Người lái xe trên con đường huyền thoại

TP - Mười năm gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, lái xe Nguyễn Duy Giá không ít lần kề cận hiểm nguy. Trong đó, thời gian ông được giao lái xe phá bom từ trường là nhiệm vụ quan trọng, khi mỗi lần đi là mang theo tinh thần cảm tử…

Ký ức Trường Sơn

Tôi về xã Trung Nghĩa (Yên Phong, Bắc Ninh) để gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Giá, người lái xe dũng cảm từng đảm nhận nhiệm vụ phá bom từ trường trên đường Trường Sơn năm xưa. Hôm đó, khi đưa tôi đến nhà CCB Nguyễn Duy Giá, ông Trần Đình Dung, Chủ tịch Hội CCB xã Trung Nghĩa cho biết: “Cùng sinh hoạt với anh Giá, chúng tôi có dịp nghe anh kể về những kỷ niệm trên chiến trường. Anh Giá là một lái xe dũng cảm của đường Trường Sơn”.

Người lái xe trên con đường huyền thoại ảnh 1 CCB Nguyễn Duy Giá (phải) và CCB Trần Đình Dung 
Ảnh: KIẾN NGHĨA
Đến khi gặp CCB Nguyễn Duy Giá, tôi mới biết CCB Trần Đình Dung cũng là bộ đội của đường 559 (đường Trường Sơn mở ngày 19/5/1959, nên còn gọi là đường 559-PV). Ông Dung nhập ngũ năm 1972, sau ông Giá 7 năm. “Ngày đó, tôi là bộ đội công binh, có nhiệm vụ mở đường cho những đoàn xe như của anh Giá đây. Nhưng có thể nói, thời điểm anh Giá nhập ngũ năm 1965 cho đến năm 1970 là những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, khi đế quốc Mỹ không ngừng ngăn chặn, hủy hoại tuyến vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam của ta qua đường Trường Sơn”- CCB Trần Đình Dung nói.
Người lái xe trên con đường huyền thoại ảnh 2 Những chuyến xe trên đường Trường Sơn chở bộ đội, vũ khí, lương thực ra chiến trường     
Ảnh: T.L
Lúc mới vào nhà, tôi để ý đến bức ảnh in hình ông Giá được treo trên tường, do Ban Liên lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn trao tặng. Ông Giá cho biết, bức hình đó ông được tặng cách đây dăm năm, dành cho những người từng có 10 năm gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn. Rồi ông chậm rãi kể mình nhập ngũ năm 1965, được đi học lái xe một thời gian rồi được phân về Đại đội 9, Đoàn 100, Binh đoàn Trường Sơn. Đơn vị của Nguyễn Duy Giá đóng tại khu vực Cổng Trời (tỉnh Quảng Bình), thuộc Tây Trường Sơn. Đây là một khu vực trọng điểm, với những địa danh hiểm trở, khó đi như ngầm Cha Lo, ngầm Tà Lê… Tại khu vực này, máy bay địch thường xuyên ném bom, cây cối đổ ngổn ngang, mặt đường luôn bị cày xới. Đã thế, chúng còn thả xuống đây rất nhiều bom nổ chậm và mìn các loại để ngăn đường vận chuyển của ta. “Thời điểm này, đơn vị của chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển quân, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Mỗi khi đi, đơn vị phải lựa chọn thời điểm địch ít đánh phá, rồi ngụy trang xe thật cẩn thận để chuyến đi được an toàn”- CCB Nguyễn Duy Giá cho biết. Rồi ông kể, không ít lần đơn vị đi qua khu vực Cổng Trời, nơi có những đèo dốc cao, đường ngoằn ngoèo rất khó đi. Đi trong đêm, có khi đoàn xe còn phải tránh hệ thống đèn dù, pháo sáng của địch thường bắn lên không trung để phát hiện quân ta. Có lúc dù không phát hiện được ta, địch vẫn cho máy bay oanh tạc, hết tốp này đến tốp khác để đánh hú họa.

 CCB Nguyễn Duy Giá cho biết, sau khi giao hàng xong, lúc trở ra đoàn xe của đơn vị thường chở thương binh tới các trạm xá, bệnh viện để điều trị. Có những lúc lại chở những đồng đội hy sinh về nơi chôn cất. “Trong các chuyến đi, đó là những lúc cảm thấy buồn nhất”- CCB Nguyễn Duy Giá chia sẻ. Rồi ông cho biết, có lần, sau khi giao hàng xong, đơn vị đang nghỉ ngơi thì máy bay địch đến oanh tạc. Bất ngờ, một quả bom ném trúng nơi đơn vị trú quân. Sau tiếng nổ chát chúa, Nguyễn Duy Giá lịm đi, đến khi tỉnh lại thấy xung quanh xơ xác. Trong số 11 đồng đội của đơn vị hôm ấy, 9 người hy sinh, chỉ còn Nguyễn Duy Giá và đồng đội tên Thành sống sót. Đau đớn hơn, 8 đồng đội hy sinh thi thể không còn nguyên vẹn. Đang bị thương, Giá và Thành đã nén đau đi thu xác từng đồng đội để chôn cất. “Đó là ngày 4/5 âm lịch năm 1966. Tôi chỉ còn nhớ lịch âm vì đó là ngày giỗ của các đồng đội”- CCB Nguyễn Duy Giá rưng rưng cho biết.

