Người nhiều lần chở đá ra Trường Sa

Người nhiều lần chở đá ra Trường Sa
TP - Đã sang tuổi 62 và suốt ngày bận rộn việc trang trại, vườn cây cảnh hàng chục tỷ đồng (xã Lý Thành, Yên Thành, Nghệ An), nhưng khi có người hỏi về những tháng ngày chở đá xây Trường Sa, cựu chiến binh Võ Văn Thiêm lại hào hứng kể với giọng đầy tự hào.
 Duy Ngợi Ông Thiêm hào hứng kể những bức ảnh kỷ niệm những ngày ở Trường Sa. Ảnh Duy Ngợi
 Ông Thiêm hào hứng kể những bức ảnh kỷ niệm những ngày ở Trường Sa. Ảnh Duy Ngợi.

Ông cho biết đã hai lần chở đá ra đảo Sơn Ca và đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) và lần ấn tượng sâu đậm nhất là hơn 10 ngày ở đảo chìm Đá Đông.

Hưởng ứng phong trào Đền ơn đáp nghĩa; Uống nước nhớ nguồn của Nhà nước, ông Thiêm cùng vợ là bà Trần Thị Cương nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em (ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành) từ 1996 - 2009.

Cựu chiến binh Võ Văn Thiêm vinh dự được thay mặt toàn tỉnh Nghệ An dự Đại hội Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội năm 1996. Năm 1997, ông được dự Hội nghị Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Năm 2007, ông dự Hội nghị tổng kết phong trào Đền ơn đáp nghĩa - Biểu dương tập thể và người có công toàn quốc.

Đảo Đá Đông là một vành đai san hô chìm dưới mặt nước biển, khi thủy triều xuống dưới 0,2 - 0,4 m đảo mới hiện hữu trên mặt nước. Đảo Đá Đông là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ.

Hòn đảo có vị trí đặc biệt quan trọng này có thể phối hợp với các đảo, cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa để tạo thành một thế trận liên hoàn chống lại mọi thế lực thù địch.

Do là đảo chìm dưới nước biển nên để đảm bảo cho cán bộ, chiến sỹ hải quân ăn ở, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ, việc xây dựng những công trình kiên cố trên đảo là vô cùng bức thiết. Để làm được việc đó, không còn cách nào khác là phải vận chuyển vật liệu xây dựng từ đất liền.

Con tàu Sông Dinh của ông Thiêm xuất phát từ cảng Nha Trang (Khánh Hòa) tháng 2-1993 mang theo 400 tấn đá cùng 17 thuyền viên nhằm thẳng hướng Trường Sa.

Tiền thân của Sông Dinh là tàu Yên Thành 02, của Cty Vận tải huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) với trọng tải 400 tấn, chuyên vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước.

Từng làm lính thông tin ở Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 27, Quân khu IV và tham gia nhiều trận chiến ác liệt ở đường 9 - Khe Sanh), cuối năm 1972, ông Thiêm xuất ngũ về làm tổ chức chính quyền ở huyện Yên Thành.

Tốt nghiệp hệ tại chức ngành kinh tế, ông được phân công làm nhiệm vụ khai thác tàu biển của Cty Vận tải huyện Yên Thành.

Năm 1990, tàu Yên Thành 02 bị chìm ở Quy Nhơn (Bình Định). Sau khi trục vớt, tàu hư hỏng nặng, nên UBND huyện Yên Thành bán lại cho ông Thiêm cùng 3 người khác với giá 150 triệu đồng. Sau 5-6 tháng tu sửa tại Hải Phòng, tàu Yên Thành 02 được đổi tên thành tàu Sông Dinh.

Trong hai năm 1992-1993, ông Thiêm cùng những người đồng sở hữu tàu liên doanh với Học viện Hải quân để dùng tàu Sông Dinh chở đá ra xây Trường Sa.

Trước khi đến với đảo Đá Đông, tàu Sông Dinh đã chở nhiều chuyến đá ra đảo Sơn Ca, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn…

Chuyển đá bằng xuồng từ tàu Sông Dinh tới đảo Đá Đông (ảnh tư liệu của nhân vật)
Chuyển đá bằng xuồng từ tàu Sông Dinh tới đảo Đá Đông (ảnh tư liệu của nhân vật).

Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng, ông Thiêm và 16 thuyền viên trong đoàn đến được đảo Đá Đông.

Nói là đảo nhưng trong ký ức của ông Thiêm cùng các thủy thủ trên tàu, khi đó đảo chỉ là những mỏm đá nhô khỏi mặt nước khi thủy triều rút, còn lúc thủy triều lên chỉ là biển cả mênh mông.

Để tránh va phải đá ngầm, tàu Sông Dinh phải thả neo cách đảo Đá Đông 300m. Từ đó, đá được xếp lên những chiếc xuồng và dùng dây cáp để đưa từng chuyến vào đảo.

“Công việc vất vả, gian khổ lắm. Để đẩy nhanh tiến độ, lính công binh và thủy thủ đoàn trên tàu phải thay nhau làm suốt ngày đêm. Mồ hôi ra như tắm nhưng ai cũng gắng hết sức vì chủ quyền Tổ quốc”, ông Thiêm kể.

Phải mất hơn một tuần, 17 thủy thủ trên tàu cùng 17 lính công binh Hải quân mới đưa được hết 400 tấn đá lên đảo Đá Đông.

Trong thời gian này, ông có dịp cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với những người lính Trường Sa. Và vui nhất, bồi hồi xúc động nhất với người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường năm nào chính là được thấy những người lính hải quân truyền tay nhau đọc những bức thư từ đất liền theo chuyến tàu chở đá của ông ra tới nơi này: “Có đặt chân đến đây, tôi mới thấy được sự gian khổ, hi sinh và trăm ngàn thiếu thốn mà những người lính Hải quân ngày đêm phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy nhưng vẫn vững vàng để bảo vệ biển trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy khó khăn, vất vả là thế nhưng ở nơi đảo chìm này, cuộc sống vẫn hiện hữu mạnh mẽ”, ông Thiêm nói.

Nhấp chén chè xanh, ông tiếp: “Khi đó, mình vừa đi làm kinh tế nhưng quan trọng nhất, vinh dự nhất là được thực hiện trọng trách và bằng những việc làm thiết thực để góp phần xây dựng biển đảo
quê hương”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG