Người lậu miền biên ải - Kỳ cuối: Vẫn chưa có hồi kết

Hướng dẫn đồng bào ở xã Pa Tầng (Đakrông) kê khai thủ tục làm giấy đăng ký kết hôn, quốc tịch.
Hướng dẫn đồng bào ở xã Pa Tầng (Đakrông) kê khai thủ tục làm giấy đăng ký kết hôn, quốc tịch.
TP - Người lậu miền biên ải, vẫn là bài toán đau đầu với nhiều hệ lụy bao năm qua ở xứ gió Lào Quảng Trị, xem ra vẫn còn dài dài chưa có hồi kết bởi sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt từ phía cơ quan công quyền…

Phát ngôn và hành động: Khoảng cách xa ngái

Hôm tôi theo đoàn của Hội Luật gia Quảng Trị lên khảo sát thực tế ở xã biên giới A Vao của huyện Đakrông và người thực, việc thực luôn chuyện tư vấn, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn cho đồng bào Pa Kô ở đây các thủ tục khai sinh, kết hôn, nhập quốc tịch. 

Luật sư Phạm Hồng Nam, chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị bấm vai tôi “Chú thấy không, đồng bào miềng tội lắm, không có tâm thì việc ni vứt hết”. Việc “nếu thiếu chữ tâm” mà Luật sư Nam nói một lúc sau tôi mới ngộ ra là thế này: Rất đông đồng bào di cư tự do từ Lào về da đồng mun nhăn nheo khắc khổ lưng a-chói cuốc bộ dằng dặc bao cây số đường rừng tới trụ sở Ủy ban xã làm thủ tục kê khai. Hồ sơ mở ra cán bộ Hội làm tất tật (hội làm không công không lương, lấy con tim làm trọng), đồng bào mù chữ chỉ biết mỗi việc nhúng tay điểm chỉ. 

Đến nỗi đồng bào chỉ láng máng nhớ năm sinh chứ ngày tháng thì gửi… trên nương trên rẫy hết rồi. Vậy là cán bộ Hội cũng bao luôn. Một cư dân của bản tên Hồ Năn ở bản Vao Ni nói với tôi: “Lần ni không nhập được quốc tịch là nhà miềng nỏ mần nữa, khai báo kê khai thủ tục đây là lần thứ bốn, mỏi cái chân lắm rồi, mất công, ruộng nương không ai mần”. Sau này hỏi ra, ông Võ Công Hoan-Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị (Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị hồi hưu cách đây 3 năm), gật đầu: “Đúng vậy! Mấy lần trước cán bộ xã, huyện, tỉnh triệu bà con tới kê khai xong rồi… vứt đó, đồng bào kêu là phải thôi”.

Công tâm mà nói, người có trách nhiệm không nhỏ bảo vệ quyền công dân của đồng bào di cư từ Lào về ở chốn biên thùy Đakrông và Hướng Hóa phải kể đến Luật sư Hoàng Đức Cường, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội Đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị. Tôi đã chứng kiến tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa 6 mới đây, ông Cường đã hai lần đứng dậy tỏ rõ quan điểm “người lậu biên ải”. 

Và sau này như ông chia sẻ: “Tôi rất buồn khi vị Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp cắt ngang rằng, quốc tịch là việc của Trung ương, anh đừng làm mất thời gian của mọi người. Tôi nói vấn đề hệ trọng quốc tịch của đồng bào từ kỳ họp thứ 2, nay là kỳ họp cuối của khóa mà chả có nhúc nhích gì cả”.

Người lậu miền biên ải - Kỳ cuối: Vẫn chưa có hồi kết ảnh 1

Tư vấn pháp luật cho dân bản.

Và cũng tại kỳ họp 18 này, trong phát biểu giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho rằng, theo Hiệp ước hoạch định Biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào ký năm 1977 và các Nghị định thư bổ sung cũng như các văn kiện pháp lý có liên quan quy định: “Bên nào quản lý vùng nào trước thì có trách nhiệm khuyên dân địa phương ở lại, đồng thời cả hai bên đều phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn quốc tịch và nơi cư trú của họ. Nếu họ không muốn ở lại thì có quyền sang phía bên kia ở, còn ở lại thì nhập quốc tịch mới”.

Sau thời điểm chuyển giao, người dân ở các vùng chuyển giao không trở về (nước gốc) thì “Họ thuộc dân nước bên kia (Việt Nam hoặc Lào theo Hiệp định). Vùng đất A Dơi Đớ (phía tây sông Sê Pôn) theo Hiệp định phía Việt Nam đã làm thủ tục chuyển giao cho phía Lào.

 Phía Lào có chủ quyền toàn vẹn vùng đất được chuyển giao, có trách nhiệm quản lý hành chính đầy đủ của mình trong khu vực đã nhận (kể cả đất, người và công trình) kể từ thời điểm hai bên làm thủ tục tiếp nhận. Sau thời gian chuyển giao cho phía Lào (gần 20 năm sau), do điều kiện sinh sống tại phía bên kia biên giới (phía Lào) quá nhiều khó khăn nên số dân Lào (gốc) sống bên kia  biên giới và số dân (Việt Nam) chuyển giao cho Lào theo Hiệp định về hoạch định biên giới quốc gia họ di cư về các thôn, bản phía Việt Nam sinh sống do có điều kiện tốt hơn về hạ tầng, y tế, giáo dục. 

Đây là những đối tượng di cư tự do trong vùng biên giới. Để giải quyết vấn đề này, ngày 8/7/2013, Chính phủ 2 nước đã ký thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước. Ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2627 kèm theo Đề án về việc thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước. Để thực hiện Quyết định 2627, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 2867 ngày 21/8/2014 về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước. 

Theo đó người được phép cư trú là những đối tượng di cư tự do trong vùng biên giới của 2 nước từ năm 1985 trở về trước. Đối với người di cư tự do trong vùng biên giới 2 nước từ năm 1986 đến ngày ký Thỏa thuận (tháng 7/2013) sẽ được xem xét theo từng trường hợp với các điều kiện sau: Người tôn trọng luật pháp của nước cư trú và không vi phạm Luật Hình sự. Người có cơ sở, cuộc sống ổn định, có nhà cửa, tài sản cố định, có đất canh tác ở nơi cư trú. 

Không phải là người đang bị truy nã hoặc phải thi hành án theo quy định của pháp luật nước gốc. Người phải trở về nước gốc là người di cư tự do trong vùng biên giới của 2 nước từ năm 1986 đến ngày ký kết Thỏa thuận (2013) không đủ 3 điều kiện nói trên bị trả về nước gốc. Người di cư tự do sau ngày 2 bên ký Thỏa thuận tuyệt đối không được xem xét và coi là người nhập cảnh bất hợp pháp. Hai bên thống nhất giao nhận những người này trong thời hạn 45 ngày. Tối thiểu 15 ngày trước khi tiến hành giao nhận, hai bên thống nhất danh sách, thời gian và địa điểm giao nhận”, Chủ tịch Chính nói.

“Việc kéo dài làm quốc tịch cho đồng bào di cư từ Lào, chân tình mà nói, ngoài sự rườm rà nhiêu khê của thủ tục thì cán bộ tư pháp xã, huyện, tỉnh chưa thực thụ mặn mà, xắn tay áo vào cuộc quyết liệt”. 

Ông Võ Công Hoan

Như vậy, căn cứ theo Thỏa thuận được ký kết, Sở Tư pháp Quảng Trị là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục nói trên. Để giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng trên nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng phong tục tập quán của nhau và quan hệ hữu nghị đặc biệt các ngành, địa phương của phía Việt Nam cần có sự hợp tác, trao đổi, bàn bạc trước khi đưa ra các quy định phù hợp luật pháp mỗi nước. 

Và tại kỳ họp này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị Hoàng Kỳ bổ sung: “Căn cứ theo Thỏa thuận đã được ký kết, Sở Tư pháp Quảng Trị là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục nói trên. Để giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng trên nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng phong tục tập quán của nhau và quan hệ hữu nghị đặc biệt các ngành, địa phương của phía Việt Nam cần có sự hợp tác, trao đổi, bàn bạc trước khi đưa ra các quy định phù hợp luật pháp mỗi nước”.    

Khổ nỗi, trên diễn đàn căn cứ vào những quy định pháp quy là vậy, song thực tế không hẳn thế vì những phức tạp đặc thù. Những rắc rối mang tính kỹ thuật đó cần một sự tận tâm vì dân, vì sinh mệnh, quyền lợi sát sườn của họ. Chủ tịch Hội Luật gia Quảng Trị Võ Công Hoan thẳng thắn: “Việc kéo dài làm quốc tịch cho đồng bào di cư từ Lào, chân tình mà nói, ngoài sự rườm rà nhiêu khê của thủ tục thì cán bộ tư pháp xã, huyện, tỉnh chưa thực thụ mặn mà, xắn tay áo vào cuộc quyết liệt”.

Người lậu miền biên ải - Kỳ cuối: Vẫn chưa có hồi kết ảnh 2 Một góc bản Vao Ni (A Vao, Đakrông) nơi có nhiều đồng bào di cư từ Lào về.

Nhiêu khê thủ tục

Trong cuộc khảo sát liên quan đến vấn đề quốc tịch được tổ chức mới đây của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị và một số ban, ngành chức năng tại 18 xã, thị trấn tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cho thấy, hiện có gần 300 cặp vợ chồng đang chung sống với nhau, có yếu tố nước ngoài (người Việt lấy người Lào và ngược lại), song chưa đăng ký kết hôn. Những đôi vợ chồng nói trên sống chủ yếu ở các khu vực giáp ranh biên giới thuộc xã các xã A Vao, A Dơi, Pa Tầng, Pa Linh, Hướng Việt, Hướng Lập … Điều đó cho thấy, hiện trạng hôn nhân chưa được pháp luật thừa nhận tại Quảng Trị còn rất phổ biến.

Mới đây, Luật sư Hoan nói, Hội Luật gia tỉnh này cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương để hỗ trợ, tư vấn và hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký kết hôn cho người dân. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 226/287 cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là người Lào). Hiện vẫn còn hơn 70 trường hợp chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn bởi không có cơ sở.

Chính sự thiếu thống nhất trong việc giải quyết nên câu chuyện “người lậu miền biên ải” ở Quảng Trị vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.