'Người phát ngôn' thời... mất tích

Các phóng viên trong nước và quốc tế luôn túc trực tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc
Các phóng viên trong nước và quốc tế luôn túc trực tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc
TP - Giới truyền thông cùng công luận trong ngoài nước, hơn tuần nay, từ thời điểm lâm nạn của chiếc Boeing 777 MH 370 dường như đã phải cố làm quen với cụm từ mất tích không mấy dễ nghe? Thời gian cùng hoàn cảnh mất tích không chỉ bộn bề ăm ắp những thở than tiếc nuối cùng những thông cảm sẻ chia... Góp phần cấu thành nên những thông tin nhanh nhạy ngõ hầu đáp ứng yêu cầu chính đáng của công luận, có những công việc lẫn vị trí âm thầm...

Tôi đang ngồi ở Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao (BNG). Tiếp tôi là người phát ngôn kiêm Vụ trưởng Vụ báo chí BNG được coi là trẻ nhất trong số những người phát ngôn từ trước đến nay của Bộ, ông Lê Hải Bình năm nay 37 tuổi.

Những bậc cầu thang dẫn lên phòng này từng lưu lại những sải bước của các bậc tiền nhiệm Lê Hải Bình. Trừ bà Hồ Thể Lan, phu nhân nhà ngoại giao kiêm chính khách Vũ Khoan tu nghiệp ở nước ngoài về tiếng Nga trong 100 người được lựa đi học ở Liên Xô năm xa ấy, Học viện Quan hệ Quốc tế, nay là Học viện Ngoại giao có thể tự hào là đã góp cho ngành ngoại giao các phát ngôn Phan Thúy Thanh, Lê Dũng, Lê Thanh Nghị (mà các vị ấy sau nhiệm kỳ phát ngôn đều đóng chức lớn của ngành cả) nay là Lê Hải Bình!

Chẳng ai dám bảo cái nghề phát ngôn là... nhàn! Nhưng có lẽ quanh năm suốt tháng, sự kiện lớn bé gì thì cũng tới lui, quanh quẩn cụm từ chúng tôi rất lấy làm tiếc. Chúng tôi cực lực phản đối. Chúng tôi theo dõi sát sao. Chúng tôi kêu gọi các bên hết sức kiềm chế vv... và vv... Nghe nhiều nên có người cứ ngỡ hoặc nhầm tưởng hành nghề chỉ cần sử dụng mấy cụm từ ấy sao cho nhuyễn là xong và khẳng định ngay nghề ấy là nhàn nhưng thực tế chả phải, mà trần ai là khác. Tôi dám chắc cuốn sách của bà Hồ Thể Lan, hình như cuốn Chuyện nghề chuyện nghiệp

ngoại giao (dung lượng về cái nghề phát ngôn chiếm phần lớn) mới chỉ là tập một hoặc mới làm cái việc khai mở mà thôi?

Sau đây là một đoạn trích từ các phương tiện truyền thông.

Ngày 8/3/2014, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh bị mất tích, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

“Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay.

Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn…”.

'Người phát ngôn' thời... mất tích ảnh 1

Ông Lê Hải Bình

Chớ tưởng tân phát ngôn Lê Hải Bình và cộng sự của mình ở Vụ Thông tin Báo chí (TTBC) BNG phát như vậy đã xong việc?

Trong câu chuyện hơi vội vì người phát ngôn chuẩn bị cho một cuộc họp trọng, tôi biết vắn tắt thế này. Tính đến ngày 12/3/2014, Vụ TTBC (BNG) đã nhận được yêu cầu xin hỗ trợ của hơn 100 phóng viên nước ngoài đến từ hơn 30 hãng báo chí của Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Anh, Mỹ… Bên cạnh đó, phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam như Tân Hoa xã (Trung Quốc), Kyodo (Nhật Bản), Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ)… cũng xin được đến các khu vực đang tìm kiếm máy bay MH370 để đưa tin.

Công văn, email, điện thoại, trực tiếp... là các kênh mà họ sử dụng để đến với Vụ TTBC. Có thể nói Vụ của Lê Hải Bình là cái cổng đầu tiên mà các nhà báo nước ngoài đặt chân khi đến hành nghề ở VN.

