Người mẫu bán dâm: Sự hỗn loạn của chuẩn giá trị

Người mẫu bán dâm: Sự hỗn loạn của chuẩn giá trị
TP - “Giới nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mại dâm là bạn đồng hành của chế độ hôn nhân một vợ một chồng, rất khó có thể loại bỏ ra khỏi đời sống. Nhưng người mẫu, người đẹp đi bán dâm, môi giới mại dâm vừa mới bị công an phát giác lại là chuyện khác...”.

> Chưa công bố tên người mua dâm vì... nhân đạo

PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học & Xã hội Việt Nam), cho biết như vậy.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình
PGS. TS Trịnh Hòa Bình.

Theo ông Bình, người mẫu, người đẹp bán dâm thể hiện sự băng hoại, xuống cấp về đạo đức. Điều nguy hiểm là họ lại tiêu biểu cho vẻ đẹp hình thức của phụ nữ, được giới trẻ hâm mộ.

Cho nên, việc họ đi bán dâm không chỉ làm sụp đổ hình ảnh của chính mình và còn làm vấy bẩn giá trị, góp phần làm mất định hướng cho giới trẻ trong xã hội.

“Người đẹp bán dâm, không thể than về sự xuống cấp của đạo đức. Cũng không thể kết luận do quản lý xã hội quá tồi. Với tôi, đó là chuyện về sự hỗn loạn của các chuẩn giá trị bây giờ”, ông Bình nhận định.

Nên công khai danh tính người mua dâm

Theo ông, nếu chỉ lên án người đẹp bán dâm mà “bỏ qua” người mua dâm, thì có công bằng không?

Hành vi mua dâm của các đại gia rất đáng lên án. Đời sống của đa số người dân trong xã hội đang đầy rẫy khó khăn, những sự kiện mua bán dâm như vừa rồi đánh thêm một đòn nữa vào ý chí phát triển xã hội, người lao động có quyền phẫn nộ.

Đành rằng người ta có tiền, người ta có quyền chơi, nhưng chơi như thế cho thấy sự thóa mạ người nghèo. Các đại gia đó xem việc bỏ nghìn đôla để bắn ha người đẹp như một cách thể hiện đẳng cấp, một thành tích để nâng tầm mình lên.

Ăn chơi kiểu đó chỉ ra sự bế tắc và sự dưới tầm văn hóa của các đại gia, mà trong số họ nhiều người cũng làm giàu nhờ mánh mung, chụp giật, lợi dụng kẽ hở của cơ chế để kiếm tiền.

Theo ông, có nên công khai danh tính người mua dâm?

Tại sao vi phạm an toàn giao thông, người ta sẵn sàng công khai danh tính, thì mua dâm, một hành vi bị pháp luật cấm, lại không
công khai?

Muốn hạn chế tệ nạn mại dâm thì cần phải xử lý đến nơi đến chốn những người mua dâm. Có thể đó là một biện pháp mạnh, nhưng chúng ta cứ làm nếu cần, và coi đó là một giải pháp tình thế trong lúc này.

Nhưng, nếu làm vậy, hãy để xã hội tin rằng biện pháp đó sẽ áp dụng với toàn bộ những khách mua dâm bị phát hiện chứ không có ngoại
lệ nào…

Theo ông, có nên cho phép mại dâm hoạt động?

Không dễ để chính quyền cho phép mại dâm hoạt động công khai. Điều này xuất phát từ thể chế xã hội và thuần phong mỹ tục của các nước Á- Đông.

Ở các thành phố thuộc các tỉnh, các khu vui chơi giải trí đều xuất hiện rất nhiều dịch vụ nhạy cảm. Nhiều nước cho phép mại dâm hoạt động công khai và quản lý chặt chẽ, yêu cầu các cô gái này đi khám bệnh thường xuyên… chính là nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và có một nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tôi nghĩ rằng, mại dâm là một thực tế xã hội và cần được nhìn nhận, đánh giá để tiến tới bảo vệ cộng đồng, tránh lây nhiễm những căn bệnh như HIV/AIDS. Có thể nới để lập ra khu đèn đỏ như ở nước ngoài. Có khám bệnh định kỳ và thu thuế. Tuy nhiên, nới cũng phải có lộ trình, và tuỳ nơi tuỳ chỗ, tránh gây sốc và phản cảm.

Có những phụ nữ bán dâm cũng vì ít cơ hội học hành, hoàn cảnh éo le, xô đẩy, ông nghĩ sao?

Bán dâm cũng có nhiều phân khúc khác nhau, những người đẹp trong giới showbiz đi khách nghìn đô khác với các cô gái đang lầm lũi ở trong bóng tối đi khách một lần mấy trăm nghìn.

Nó khác với các người đẹp chỉ ăn nằm một đêm ngắn ngủi được chi trả mấy ngàn đô để mua sắm, ăn chơi. Lằn ranh giữa bán dâm và không bán dâm cũng rất mong manh.

Ở nước ngoài, nhiều người đóng phim cấp 3 vì hoàn cảnh như Thư Kỳ khi có điều kiện đã nỗ lực vượt qua lằn ranh ấy để đoạn tuyệt quá khứ, tìm hướng đi mới tốt đẹp.

Còn nhiều chân dài Việt thì đi ngược lại: Cố tìm cho bằng được một danh hiệu dù cấp ao làng để thổi phồng tên tuổi… từ đó bán dâm cao cấp.

Theo góc nhìn của một nhà xã hội học, ông đánh giá thế nào về diễn biến của tệ nạn mại dâm thời gian tới?

Tôi nghĩ là nếu không vào cuộc quyết liệt thì tệ nạn mại dâm sẽ có diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Việc đưa các cô gái bán dâm vào các trung tâm gọi là phục hồi nhân phẩm là không có mấy hiệu quả giáo dục.

Ngay cái tên phục hồi nhân phẩm đã thể hiện sự kỳ thị quá rồi. Mà sự kỳ thị không thể khiến nhân phẩm phục hồi. Phải nhìn nhận và đối xử với họ hết sức nhân văn. Phải giáo dục để các cô gái biết tự trọng, biết kiêu hãnh về phẩm giá của mình.

Điều cơ bản là làm sao để kinh tế phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm chính đáng, xã hội không gia tăng những nhóm yếu thế. Đa số gái bán dâm thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Một số hoa khôi trong các cuộc thi người đẹp vùng miền bị phát hiện bán dâm và môi giới mại dâm, có ý kiến cực đoan cho rằng nên dẹp bỏ các cuộc thi người đẹp. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi cũng có nghe một số ý kiến quá khích đề nghị sổ toẹt luôn chuyện thi người đẹp. Làm vậy càng cho thấy chúng ta bất lực với vấn đề này. Câu chuyện vừa xảy ra giống như một đòn đau với một số người đẹp, mà trên lý thuyết thì phải được coi là tinh hoa của nghệ thuật và cái đẹp.

Tôi tin rằng, giới chức năng sẽ rất chú ý và quan tâm tới câu chuyện này. Chúng ta hãy cùng chờ xem những cách ứng xử, răn đe nào được
đưa ra.

Cảm ơn ông.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG