Người nông dân Nùng Cháo sáng chế “máy tình yêu”

Người nông dân Nùng Cháo sáng chế “máy tình yêu”
TP - Đó là một người dân tộc Nùng Cháo, mới học phổ thông đến lớp bốn. Khi gặp tôi, anh cười: “Mình mày mò làm thử, chủ yếu là phục vụ... vợ. Ai dè được mọi người biết đến, đặt mua ào ào...”.
Người nông dân Nùng Cháo sáng chế “máy tình yêu” ảnh 1

Anh Vi Văn Chủ, sinh năm 1960 trú quán tại thôn Pác Cáp, (Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) dẫn tôi đến xưởng chế tạo của anh. Những chiếc máy thái vừa hoàn thành còn thơm mùi sơn.

Chiếc máy này nom khá đơn giản gồm một thân máy bơm gắn vào giá gỗ trong đó có một  lưỡi dao do chính tay anh rèn và chiếc ống để đựng rau. Anh bảo, năm 1980 sau khi cưới vợ chưa đầy một tuần thì đi bộ đội đóng quân ở Sư đoàn 338.

Nhà nuôi một đàn lợn gần chục con, công việc thái rau rất vất vả, xong việc thường mất nửa ngày trời. Một hôm đọc thư vợ biết chuyện chị nhớ về anh vô tình trong lúc thái rau băm cả vào ngón tay. Thế là anh nung nấu phải làm cho vợ một “cái máy” cho đỡ vất vả, nguy hiểm.

Năm 1985, Vi Văn Chủ xuất ngũ trở về quê hương. Một hôm vào nhà người bạn chơi, vô tình anh Chủ đưa cọng rơm vào chiếc máy quạt gió. Cọng rơm vàng bị cánh quạt cắt đứt liên tục bắn ra như hoa cải. Anh reo lên: “Nó đây rồi !”, rồi nhanh chân về nhà giở lại “bản thiết kế” ấp ủ từ thời quân ngũ ra…

Được sự khích lệ của vợ, anh Chủ vay nóng 2 triệu đồng chế tạo chiếc máy. Anh sử dụng ngay chiếc máy bơm Trung Quốc làm động cơ, tăng công suất gắn vào giá đỡ và một chiếc ống đựng rau được anh tính toán độ dài, ngắn của loại rau, loại cây…

Khi chiếc máy chạy thử, ai cũng vui mừng vì một gánh rau lợn mọi khi phải băm cả tiếng đồng hồ, nay chiếc máy thái chưa đến 10 phút đồng hồ. Không chỉ thái rau, chiếc máy còn được bố trí để có thể dễ dàng tháo rời phục vụ  một số công việc khác như quạt thóc, bơm nước cho ruộng đồng…nên rất thuận tiện.

Biết được câu chuyện về tình yêu dành cho vợ của anh Chủ dẫn đến sự ra đời chiếc máy, mọi người đặt tên là chiếc máy tình yêu. Tin lành đồn xa, nhiều người trong bản, trong tỉnh tìm đến nhà anh Chủ để xem máy và đặt mua.

Từ năm 2000 đến nay anh đã xuất xưởng được 1.600 chiếc với giá 400 ngàn đồng/chiếc. Mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện trong “xưởng” của anh có thêm 4 người là đồng bào các dân tộc thiểu số gần bản làng đến học việc và cộng sự.

Anh Vi Văn Chủ vui mừng cho biết: “Anh em bảo nhau làm rất ăn ý. Ngoài làm nghề nông truyền thống, dân bản chúng tôi cũng ước vọng được chinh phục khoa học kỹ thuật và ước muốn được làm giàu như người Kinh ở phố !”.

Vui nhất là ngày khai mạc Đại hội đại biểu Đảng thành phố Lạng Sơn lần thứ XX (nhiệm kỳ 2005-2010) vừa qua, anh Vi Văn Chủ đã vinh dự được mang chiếc máy “tình yêu” của mình thao tác tại chỗ giới thiệu cho các đại biểu về sản phẩm của mình.

Chiếc máy đã giải phóng sức lao động của người nông dân, giúp cho đồng bào các dân tộc miền núi đẩy nhanh công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Hiện nay xã Quảng Lạc đã có một cuộc sống mới, có nhiều đổi thay, nhiều nhà đã có của ăn, của để, mua sắm được các phương tiện đắt tiền như tủ lạnh, xe máy, ti vi để theo dõi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

MỚI - NÓNG