Chẳng ai dám bảo cái nghề phát ngôn là... nhàn! Nhưng có lẽ quanh năm suốt tháng, sự kiện lớn bé gì thì cũng tới lui, quanh quẩn cụm từ chúng tôi rất lấy làm tiếc. Chúng tôi cực lực phản đối. Chúng tôi theo dõi sát sao. Chúng tôi kêu gọi các bên hết sức kiềm chế vv... và vv... Nghe nhiều nên có người cứ ngỡ hoặc nhầm tưởng hành nghề chỉ cần sử dụng mấy cụm từ ấy sao cho nhuyễn là xong và khẳng định ngay nghề ấy là nhàn nhưng thực tế chả phải, mà trần ai là khác.

Liên hệ, bố trí, tổ chức ra sao gần như Hà Nội và xa hơn, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Phú Quốc vv... để các phóng viên nước ngoài với số lượng lớn kịp thời hành nghề là cả một thách thức với cái Vụ TTBC (BNG) nhỏ bé nhân sự gần 30 người? Sự kiện bi thương này cũng là một thử thách đầu tiên với tân phát ngôn kiêm Vụ trưởng Lê Hải Bình?

Những trách nhiệm, những ràng buộc cùng là phận sự với Tổ chức Hàng không quốc tế là việc hệ trọng. Nhưng quyết không làm lệch lạc những cố gắng tận tình mang tính nhân văn cao cả của Việt Nam từ Thủ tướng Chính phủ đến nhiều bộ ngành với trách nhiệm quyết tâm trong việc xác minh thông tin, triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn trong đó có BNG mà Vụ TTBC đóng vai trò quan trọng, Lê Hải Bình đã động viên quân của mình như vậy.

Một tổ công tác gần 10 thành viên với những phận sự cụ thể do Lê Hải Bình và anh Trần Quang Tuyến (Vụ phó) trực tiếp phụ trách được thành lập có nhiệm vụ ứng trực 24/24. Năm thành viên của tổ là nữ nhưng rất tích cực năng nổ. Cô Hà My là tổ trưởng, có hai con nhỏ sinh đôi, chồng đi công tác xa nhưng luôn bám trụ tại cơ quan.

Nhiệm vụ của họ thật đa dạng. Việc thì phức tạp, phóng viên đến VN cũng đa dạng. Và vào một lúc với số lượng lớn. Thỏa mãn thông tin cùng là yêu cầu của các trùm sò tay tổ truyền thông như CNN, BBC, AFP, AP, Reuters, Kyodo, Tân Hoa Xã… không đơn giản.

Phải khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài, nhất là các cơ quan đại diện của VN tại Trung Quốc và Malaysia làm tốt việc hỗ trợ cấp thị thực cho phóng viên vào Việt Nam đưa tin.

Nhân viên của Vụ cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên nước ngoài tiếp cận các khu vực nghi máy bay mất tích tác nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, Vụ cũng cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho phóng viên nước ngoài, thu xếp để phóng viên phỏng vấn đúng người, đúng đầu mối.

Có đoàn phóng viên vào cần sự trợ giúp đặc biệt như hãng ABC của Australia. Vụ cử phóng viên Nguyễn Anh Minh cùng đi.

Câu chuyện trở lại chiến dịch cũng như diện tìm kiếm khổng lồ những 34 máy bay, 42 tàu của 12 quốc gia (trong đó Việt Nam đóng vai trò đắc lực) trong điều kiện thông tin xáo trộn và không ít những mâu thuẫn, khập khiễng... Ông tân phát ngôn nói với tôi như trấn an rằng, chính vì thế nên sự có mặt của các nhà báo trong và ngoài nước rất cần thiết để họ sắp xếp lại trật tự thông tin ấy. Sự thật chỉ có một mà thôi!

Sự thật chỉ có một? Câu ấy hình như vận vào cái nghề phát ngôn thì phải? Anh có thể nói rất nhiều điều, nhưng sự thật chỉ có một!

Chuyện bếp núc của hai cuộc điện đàm đặc biệt với Ngoại trưởng Malaysia và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngay trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật của Bộ trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là cử chỉ ngoại giao đặc biệt kịp thời, góp phần làm an lòng bạn, vừa cho thấy tinh thần đoàn kết, nhân văn của Việt Nam đã trợ giúp rất lớn cho công tác phát ngôn bén nhạy, chuyên nghiệp, xin khất bạn đọc một dịp khác.

Rời bản doanh phát ngôn, tôi liên lạc với Hồng Lĩnh, một đồng nghiệp đang có mặt nhiều ngày tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại đảo Phú Quốc.

Hồng Lĩnh cho hay, trong mấy ngày qua, hơn 130 nhà báo, trong đó 2/3 là các nhà báo nước ngoài đã đổ về đảo Phú Quốc, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương phục vụ công tác chỉ đạo, tìm kiếm xử lý các tình huống đối với chiếc máy bay mất tích. Mặc dù đã có thông tin về việc máy bay quay đầu và hướng tìm kiếm có thể là hướng Tây chứ không ở phía Đông nhưng không hiểu sao họ vẫn kéo về Phú Quốc? Sự nhanh nhậy, mẫn cảm điều gì đó của những phóng viên nhà nghề? Lúc 4 giờ chiều 12/3 một phái đoàn của BNG đến đảo. Đi theo và bám Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc có gần 30 nhà báo quốc tế Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông và phương Tây.

Phóng viên Hồng Lĩnh cũng đã trò chuyện với một số đồng nghiệp nước ngoài đến trước đó. Sau đây là trích đoạn email anh chia sẻ với tôi.

Nhà báo Farah Zamira Farush Khan (Tạp chí Sinar, Malaysia) cho biết, đây là lần đầu đến Việt Nam tác nghiệp, cô rất lấy làm lo lắng. “Tuy nhiên, tôi đã được các cơ quan hữu quan và đồng nghiệp giúp đỡ tận tình. Chúng tôi không bị một cản trở nào. Rất cảm kích khi chứng kiến quan chức và nhà báo Việt Nam buồn lo cho số phận những con người Malaysia của chúng tôi không may mắn trên chuyến bay MH370”.

Nhà báo Tan Hui Yee (Nhật báo The Straits Times Singapore) bộc bạch: “Chỉ sau chưa đầy một phút kiểm tra giấy tờ và làm thủ tục, tôi đã được vào ngay trong Trung tâm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc này để tác nghiệp. Điều đó báo hiệu cho tôi một niềm tin sẽ đóng góp được điều gì đó thiết thực và hiệu quả cho công tác truyền tin…”.

Hồng Lĩnh cũng cho biết thêm, những chuyến bay tìm kiếm ngoài khơi xa, do chỗ ngồi hạn chế, ban tổ chức nhiều khi ưu tiên phóng viên nước ngoài bằng cách hạn chế phóng viên trong nước bằng câu nói vui để cánh phóng viên quốc nội thông cảm, anh em mình, ông bà mình nói, thôi thì cố nhịn miệng để đãi khách!

Có cản trở trục trặc gì không? Hồng Lĩnh cũng nói luôn là có đấy. Đó là rào cản do ngoại ngữ kém của nhiều nhà báo Việt Nam đã làm cho họ bị “cản trở” khi trao đổi, chia sẻ thông tin với tư cách đồng nghiệp. Lyhorn (Báo Xinhua tại Campuchia) cho rằng: “Không có vấn đề gì trở ngại trừ việc dùng ngoại ngữ giao tiếp. Rất tiếc một số nhà báo Việt Nam đã không trao đổi thoải mái được bằng tiếng Anh, một ngoại ngữ thông dụng”. Nhà báo Yan Hao nói: “Một số quan chức và nhân viên chức trách cũng không nói được ngoại ngữ nhiều cho dù họ rất nhiệt tình”.

Tôi hỏi thêm Hồng Lĩnh về chuyện, nghe nói có buổi họp báo nhưng không có phiên dịch tiếng Anh nên đã hạn chế rất nhiều thông tin? Anh cho biết ở Phú Quốc chưa thấy vì hầu hết các hãng truyền thông đều có phiên dịch riêng của họ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.