Người Mông ở Hà thành

Người Mông ở Hà thành
TP - Tôi quen biết nhiều năm với ông Vương Quỳnh Sơn, cố vấn về mảng dân tộc của Chính phủ, cháu gọi Vua Mèo Vương Chí Sình bằng chú ruột.

>> Vũ Quốc Hùng, một thời ngự sử
>> Kỳ II. Mai Thúc Lân chuyện đời ấm lạnh...
>> Kỳ I: Cao lão nhất hội trường

Người Mông ở Hà thành ảnh 1
Ông Cư Hòa Vần. Ảnh: Ngọc Trung

Ông Vương Chí Sình kết nghĩa anh em với Bác Hồ được Bác đổi tên là Vương Chí Thành và Người tặng cho thanh kiếm khắc dòng chữ Tận Trung Báo Quốc Bất Thụ Nô Lệ.

Ông chú cùng ông cháu nay đã là người thiên cổ.

Qua ông Vương Quỳnh Sơn, sau này tôi biết thêm ông Cư Hòa Vần, người Mông quê ở mạn Xi Ma Cai, Lào Cai. Ông Vương người Mông Hà Giang xuống núi từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Ông làm nhiều việc trong đó có những năm tham gia xây dựng khu gang thép Thái Nguyên.

Còn ông Cư Hòa Vần, người Mông Xi Ma Cai xuống núi muộn hơn, mãi giữa những năm bảy mươi khi đã chững chạc ở các cương vị Phó Chủ tịch, Chủ tịch tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ở Lào Cai, Hoàng Liên Sơn.

Về Hà Nội ông từng là Trưởng ban Định canh Định cư Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa VI, IX, X. Từ năm 2004 đến nay, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhà gần hồ Đống Đa, cứ mỗi bửng tưng, mặc dầu đã cao lão, hai ông bà Cư Hòa Vần vẫn khép một vòng quanh cái hồ hẹp này. Kiểu bước của  ông là thứ thập thững khoan thai, di chứng của sự chưa quen và không thể quen của người chuyên leo núi nay phải đi trên đất bằng.

Còn  bà vợ có kiểu bước của người mạn xuôi. Quê gốc bà ở mạn Thường Tín.  Cụ ông thân sinh  bà có thời gian làm ở sở hỏa xa tuyến đường sắt Vân Nam- Côn Minh - Lao Cai cùng với cụ Tạ Đình Đề. Bà làm bạn với ông Cư Hòa Vần ở đất Lào Cai. Khác với cụ thân sinh có đến ba bà, ông Cư chỉ có mỗi bà nhưng nay xôm tụ 11 cháu nội ngoại.

Đến đất Bắc Hà Xi Ma Cai, người ta thường chú tâm lẫn chú mục cái dinh thự còn sót của một dòng họ có máu mặt đất này là Hoàng A Tưởng người Tày, mà ít biết đến một dòng họ Mông cũng khá kiệt hiệt là  họ Hoàng (do chữ Voòng mà ra), những năm bốn mươi có một nhân vật khá nổi trội là Hoàng Đình Trung.

Cũng như trường hợp Vương Chí Sình, chế độ bảo hộ thực dân Pháp với chính sách chia để trị đã đặt chức bang tá phìa tạo cho những vùng dân tộc Mông Thái có quyền tự trị cát cứ. Vùng Hà Giang có Vương Chính Đức (thân sinh Vương Chí Sình) thì vùng Lao Cai có Hoàng Đình Trung.

Các lãnh chúa ấy người ta quen gọi là vua. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vua Mèo Hoàng Đình Trung tiếp được thư của Hồ Chủ tịch qua ông phái viên chính phủ Ngô Minh Loan.

Cụ  sớm giác ngộ tham gia cách mạng đánh Pháp. Một đệ tử cật ruột của Hoàng Đình Trung là Cư Hòa Lềnh cũng đã được giác ngộ tham gia kháng chiến. Những năm 50, cụ Hoàng Đình Trung là chủ tịch xã Xi Ma Cai còn đệ tử của cụ là xã đội trưởng kiêm Phó chủ tịch xã chính là thân sinh ông Cư Hòa Vần.

Mười lăm tuổi cậu bé Cư Hòa Vần đã là liên lạc của Việt Minh, sợi dây bền chặt dẻo dai nối căn cứ kháng chiến với cán bộ của Khu. Trưởng thành từ phong trào của địa phương  từng qua công tác từ cán bộ xã huyện rồi tỉnh, thấm hơn ai hết đời sống của đồng bào dân tộc của quê hương đang còn gian nan, làm cách nào để góp phần xóa bớt cái nghèo cái đói cho bà con là những quyết tâm cháy bỏng của ông Cư Hòa Vần. 

Nhớ lại vài bận đi công tác với ông Vương, tôi cứ thi thoảng lại giật thột một cảm giác, nếu như mặt bằng dân vận dân tộc Mông mà tự dưng khuyết đi những vị cố vấn lão luyện dày dạn kinh nghiệm vừa khôn khéo vừa uyển chuyển thì chắc sẽ đơn điệu lắm lắm.

Bởi ông Vương có kiểu của ông Vương. Còn ông Cư có cách làm và phương pháp của ông Cư nhưng bà con dân tộc Mông nói riêng và nhiều vùng dân tộc khác nghe thủng cái tai ưng ngay cái bụng thì phương pháp đó, hiệu quả ấy những cán bộ người Kinh đạt tới được hẵng còn là trầy trật vất vả lắm.  Tiếc cái là Vương lão đồng chí tuổi cao trọng bệnh đã mất.

