Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo

TPO - Cuối tháng 7 này ở đầu nguồn lũ miền Tây, nước vẫn trong xanh lạ thường, thay vì không đục ngầu phù sa như mọi năm. Người miền Tây trông ngóng mà mãi chưa thấy cảnh con nước lớn, con nước rồng.

Nhiều năm trước, thời điểm này lũ tràn ngập đồng ruộng, cũng là lúc người dân miền Tây vào vụ đánh bắt thủy sản. Nhưng bây giờ đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ.

Những ngày này, đi dọc các tỉnh đầu nguồn biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ bắt gặp cảnh đồng ruộng khô cằn, nhiều tuyến kênh cạn trơ đáy.

Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 1
Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Danh cầm tay lưới trên xuồng
Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 3 Xuồng đánh bắt cá còn nằm bến 

Ông Nguyễn Văn Danh (80 tuổi ở ấp Kinh Thống Nhất, xã Tân Công Chí , Tân Hồng, Đồng Tháp) gần giáp biên giới Campuchia, sống bằng nghề câu lưới mấy chục năm nay. Ông cho biết: "Mấy chục năm ở xứ này nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh nước kiệt như năm nay". 

Theo ông Danh, ở vùng này, sau mùng 5 tháng âm lịch là nước từ thượng nguồn đổ về, kèm theo đó là dòng nước đục mang theo phù sa vào đồng ruộng. Thế nhưng năm nay hoàn toàn khác biệt. "Tôi giăng lưới hằng ngày trên sông nên hiểu rất rõ. Thời điểm này đáng ra nước sông đục ngầu nhưng giờ thì trong xanh lạ thường", ông Danh nói.

Cũng ở khu vực gần biên giới, ông Ngô Văn Hơn (66 tuổi ở ấp Bình Thành B, xã Bình Thành, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) nói rằng năm nay là lần đầu tiên ông gặp cảnh không có lũ. "Mọi năm thời điểm này (30/7) có chỗ ngập sâu 2,5m, còn năm nay, đồng khô queo, dưới sông nước trong xanh. Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề câu lưới mùa lũ nhưng giờ không biết lấy gì sống", ông Hơn than thở.

Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 4 Ngư cụ đánh bắt đã sẵn sàng nhưng còn phải chờ nước lên
Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 5
Người miền Tây ngóng lũ, thắt lòng vì nước đầu nguồn vẫn trong leo lẻo ảnh 6 Người dân ngóng lũ

Cùng ấp với ông Hơn, bà Lê Thị Sắc âu lo cho biết, bà đầu tư gần 200 cái lưới 12 cửa ngục để bắt cá với trên 40 triệu đồng. "Chưa kể, còn đóng thêm 7 triệu tiền thuế để sang Campuchia đánh bắt mùa lũ nhưng đến nay đã trễ gần 2 tháng vẫn không có nước lên ruộng".

Theo thông báo của Ủy hội sông Mekong, nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Đoạn từ Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan, đến Luang Prabang, Vientiane (Lào) và Neak Luong (Campuchia), mực nước sông đều đang ở dưới mức thấp kỷ lục của năm 1992.

Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1 m, thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mức nước tối thiểu từng đo được trong 57 năm đó. Bên cạnh đó, mực nước Mekong ở vùng Tam Giác Vàng (Lào, Thái, Myanmar) ngày 19/7 đang ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973 .

Trong khi, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dao động từ báo động 1 đến báo động 2, xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, hiện mực nước sông Mekong thấp là do lượng mưa đầu mùa rất ít, cộng với các đập thuỷ điện trên thượng nguồn tích nước. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10, diễn biến về lũ có thể sẽ thay đổi khi có mưa nhiều ở thượng và trung Lào, cộng với các đập thủy điện Lào đã tích đầy.

MỚI - NÓNG