Người lái chuyên cơ số 1

Người lái chuyên cơ số 1
Ở Tổng công ty Hàng không VN, không chỉ mình Nguyễn Thành Trung được lái chuyên cơ cho các vị nguyên thủ quốc gia đi công du nước ngoài, nhưng anh là người được chọn nhiều nhất cho công tác đặc biệt này.
Người lái chuyên cơ số 1 ảnh 1
Cơ trưởng Nguyễn Thành Trung

Sân bay Nội Bài lúc 5h30 sáng 19/6/2005, phòng VIP A rôm rả tiếng cười nói của hơn 200 con người đang chờ được cất cánh bay sang Mỹ. Hình như trong lịch sử công du nước ngoài của một nguyên thủ quốc gia VN chưa đoàn nào có số lượng người tháp tùng đông đến vậy.

Ngoài Thủ tướng Phan Văn Khải, có tới 34 vị quan chức đại diện các bộ ngành của chính phủ, 100 chuyên gia cán bộ các loại cùng 80 đại diện các doanh nghiệp lớn của cả nước.

Chuyến bay lịch sử

Đúng 6h30 sáng chủ nhật hôm đó, Thủ tướng và đoàn tháp tùng ra máy bay. 6h45, chuyên cơ cất cánh và người cơ trưởng của chuyến bay không ai khác chính là anh hùng Nguyễn Thành Trung, người đã ghi tên mình vào lịch sử bằng chuyến bay ném bom dinh Độc Lập cách đây hơn 30 năm.

Hóa ra chuyên cơ dành cho Thủ tướng không khác gì với những chuyến bay nội địa bình thường giữa TPHCM và Hà Nội. Không có tiện nghi đặc biệt nào. Chiếc ghế dành cho Thủ tướng cũng là chiếc ghế hành khách nằm ở vị trí bên trái khoang ghế VIP (hạng thương nhân).

Khoang này có 25 ghế, khi được sử dụng làm chuyên cơ sẽ có ba ghế được tháo ra để lấy chỗ trống đặt một lẵng hoa, cũng là tạo một chút không gian thoáng cho Thủ tướng khỏi thấy gò bó nếu có đi lại.

Cũng chẳng có ranh giới nào giữa Thủ tướng và những người tháp tùng. Trong chuyến chuyên cơ chở Thủ tướng dự hội nghị APEC ở Mexico, VN Airlines quyết định tháo ghế, đặt giường ngủ và lấy rèm che lại để tách biệt khu vực của Thủ tướng, nhưng ít khi ông vào trong đó mà thường ra ngoài chơi. Lâu lâu Thủ tướng lại lên buồng máy động viên anh em tổ lái.

Máy bay quá cảnh ở một sân bay Nhật và sau đó bay tiếp tới Mỹ, để đúng 9h sáng (cũng ngày chủ nhật, giờ Mỹ) đáp xuống sân bay quân sự Seatac của TP Seattle.

35 năm trước khi còn là một học viên lái máy bay 23 tuổi, Nguyễn Thành Trung đã từng ở nơi này. Hẳn nó đang gợi lại cho anh sự xúc động lớn. “35 năm trôi qua, sân bay này không có gì thay đổi, ngoại trừ những chiếc máy bay thì hiện đại hơn. Tôi còn nhớ ba nhà chứa máy bay trước đây, nay vẫn y như vậy”.

Nghỉ lại ở Seattle nhưng chúng tôi biết Washington DC và cả Nhà Trắng đang chờ đón chuyến chuyên cơ này. Trong đoàn ai cũng sốt ruột và bồi hồi. Không biết Thủ tướng có tâm trạng ấy không. Kể từ khi cuộc chiến tranh tại VN chấm dứt cho tới nay, ông là nguyên thủ VN đầu tiên đặt chân đến thủ đô của Hoa Kỳ mà!

Người lái chuyên cơ số 1 ảnh 2
Phi công Nguyễn Thành Trung năm 1975 (bên phải)

Nguyễn Thành Trung, phó tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia VN

Sinh ngày 9/10/1947

Nhập ngũ: tháng 6/1969

Bỏ bom dinh Độc Lập: ngày 8/4/1975

Ngày được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân VN: 20/12/1994

Sau 1975 vẫn là phi công quân sự. 1990 chuyển sang lái máy bay dân dụng

1993: cầm lái Boeing 767

2002: được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia VN

Có thâm niên 22.000 giờ bay, trong đó 6.000 giờ lái máy bay quân sự. Hiện là giáo viên bay Boeing 777, kiểm tra viên của Cục Hàng không dân dụng VN.

11h30 ngày 20/6 chuyên cơ cất cánh, đến 19h30 mới đáp xuống phi trường quân sự Andrew của thủ đô nước Mỹ, mở màn cho một trang mới nữa trong lịch sử bang giao hai nước. Mọi người rời khỏi máy bay. Những cô tiếp viên có vẻ tươi hơn và khuôn mặt của tổ lái, nhất là của cơ trưởng Nguyễn Thành Trung, dường như giãn ra, không còn căng thẳng nữa.