May mà còn Cư lão đồng chí đây.  Khổ người vậm vạp, chất giọng chất phác, có vẻ như hơi rề rà nhưng luôn hấp dẫn người nghe. Trên các diễn đàn của QH, của Chính phủ, mỗi khi có những nhịp bước khoan thai kiêm chất giọng thô mộc ấm áp ấy, tôi có cảm giác người nghe yên ắng trật tự hơn và không thiếu những tràng vỗ tay tán thưởng.

Tôi nhớ lần các thành viên Chính phủ (có mặt Thủ tướng và các Phó Thủ tướng) làm việc với UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN để tìm sự đồng thuận về việc chống lạm phát, cả hội trường lúc lặng phắc lúc rộ lên những tiếng cười.  Giữa khoảng lặng cùng các cung bậc cười ấy là sự đồng cảm thấm thía và gì nữa, hình như cả nỗi đau...

Phó Chủ tịch MTTQ Cư Hòa Vần đặt vấn đề: “Có phải lãng phí tràn lan ở các địa phương chính là một trong những yếu tố gây lạm phát?”. Vấn đề ông nêu ra không mới nhưng thấm thía là ở chi tiết đại loại, có những tỉnh còn nghèo, thu ngân sách chưa đến 100 tỷ đồng nhưng làm hội trường mất đến 200 tỷ.

Đường vành đai chỗ nhà tôi ở làm 20 năm rồi, qua ba nhiệm kỳ thủ tướng rồi vẫn chưa xong, gây lãng phí vô cùng. Cách đây ba năm đi thăm Ấn Độ, chúng tôi được một Ủy viên T.Ư Đảng cầm quyền tiếp nhưng tiện nghi không bằng một huyện miền núi của ta, người ta tiết kiệm như thế chứ.

Tệ xa hoa, lãng phí của các địa phương là vấn đề muôn thuở nhưng qua chất giọng và ví dụ dẫn ra của ông, người ta như được tiếp cận ở một sắc thái khác. Miền núi rất nghèo nhưng  có chủ tịch, bí thư có ghế ngồi trị giá 20 triệu đồng hoặc hơn. Một số lãnh đạo địa phương khi về hưu có cơ sở ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mua xe riêng không kém sang trọng so với xe công thời đương chức.

Tôi có dịp đi vài nước, âm thanh còi hụ là thứ âm thanh gở vì chỉ khi có chuyện dở hoặc tai nạn thì người ta mới dùng đến còi hụ của cảnh sát. Nhưng ở ta, đoàn lớn của T.Ư theo quy định thì không dám nói, nhưng  có vài cán bộ Trung ương khi xuống cơ sở cũng dùng còi hụ.

Tiện lợi ở đâu chưa biết nhưng cả vùng ngơ ngác. Chao ôi dân với lãnh đạo xa cách quá. Tôi có gặp một đồng chí T.Ư ấy thì đồng chí ấy nói, nào có muốn đâu nhưng anh em địa phương quý quá nên tự động làm việc ấy. Sao  lại đổ lỗi cho địa phương?

Nếu là tôi, tôi sẽ kỷ luật vì cấm sao cứ làm?  chẳng qua cấp dưới đón được ý xấu, thói quen xấu của cấp trên nên cứ tùy tiện bày ra, lại chả thấy nhắc nhở gì nên đã thành tiền lệ đó thôi!  Còn khi tiếp xúc với dân, lãnh đạo nói nhiều quá quên mất việc nghe dân.

Có phải tất cả những điều này đã góp phần gây ra lạm phát không nhỉ? Ông Vần thủng thẳng kết luận...

Ngay từ những năm đầu chín mươi, trong các diễn đàn của QH, khi bàn về công trình thủy điện Sơn La khi ấy đang được khởi thảo những bàn soạn, ông Cư Hòa Vần đã quyết liệt với ý kiến rằng không thể hy sinh quyền lợi của người dân cho Thủy điện Sơn La.

Cụ thể phương án tái định cư khi xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á phải được giám sát rất chặt chẽ tránh tình trạng người dân thua thiệt nhiều (tất nhiên có thua thiệt mất mát nhưng phải ít ít thôi!) Quả những điều ông cảnh báo trước hằng bao nhiêu năm như thế, hiện tại người dân vùng hồ vẫn đang gặp không ít trắc trở gian nan!

***

Bên hồ Đống Đa, tôi chầm chậm thả bước cùng hai ông bà Cư Hòa Vần một đoạn. Những bước thập thững của ông có vẻ như nằng nặng hơn khi ông vừa đi vừa tóm tắt lại cái hội thảo về bauxite mà ông vừa đi dự ở Đăk Nông về với tư cách là Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam.

Rằng trong hội thảo nghe bên nào cũng đưa cái hay cái lý của mình ra ! Ông cười ngoái lại, cũng hơi giống như cái đám các cụ đang bàn tán về việc lớn của quốc gia như bauxite ta vừa đi qua lúc nãy.

Tôi mong QH kỳ họp này bàn việc lớn của dân của nước ấy, mong các đại biểu sáng suốt tìm lựa được phương án để vừa làm giàu làm yên đất nước trong đó có bà con các dân tộc Tây Nguyên...

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.