Người làm lọng cuối cùng

Nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện và cái lọng cuối cùng
Nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện và cái lọng cuối cùng
TP - Võng điều, lọng tía gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam. Thời đại thay đổi và cái lọng gần như biến mất khỏi đời sống, nghề làm lọng chỉ còn lại trong ký ức của một nghệ nhân già ở làng Mỹ Xuyên.

Ông Nguyễn Quang Thiện, 80 tuổi là nghệ nhân làm lọng cuối cùng ở làng Mỹ Xuyên (Nam Phước, Duy Xuyên-Quảng Nam). Làng bên bờ sông Thu Bồn, ngay sát đầu cầu Câu Lâu nằm trên Quốc lộ 1 chạy qua tỉnh Quảng Nam. Mỹ Xuyên có quá trình lịch sử từ thời vua Lê Thánh Tông đi mở đất. Thời Pháp thuộc, người Pháp mở một xưởng rượu Sika tại làng này nên bây giờ làng còn có tên là Tiệm Rượu.

Dòng họ Nguyễn Quang nhiều đời theo nghề làm lọng và trống cho chốn quan trường. Ông Thiện cho biết: “Tôi nghe cha tôi kể lại, đời ông cố, ông nội tôi chuyên làm lọng cho triều đình Huế. Từ năm 10 tuổi, tôi bắt đầu học nghề từ cha tôi”.

Để hoàn chỉnh một cái lọng phải mất từ 12 đến 15 ngày miệt mài làm việc. Đầu tiên, chọn một cây tre đực đường kính khoảng 5cm, chiều cao khoảng 2m, phơi khô đánh bóng, làm thân lọng.

Lấy một khúc gỗ mít tiện thành hình khối có đường kính 10cm, rỗng ruột gọi là “gen”, trên đầu khối gen xẻ ra 46 hoặc 48 đường sâu, không được lẻ. Tiếp theo là cây chống được làm từ những nan tre, cây dài khoảng 30cm có 20 lỗ khoan, cây ngắn khoảng 20cm có 16 lỗ khoan, những cây chống này xếp xen kẽ dài ngắn vào khối gen ở trên.

Tiếp theo nữa là cây sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn và được uốn cong một đầu, có 8 lỗ mạng và 1 lỗ cuối để kết nối với cây chống. Sau khi lắp ráp xong thành hình giống chiếc dù, bán kính của khung lồng phải bằng 1,2m để thuận lợi cho việc phủ áo lên trên.

Công đoạn khó nhất và đã tạo nên giá trị thật sự cho cây lọng là phần thêu. Nghệ nhân phải chọn được 7 màu len phù hợp để phối màu đan len. Lọng chia làm 5 tầng, đầu tiên là giăng kiên, đan lên xuống qua lại nhiều lần theo một quy luật nhất định để tạo ra hình mũ địa tạng.

Tiếp theo là đan chéo hạt cườm với màu len nổi bật rực rỡ. Phần đan lát chả đòi hỏi sự khéo léo, người thợ phải có kĩ thuật điêu luyện. Lát chả đan thành hình chữ nhật rõ ràng và đều nhau, phải biết phối màu len hài hòa để tránh sự cầu kì và giữ sắc thái trang trọng.

Ngoài ra, giao điểm của cây chống và cây sườn được đan thành hình mạng nhện một cách tỉ mỉ, không được sai sót. Mạng nhện phải kín, tránh để lộ những giao điểm giữa chống và sườn đồng thời làm cho cây lọng trở nên vuông vức. Đó là những công đoạn chính khi làm lọng, những công đoạn phụ như phủ áo, làm bóng, quét sơn cũng cần được đảm bảo...

Theo nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện, đời ông nội của ông trở lên hay làm lọng theo đơn đặt hàng ngoài Huế. Ngày xưa, chỉ cần nhìn vào màu sắc và số lượng người ta sẽ biết phẩm hàm của người dùng lọng. Ví như hàng khanh tướng thì đi ba lọng xanh, phẩm hàm nhỏ hơn đi hai lọng một lọng, người thuộc hoàng tộc thì đi lọng tía, lọng vàng trong miếu thờ thần...

Lọng đi vào cả tín ngưỡng của đời sống dân gian. Người nằm mơ thấy lọng là điềm lành, thấy lọng vàng báo hiệu đỗ đạt, lọng trắng phát tài to... Đến đời ông Thiện, lọng chỉ còn sử dụng trong đình miếu thờ thần thánh.

Thời đại đã đổi thay, cái lọng đã dần dần biến mất khỏi đời sống. Ngoài nghề làm lọng, ông Thiện còn nghề bịt trống và chơi nhạc cho các đám đình quanh vùng. Tám mươi năm tuổi đời, 70 năm nghề, bàn tay tài hoa của ông đã không biết bao lần cố gắng níu giữ giá trị truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc đang bị lãng quên. Những năm trước, các nhà thờ, đình miếu quanh vùng thường đặt ông Thiện làm lọng. Gần đây, do tuổi cao, mắt kém, nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện đã giải nghệ. “Nghề này đòi hỏi sự chính xác ở đôi bàn tay khéo léo và cặp mắt tinh tường” – ông Thiện nói.

Theo Lạc Tiên

Con cái trong gia đình ông Thiện bây giờ mỗi người làm mỗi nghề, không ai kế tục cả. Đôi lọng cuối cùng ông làm cách đây 10 năm giờ dựng trang trọng trước bàn thờ tổ tiên như kỷ niệm cuối cùng của một nghề xưa cũ giờ ít ai còn biết đến!

MỚI - NÓNG