Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Người lớn phải nêu những tấm gương ngay ngắn

TP - Trao đổi với Tiền Phong về thực hiện Di chúc của Bác Hồ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, nếu ở trong nhà cha mẹ sống không ngay ngắn, con cháu dễ sai lệch. Trong xã hội cũng vậy, thế hệ lớn tuổi, những người có trọng trách sống không ngay ngắn thì không thể dạy lớp trẻ sống tử tế được.

Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ khi lần đầu đọc Di chúc của Bác Hồ 45 năm trước?

Liên quan tới Di chúc của Bác tôi có hai kỷ niệm sâu sắc. Khi Bác mất tôi đang công tác ở Đại sứ quán VN tại Liên Xô (cũ) và được phân công phụ trách quan hệ chính trị với bạn, trong đó có quan hệ Đảng. 

Phòng khi tình huống xấu nhất xảy ra, Đảng ta đã nhờ bạn giúp đỡ trong việc giữ gìn thi hài của Người, vì vậy ngay khi Người qua đời, tôi được lệnh liên hệ ngay với bạn để triển khai công việc hậu sự. 

Đêm đó, tôi và anh Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô E.Glazounov ngồi bàn công việc mà nước mắt hai người cứ tuôn trào. Sau đó tôi đi cùng Đoàn đại biểu Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô-sư-ghin dẫn đầu sang dự lễ tang Bác, do đó được giao nhiệm vụ cùng anh em ở Bộ Ngoại giao dịch Di chúc của Người trước khi công bố. Tôi thực sự cảm động khi được đọc văn bản lịch sử này. 

Bản Di chúc không chỉ hàm chứa những lời di huấn chính trị Bác dặn lại toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà còn là một bức thư tâm tình đầy tính nhân văn của một người sắp đi xa chia sẻ với người thân.

Vậy ông nghĩ gì về những nội dung Di chúc của Bác dành cho thế hệ trẻ?

Mọi người đều biết, trong Di chúc Bác dành hai đoạn nói về thanh thiếu nhi. Qua đó ta có thể thấy suốt đời, cho tới hơi thở cuối cùng, Bác luôn quan tâm tới các thế hệ mai sau. Chẳng thế mà tổ chức tiền thân của Đảng ta mang tên Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. 

Sau Cách mạng tháng Tám, mặc dầu bận trăm công ngàn việc đại sự quốc gia, Bác vẫn dành những tình cảm ấm áp nhất cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Chỉ 15 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã gửi thư cho thiếu niên nhi đồng nhân Tết Trung thu. 

Thế hệ chúng tôi không bao giờ quên Tết Trung thu độc lập đầu tiên khi nhà nhà dựng “bàn thờ Tổ quốc” có treo cờ đỏ sao vàng và chân dung Bác Hồ, bầy cỗ ngoài đường và bọn trẻ con chúng tôi reo hò đánh trận giả trên Hồ Gươm. 

Nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập, Người đã gửi thư cho học sinh dặn một câu để đời: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Sau này, trong các hoạt động đối ngoại, khi các vị thượng khách nước ngoài tới thăm nước ta, Bác đều tổ chức cho các em thiếu nhi đến chào khách; tới thăm nước nào Bác cũng gặp gỡ thanh thiếu nhi.

Thực hiện di nguyện của Bác bằng xương máu của mình

“Một số người không nhỏ” lại chưa nêu được tấm gương sáng cho thanh thiếu niên, nhi đồng noi theo, nhiều khi lời nói chưa đi đôi với việc làm, làm xói mòn niềm tin trong thế hệ trẻ”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan 

Vậy thế hệ thanh niên đã thực hiện di nguyện của Người ra sao thưa ông? 

Bác Hồ mất đi khi đất nước chưa thống nhất, chính thế hệ trẻ trên chiến trường đã góp mồ hôi, xương máu để hoàn thành di nguyện của Người, “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. 