Những chuyến chuyên cơ

Như mọi chuyến chuyên cơ khác, trước chuyến bay phi hành đoàn phải chuẩn bị năm tiếng (thay vì hai tiếng như những chuyến bay dân sự thường) với những công việc: kiểm nghiệm xăng dầu (các thành phần nhiên liệu thể hiện bằng biên bản), thức ăn, đồ uống, chuẩn bị đường bay, lịch bay và thông báo bay suốt hành trình bay, mua thời tiết dọc đường bay, những thông báo đặc biệt suốt chuyến bay (ví dụ sân bay có mấy đường băng, đường nào mở, đường nào đóng để biết mà bay), sơ đồ bay...

Lộ trình của chuyến bay được giữ bí mật (nhưng với thế giới không có gì là bí mật, vùng trời của nước nào thì nước đó chịu trách nhiệm, trừ trường hợp mình bay qua không phận của ai đó mà không thông báo thì mình phải chịu trách nhiệm. Kể cả Air force One của tổng thống Mỹ cũng vậy). Và dĩ nhiên một công tác cực kỳ quan trọng khác không thể bỏ qua: đó là phần việc của ngành an ninh để “kiểm nghiệm” cả chiếc máy bay.

Dù VN Airlines là công ty của Nhà nước, là tài sản của chính phủ nhưng mỗi lần đi công tác chính phủ phải thuê, phải trả tiền. Mỗi tháng chiếc Boeing 777 chở hành khách bay 420-450 giờ, một ngày bay 15 tiếng. Mỗi giờ chi phí cho máy bay là 5.000 USD, mỗi phút 80 USD. Tuy nhiên doanh thu trong một giờ bay còn tùy thuộc đường bay, có đường bay không tới 5.000 USD (trong trường hợp này VN Airlines lỗ), nhưng có đường bay doanh thu 10.000-15.000 USD.

Sử dụng làm chuyên cơ có những lúc rất phí, ví dụ bay qua châu Âu và nằm đó một tuần lễ bay về. Dĩ nhiên khi thuê trọn gói một máy bay, Chính phủ phải trả đủ tiền theo số giờ bay qui định trong hợp đồng và số tiền ấy không hề nhỏ chút nào!

Anh Trung cho biết ở các nước chuyên cơ là máy bay của thủ tướng hoặc tổng thống, được đặt trước với mục đích chở nguyên thủ đi công du và đội phục vụ là không quân (không sử dụng lực lượng dân dụng). Mỗi đời tổng thống đều có máy bay chuyên cơ với thiết kế riêng phù hợp với sở thích của vị tổng thống đó… “Chúng ta có tiền là sắm được chuyên cơ riêng, nhưng sẽ lãng phí vì một tháng chỉ bay vài lần, thời gian còn lại để không rất phí. Có lẽ nước mình còn nghèo nên chính phủ không dám... chơi như thế. Kể cả món ăn, thủ tướng mình cũng dễ tính, chúng tôi đặt gì ăn nấy, không có thực đơn riêng cho thủ tướng”.

Người được chọn

Đây là chuyến thứ hai Nguyễn Thành Trung lái máy bay đưa nguyên thủ quốc gia đi thăm chính thức Hoa Kỳ. Lần thứ nhất cách đây 10 năm (năm 1995), anh lái máy bay đưa Chủ tịch nước (lúc đó) Lê Đức Anh sang New York, nhưng đó là chuyến thăm và làm việc ở Liên Hiệp Quốc, số người đi trong đoàn không nhiều.

Trong chuyến công du 12 ngày của Thủ tướng Phan Văn Khải, chuyên cơ đã bay tất cả 44 giờ, qua 36.000km, đáp và hạ cánh tại tám sân bay nước ngoài, hầu hết đều nằm trong lòng bàn tay của cơ trưởng Nguyễn Thành Trung: Seatac của Seattle, Andrew của Washington, J.F.Kennedy của TP New York  Logan của TP Boston, kể cả ba sân bay ở Canada.

Anh nói: “Chuyến đi này tôi được phân công lái chuyên cơ có lẽ do tôi thông thạo đường bay chứ không phải vì tôi là phó tổng giám đốc VN Airlines”.

“Còn lần này là chuyến thăm chính thức và mọi người nói tôi đã chở một nửa chính phủ và một nửa đại gia trong chuyến bay lịch sử  này. Đối với tôi đây là vinh dự rất lớn vì tầm quan trọng của chuyến đi và tôi đã được tận hưởng niềm vinh dự ấy”.

Ở VN Airlines có khoảng 10 tổ lái (5 Airbus và 5 Boeing) đủ tiêu chuẩn lái chuyên cơ. Cơ  trưởng lái chuyên cơ trẻ nhất phải trên 40 tuổi, phải có đủ một số giờ bay nhất định và trong quá trình lái chưa hề phạm sai lầm nghề nghiệp (đó là chưa kể phải có lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc).