Người lái xe trên con đường huyền thoại ảnh 3

Dũng cảm phá bom từ trường

Đầu năm 1969, địch tăng cường ném bom xuống các cung đường Trường Sơn Tây. Tại các trọng điểm, chúng tập trung thả rất nhiều bom nổ chậm, bom phát quang, và đặc biệt nguy hiểm có bom từ trường. Loại bom này sau khi được thả xuống cứ nằm tại đó, chờ các tín hiệu có kim loại như xe vận tải, súng đạn đi qua là phát nổ để hủy diệt. Ban đầu, để phá bom từ trường, lực lượng công binh dùng các  biện pháp thô sơ như lăn thùng phuy đi qua cho bom phát nổ. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy thường nguy hiểm và không thật hiệu quả.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh chiến trường cấp bách, nhiều khi không có phương tiện phá bom thô sơ mà xe ta vẫn phải vượt qua. CCB Nguyễn Duy Giá kể, đầu năm 1969, khi đoàn xe ta đến cao điểm 515 thì phát hiện một quả bom từ trường nằm chắn đường. Tình thế lúc này thật hiểm nghèo, bởi nếu xe ta không đi qua, đến khi địch phát hiện sẽ đánh phá gây thiệt hại nặng cả đoàn; mà đi qua bom sẽ phát nổ. Lúc đó, lái xe Lê Xuân Cảnh tình nguyện hy sinh để mở đường. Không lựa chọn nào khác, chỉ huy đã chấp thuận. Lê Xuân Cảnh đã lên xe lao vào bom từ trường để nó phát nổ. Trước tấm gương hy sinh anh dũng của Lê Xuân Cảnh, một đồng đội đã làm thơ về anh: “Thưa Chính ủy để tôi đi trước/Nếu việc gì chỉ mất mình tôi/Cảnh lên xe như đạn đã lên nòng/Trên cao điểm 515 rực lửa”. “Đồng đội tôi làm những câu thơ trên năm 1970 cũng hy sinh”- CCB Nguyễn Duy Giá xúc động cho biết.

Một thời gian sau, ta đã có xe phá bom từ trường để đưa vào Trường Sơn cho các đơn vị sử dụng. Là lái xe có kinh nghiệm, Nguyễn Duy Giá được điều sang đơn vị khác để lái xe phá bom từ trường. Đó là một loại xe bọc thép để bom đạn khó xuyên phá, bên trong có hệ thống điện phóng từ. Xe gồm hai người, một lái xe, một phụ trách đóng cầu giao điện. “Lúc phá bom, khoảng cách thông thường từ xe tới quả bom khoảng 50-100 mét, khi đóng cầu giao phóng từ thì bom sẽ nổ. Tuy nhiên, có những quả bom sau khi kích vẫn không nhúc nhích, khiến xe phải lại gần hơn để kích thì mới chịu nổ. Những lúc như vậy khá nguy hiểm, vì sức nổ của bom có thể xuyên phá xe ở khoảng cách gần”- CCB Nguyễn Duy Giá cho biết.

Lái xe phá bom từ trường còn nguy hiểm ở chỗ không phải lúc nào cũng có thể phát hiện bom từ xa. Có những đoạn đường cua tay áo khuất tầm nhìn, khi xe vừa vượt khúc cua nếu đụng phải bom từ trường dễ bị nổ tung hoặc hất xuống vực. Đối với những lái xe có kinh nghiệm như Nguyễn Duy Giá, mỗi khi chuẩn bị vượt khúc cua thì đều phải đóng cầu giao điện phóng từ để đề phòng. Kinh nghiệm này khiến anh vài lần thoát hiểm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bất thường xảy ra khiến khó đề phòng. Một lần, lốp xe phóng từ bị hỏng, sau khi quan sát xung quanh thấy an toàn nên Nguyễn Duy Giá cùng thành viên còn lại của xe đã ra ngoài để thay lốp. Không ngờ có quả bom nổ chậm đằng xa bất ngờ phát nổ khiến Nguyễn Duy Giá bị dập bàn tay trái. Anh cố chịu đựng, thay bánh xe để tiếp tục bám vị trí chiến đấu. Sau chuyến phá bom từ trường đó, Nguyễn Duy Giá phải đi viện tháo khớp một đốt ngón tay bị hoại tử. Khi đang nằm viện, được tin đơn vị chuyển địa bàn, Nguyễn Duy Giá bèn xin xuất viện sớm để theo đơn vị. “Dù bàn tay không còn lành lặn, nhưng tôi vẫn điều khiển xe bình thường và phục vụ quân ngũ đến năm 1976 mới về phục viên”- CCB Nguyễn Duy Giá cho biết.

Mười năm gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn, CCB Nguyễn Duy Giá luôn coi đó là những tháng năm đẹp trong cuộc đời. Trong nhiều năm, những ký ức đẹp đó được ông ghi lại bằng nhiều bài thơ. CCB Nguyễn Duy Giá cho biết, thời gian gần đây ông làm được gần chục bài thơ về ký ức Trường Sơn. Những bài thơ này được ông chép tay cẩn thận trên hai mặt giấy, rồi đem phô tô ra hàng trăm bản để tặng những đồng đội trong dịp gặp gỡ nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn sắp diễn ra tại huyện nhà. Rồi ông đọc tôi nghe bài “Dũng khí” trong số những bài thơ mình vừa sáng tác: “Nhớ những tháng năm ở chiến trường/Ấm lòng đồng đội nặng tình thương/Máy bay giặc Mỹ gây tang tóc/Bom đạn quân thù xé thịt xương/Nếm mật nằm gai thề quyết thắng/Gian nan sinh tử vẫn xem thường/Nguyện vì độc lập kề vai gánh/Dũng khí song toàn trải bốn phương”…

MỚI - NÓNG