Tiếp đó, chính thế hệ trẻ đã tiếp bước bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, biển đảo của Tổ quốc quê hương. Và rồi chính thế hệ trẻ đã góp công góp sức trong công cuộc xây dựng lại đất nước “hơn mười ngày nay”.

Như vậy, lớp lớp thế hệ trẻ đã thực hiện lời dạy của Người bằng mồ hôi, bằng xương máu chứ không phải bằng khẩu hiệu, bằng lời nói. Tôi nghĩ đó là cách thực hiện tốt nhất Di chúc của Bác và chắc rằng Bác sẽ mỉm cười vui nơi chín suối.

Còn về công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chúng ta đã thực hiện ra sao thưa ông? 

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ nối kết sự nghiệp của cha anh. Tuy nhiên thực lòng mà nói chất lượng, hiệu quả công việc này chưa thật sự như mong muốn. Ở đây có lỗi từ cả hai phía. 

Riêng tôi cảm nhận, những người thuộc thế hệ trước có trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ sau chưa lường hết được những tác động xã hội một khi bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tới thế hệ trẻ, nhất là chưa chăm lo thật đầy đủ hành trang cho họ vào đời, chưa bảo đảm được thật tốt chất lượng học hành, công ăn việc làm cho thanh niên. 

Buồn hơn thế “một số người không nhỏ” lại chưa nêu được tấm gương sáng cho thanh thiếu niên, nhi đồng noi theo, nhiều khi lời nói chưa đi đôi với việc làm, làm xói mòn niềm tin trong thế hệ trẻ. Còn các bạn trẻ cũng chịu không ít “cú sốc” trong hoàn cảnh mới.

5 “cú sốc” với thế hệ trẻ

Ông có thể nói cụ thể hơn về những “cú sốc” đó ? 

Theo quan sát của riêng tôi, cú sốc thứ nhất là khi bước vào kinh tế thị trường làm nẩy sinh sự cạnh tranh khốc liệt, tâm lý chạy theo lợi ích vật chất, chạy theo đồng tiền phát triển, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ. Cú sốc này ảnh hưởng tới hành vi của không ít người, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới các bạn trẻ.

Cú sốc thứ hai có lẽ là áp lực học hành, chạy đua bằng cấp. Thật buồn khi thấy các cháu cứ như là vật thí nghiệm, học thêm học nếm, kiểu học, kiểu thi thay đổi xoành xoạch, không ngừng nghỉ.

Cú sốc thứ ba là công ăn việc làm và môi trường làm việc. Tôi có rất nhiều dịp gặp gỡ các bạn trẻ trí tuệ sáng láng, đầy nhiệt huyết cống hiến.

Lần nào tôi cũng được nghe thấy những nhận xét không vui về những khó khăn, bất công trong việc tìm kiếm công ăn việc làm và môi trường làm việc trong các cơ quan công quyền. 

Chỉ hôm qua thôi tôi được nghe một cháu có bằng cấp rất cao ở nước ngoài về, vào được cơ quan chẳng ai đoái hoài tới chuyên môn, chỉ sai chuyện vặt! Những điều như vậy làm cho niềm hăng say của các bạn trẻ không những không được khơi dậy mà còn xói mòn, tàn lụi. 

Đó là thực tế mà người lớn phải có trách nhiệm chấn chỉnh nếu muốn thực hiện lời dặn của Bác Hồ về việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. 

Cú sốc thứ tư có lẽ là về văn hóa. Khi nước ta mở cửa, rất nhiều nền văn hóa bên ngoài ập vào đem lại cho chúng ta nhiều tinh hoa nhân loại nhưng nhiều sản phẩm độc hại cũng len vào. 

Nhưng các bạn trẻ lại không được trang bị để có thể phân biệt cái hay, cái tinh túy, cái độc hại nên nhiều khi hấp thụ những cái không hẳn là tinh hoa, chạy theo những cái tầm thường.

