộc Khmer được nhà nước cử cán bộ đến động viên, tặng quà.

“Do hạn hán gay gắt nên hàng nghìn hécta đất sản xuất của bà con người Khmer gặp nhiều khó khăn. Nhiều người Khmer trong xã rủ nhau đi nơi khác kiếm sống. Vì thế, việc đón tết cổ truyền năm nay không được vui như năm trước”. 

Ông Kim Seng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Lăng (Tri Tôn)

Chôl Chnăm Thmây cũng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, bà con dân tộc Khmer có dịp nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả, các thành viên trong gia đình có cơ hội sum vầy, con cháu bày tỏ sự kính trọng yêu thương đối với ông bà. Dịp tết hằng năm diễn ra từ ngày 14/4 và kết thúc vào 0 giờ ngày 16/4 bằng lễ tắm Phật tại chùa (hay còn gọi là lễ té nước) và lễ cầu an cho năm mới.

Với quan niệm của người Khmer, cũng như người Kinh, tết là thời khắc chấm dứt năm cũ, bắt đầu một năm mới. Vì thế, trước tết, bà con sẽ dọn dẹp nhà cửa tươm tất, trang trí màn thêu, hoa. Trái cây, bánh tét trên bàn thờ tổ tiên cũng được chuẩn bị kỹ càng. Sư sãi chuẩn bị lễ vật, trang hoàng chánh điện, bàn thờ… để chùa cùng các tăng ni phật tử đón chào năm mới. Thông thường bà con dân tộc Khmer, nhất là những người lớn tuổi, thường đi chùa rất sớm thực hiện các nghi thức cúng bái và một số hoạt động truyền thống trong ngày tết.

Sư Thạch Nịt ở chùa Munirensay, phường An Hội (Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cho biết, cứ mỗi dịp tết đến, bà con, phật tử thường mang cơm lên chùa cúng bái, cầu an cầu phúc cho gia đình, cầu siêu cho ông bà đã khuất. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người ăn mặc đẹp, cùng nhau đi chùa, nghe kinh…

Người Khmer đón tết trong hạn hán ảnh 1

Chủ nhà sắp trái cây trưng lên bàn thờ. Ảnh: Tộc Kim.

Đón Tết trong hạn, mặn

Tại vùng Bảy Núi ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang hiện nay, hàng ngàn hécta đất canh tác ở vùng cao của bà con dân tộc Khmer đang phải đối mặt với hạn hán. Vì thế, việc đón tết năm nay của đồng bào Khmer ở đây cũng vất vả hơn so với mọi năm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thay cho những hình ảnh ruộng đồng xanh mướt ở vùng Bảy Núi những năm trước là cảnh hoang vu, vắng vẻ. Đồng đất thiếu nước, trâu bò thiếu cỏ. Nhiều đám ruộng đã được cày sẵn nhưng đang bị bỏ hoang vì thiếu nước.

Bên thửa ruộng đậu xanh gần 0,2 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch, bà Nèang Sa Rom ở xã Tân Lợi (Tịnh Biên) cho biết, bà đầu tư hết gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay cả khu vực chìm trong cơn hạn hán kéo dài, nhiều nơi đậu không ra trái nổi. “Đến giờ này, tôi mới thu lại được chưa tới 400.000 đồng vốn. Phải chi trúng mùa như mọi năm thì đón tết ngon lành”, bà Rom rầu rĩ nói. Bà cho biết thêm, nhiều năm trước  gặp thời tiết thuận lợi, có mưa nhiều nên trồng cây gì cũng không lo thiếu tiền xài mấy ngày tết.

MỚI - NÓNG