Hầu hết các chuyến chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia đi nước ngoài, phi hành đoàn đều phải được tuyển chọn kỹ, đặc biệt cơ trưởng phải là người được ban giám đốc VN Airlines ra quyết định phân công sau khi tham khảo ý kiến của Cục Hàng không dân dụng và được sự đồng ý (hay gợi ý) của Chính phủ (hoặc Quốc hội, văn phòng Chủ tịch nước hay văn phòng Trung ương Đảng tùy theo người đi chuyên cơ là ai trong các vị lãnh đạo quốc gia), chưa kể đến cái gật đầu của ngành an ninh.

Riêng chuyến bay này anh Trung là người được Chính phủ đề nghị. “Dù tôi là lãnh đạo đoàn bay, rồi lên lãnh đạo tổng công ty nhưng khi được chọn làm cơ trưởng một chuyến chuyên cơ đều phải theo qui trình”.

Đây là chuyến đi lịch sử nên lãnh đạo VN Airlines đặt nặng vấn đề an toàn. Toàn bộ 16 tiếp viên trên chuyến bay đều là tiếp viên trưởng. Đó là lý do vì sao nhiều thành viên trong đoàn có nhận xét tiếp viên chuyến bay vừa qua hơi… đứng tuổi và người đẹp nhất là tiếp viên phục vụ… khoang VIP.

Dường như cuộc đời Nguyễn  Thành Trung có duyên nợ đặc biệt với chuyên cơ, nhưng duyên nợ thế nào anh cũng không giải thích được, cũng giống như tại sao anh lại gắn mình với Boeing chứ không phải Airbus. Giao “số phận” trên không trung cho anh không chỉ có Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh mà có nhiều nhân vật khác: nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An…

Thời điểm đất nước mở cửa cũng chính anh là người chuyên chở “nụ cười VN” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy đến với châu Âu. Nhưng anh bảo ấn tượng nhất vẫn là hai lần bay đến nước Mỹ. “Lần đầu vì tôi trở lại Mỹ sau 20 năm (nếu tính từ lúc đi học là sau 25 năm), còn lần hai là chuyến đi hoành tráng của một nguyên thủ VN với đoàn tùy tùng kỷ lục quốc gia, ký kết được nhiều hợp đồng làm ăn, là chuyến đi mở ra chân trời mới cho nền kinh tế đất nước, vươn tới tương lai”.

Khi lái những chuyến bay thường và lái chuyên cơ, cảm xúc của anh có gì khác nhau?

Khi đã ngồi trên buồng lái thì cảm giác đều giống nhau vì đằng sau mình là hàng trăm sinh mạng; tôi luôn trong trạng thái phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho hành khách dù đó là dân thường hay nguyên thủ quốc gia. Tất nhiên khi chở nguyên thủ quốc gia, chúng tôi còn có trách nhiệm về chính trị. Rõ ràng chuyến đi Mỹ vừa qua trách nhiệm rất nặng nề. 

Anh đã từng lái máy bay quân sự, giữa hai loại máy bay dân sự và quân sự khi cầm lái có gì khác nhau?

Lái máy bay quân sự giống như người cô đơn, chiến đấu một mình một ngựa, gặp sự cố nhảy dù là xong. Đánh đấm có sơ suất gì thì chỉ bản thân mình chịu, có thể nhào lộn, hưng phấn khi đánh nhau, cảm giác cũng khác vì tốc độ bay nhanh hơn (2.000km/g so với bay dân dụng chỉ khoảng trên 1.000km/g), tự do hơn, phóng túng hơn. Còn lái máy bay dân dụng thì nhẹ nhàng nhưng trách nhiệm nặng nề hơn, có chuyện gì cũng phải sống chết cùng hành khách.

Dường như cuộc đời anh cũng ly kỳ hơn nhiều người khác?

Có lẽ vậy. Tôi là người hay làm những chuyện... đầu tiên: phi công đầu tiên ném bom dinh Độc Lập, phi công VN đầu tiên chuyển sang lái Boeing, phi công đầu tiên lái chuyên cơ bay đi Mỹ… Tôi nghĩ mình được đời ưu đãi và cũng vì vậy tôi có điều kiện để làm việc có ích cho xã hội và phát huy được nghề nghiệp của mình. Tôi còn bay được đến 2007 là nghỉ (60 là tuổi nghỉ hưu và cũng là tuổi nghỉ bay của VN).

Chuyến đi vừa qua VN Airlines ký mua bốn chiếc Boeing 787 là cho thế hệ sau vì đến năm 2008 máy bay mới về. Tới lúc đó tôi không còn bay nữa để lái chiếc Boeing hiện đại kia, nhưng kỷ niệm về quãng thời gian được bay trên bầu trời sẽ là những điều không bao giờ tôi quên…”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.