Cuối cùng là cú sốc về kỹ năng sống, hệ quả của những cú sốc trên. Nhiều khi các bạn trẻ được nhồi nhét những khái niệm quá trừu tượng, xa vời với cuộc sống, trong khi đó lại ít được giáo dục những điều hay lẽ phải rất đời thường. 

Tôi từng tâm sự với các bạn trẻ rằng, “hãy trồng cây chứ đừng vặt cây”, “hãy nhặt rác chứ đừng vứt rác”, “hãy nói lời hay ý đẹp chứ đừng chửi thề”, “hãy nhường đường chứ đừng lấn đường”...Nhưng buồn thay, ngay người lớn chúng ta nhiều khi cũng không hành xử như vậy thì làm thế nào có thể khuyên các bạn trẻ được?

Người lớn phải nêu những tấm gương ngay ngắn

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, thưa ông?

Đúng như vậy. Dân ta có câu “Con hư tại mẹ”. Nói như vậy không có nghĩa là các bạn trẻ đứng ngoài cuộc vì bản thân các bạn cũng “lớn” rồi, phải gánh lấy trách nhiệm xã hội chứ không thể trông chờ vào ai.

Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 về Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng nêu “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau...”. Ông có suy nghĩ gì về nhận định trên?

Thật đáng buồn, đoạn đó trong Nghị quyết T.Ư 4 phản ánh đúng thực tế. Một thực tế không vui. Nếu ở trong nhà cha mẹ sống không ngay ngắn, con cháu dễ sai lệch. 

Trong xã hội cũng vậy, thế hệ lớn tuổi, những người có trọng trách sống không ngay ngắn thì không thể dạy các cháu sống tử tế được. Lời nói và việc làm không đi đôi với nhau thì không thể thuyết phục các cháu được.

Đó đúng là những thực tế đáng buồn như ông nói. Nhưng vừa qua cũng có rất nhiều những tấm gương sáng của người trẻ, thưa ông?

Đúng là dù gặp phải những cú sốc nhưng điều đó không che lấp được những điều cao đẹp ẩn chứa trong gene thanh niên Việt Nam được. Khi đất nước lâm nguy, lòng yêu nước tiềm ẩn trong họ lại trỗi dậy mạnh mẽ.  

Nói gì thì nói chứ biết bao các bạn trẻ sẵn sàng xả thân, tập hợp nhau lại để làm việc có ích cho xã hội. Nhiều bạn thanh niên năng động sáng tạo, tự nguyện giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, nhân dân ở vùng sâu vùng xa mà không cần ai động viên, không cần ai khuyến khích, cũng chẳng ai cho tiền. 

Mong rằng các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều hơn nữa những tấm gương đó chứ đừng dành quá nhiều trang vào “chân ngắn, chân dài”, những chuyện giật gân, vụ án!

Vậy thưa ông, trong Di chúc của Người đã nhắn nhủ điều gì để khơi dậy những tiềm năng to lớn của người trẻ? 

Trong Di chúc người nhắn nhủ “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Vậy trong hoàn cảnh hiện này chúng ta nên hiểu thế nào là “hồng” (tức là đức), thế nào là “chuyên” (tức là tài)? 

Theo tôi nét “hồng” thứ nhất là lòng yêu nước. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở sự sẵn sàng xả thân bảo vệ đất nước mà còn ở nhiệt huyết làm cho nước giầu, dân mạnh; niềm tự hào về bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn xã hội lành mạnh, môi trường sống xanh, sạch, đẹp. 

Nét “hồng” thứ hai là tinh thần cống hiến, sự dấn thân, làm việc hết mình với tinh thần kỷ luật cao trong công việc. Nét “hồng” thứ ba là sống tử tế, mình vì mọi người, kính trên nhường dưới. 

Còn về “chuyên” thì ngoài kiến thức, có lẽ điều quan trọng lúc này là kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, trình độ chuyên nghiệp cao và tính sáng tạo hơn bao giờ hết nếu không thì chẳng bao giờ chúng ta có thể sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG