Người phụ nữ khiếm thị biết hai ngoại ngữ

Người phụ nữ khiếm thị biết hai ngoại ngữ
TP - Căn bệnh quái ác đã lấy đi nguồn sáng trong đôi mắt người phụ nữ có gương mặt dịu hiền ấy. Nhưng bằng nghị lực hiếm có, chị đã vượt lên số phận để tìm được nguồn sáng khác trong đời, đồng thời góp sức giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ như mình.

> Soi chung gương mặt đàn bà
> Về quê

Dáng ngồi bình thường với số phận gian nan

Tôi đến gặp chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội) tại nơi làm việc. Chị đang ngồi trước máy vi tính, dáng vẻ chẳng khác là bao so với những người đang làm việc tại các công sở. Nhưng để có được dáng ngồi bình thường ấy, đối với người phu nữ này là cả một hành trình gian nan.

…Câu chuyện trở về 26 năm trước, khi Hà là một cô bé 6 tuổi. Được đến trường như các bạn cùng lứa, nhưng mắt Hà đột nhiên mờ nhanh, đến mức chỉ nhìn được mọi vật như qua màn sương che phủ. Bố mẹ đưa đi khám, bác sĩ kết luận Hà bị thoái hóa võng mạc mắt từ khi còn bé, một trường hợp hiếm gặp và rất khó chữa trị.

Thương con, bố mẹ đưa Hà đi điều trị ở những nơi khác nhưng bệnh vẫn không tiến triển. Một ngày, cô giáo buồn rầu nói với bố mẹ Hà, cháu khó có thể tiếp tục học được nữa vì mắt hầu như chẳng còn nhìn thấy chữ. Dù biết bệnh của con hơn hết, nhưng bố mẹ Hà vẫn sốc khi nghe điều này.

Phải nghỉ học, mắt Hà mờ đến mức nhiều lần té ngã trong nhà, nhưng bố mẹ vẫn liên tục bị con gái cật vấn vì sao không được tiếp tục đến trường. Mẹ bật khóc, ôm Hà vào lòng và nói: “Con thiệt hơn các bạn vì mắt kem”.

Phải nghỉ học, nhưng Hà vẫn mày mò học chữ. Thương cháu, ông nội đã dùng bút dạ viết những chữ to ra giấy để Hà sờ vào các nét chữ nổi để học. Năm 9 tuổi, bố mẹ đưa Hà vào học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Học với các bạn cùng cảnh ngộ, Hà bớt dần mặc cảm và luôn đứng đầu lớp trong các năm học tại trường. Thời gian này, một kỷ niệm khiến Hà nhớ mãi là việc mình được kết nạp Đoàn từ năm học lớp 6. Do học muộn hơn các bạn 3 năm, nên với thành tích xuất sắc trong học tập Hà đã được kết nạp Đoàn khi vừa đủ tuổi.

Được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn của khối học sinh khiếm thị, Hà góp phần không nhỏ trong việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, sinh hoạt ngoại khoá cho các bạn cùng cảnh ngộ.

Kết thúc năm học cuối cấp (lớp 9) tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết các môn học của Hà đều đạt 9.0, riêng tiếng Anh là 10. Tuy nhiên, khó khăn đã đến với Hà là khi đó nhiều trường phổ thông trung học không nhận học sinh khiếm thị.

May sao đúng thời điểm này, thầy giáo Nguyễn Như Thạch, nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu khi nghỉ hưu đã thành lập Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu và nhận Hà vào học.

Mặc dù là trường dân lập, nhưng những năm học tại đây Hà được miễn toàn bộ học phí. Hà tiếp tục duy trì thành tích học giỏi, đặc biệt môn tiếng Anh. Vì thế mà năm 2000, vừa nhập trường chưa được bao lâu, Hà đã tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền bắc do UNESCO tổ chức.

Tại cuộc thi, trong số 500 thí sinh dự thi chỉ mình Hà bị khiếm thị nên ban tổ chức chưa thiết kế được đề riêng cho cô thí sinh đặc biệt này. Do vậy, họ đã đọc đề cho Hà, sau khi làm bài xong Hà lại đọc cho giám khảo chép vào giấy thi đã dọc phách.

Trong quá trình thi, Ban tổ chức còn đặt ghi âm để đảm bảo việc không ai nhắc bài thi cho Hà. Kết quả, Hà đoạt giải 3 cuộc thi và trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam” một năm sau đó.

Nguồn sáng trong đời

Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2002, một lần nữa Đỗ Thúy Hà lại gặp khó khăn khi muốn học tiếp. Chị muốn thi vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nhưng khi đó trường chưa tuyển sinh viên khiếm thị.

Năm 2004, Thúy Hà trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội. Năm 2005, trong lần lên mạng tìm hiểu, Thúy Hà được biết hiện có một lớp du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á - Thái Bình Dương, nên đã làm hồ sơ dự thi.

Sau các đợt tuyển chọn với 350 đối thủ, Thúy Hà nằm trong danh sách 30 thí sinh cuối cùng lọt vào vòng phỏng vấn để chọn ra 7 đại diện tại 7 nước khác nhau tham gia khoá học. Tổ chức tài trợ học bổng này đã sang Việt Nam để phỏng vấn, kết quả Đỗ Thúy Hà đã được lựa chọn.

Thời điểm này, Thúy Hà chưa biết tiếng Nhật nên tìm thầy để học. Nhưng khi được đặt vấn đề, mọi người đều từ chối vì chưa biết cách dạy tiếng Nhật cho người khiếm thị. Đến khi tham gia khóa học, dù được học tiếng Nhật trong 3 tháng, nhưng chị đã “giắt lưng” được số vốn kha khá nhờ khiếu ngoại ngữ của mình.

Tuy nhiên, lần đầu sống tại nước ngoài, đối với người bình thường còn khó khăn, huống chi người khiếm thị như Thúy Hà. Cần nói thêm, trong số học viên sang đây, chỉ có chị và một người nữa bị khiếm thị, còn lại mắc những khuyết tật khác.

Phần lớn thời gian học, từng người theo những khóa đào tạo khác nhau nên đều phải một mình tự lập. Với Thúy Hà, khi được tổ chức khóa học đề xuất đưa đón bằng ô tô, chị đã từ chối.

“Sở dĩ tôi muốn tự mình đến trường là muốn thử sức tính tự lập của bản thân. Hơn nữa ngoài việc học, chúng tôi còn phải tự đi chợ và mua các đồ dùng cho sinh hoạt nên muốn tranh thủ lúc về làm luôn những việc đó”- chị cho biết.

Mỗi ngày, với chiếc gậy trong tay, Thúy Hà tự mình đi qua hai chặng tàu điện ngầm để đến trường. Lúc đầu, không ít lần bị lạc, chị phải vận dụng hết khả năng tiếng Nhật của mình để hỏi đường.

Trong một năm du học, bên cạnh việc hoàn thành tốt báo cáo tốt nghiệp, việc tự đến trường cũng là điều đáng tự hào của Đỗ Thúy Hà. Về sau, trong các năm 2008 và 2009, chị còn được mời trở lại Nhật Bản để tham gia các cuộc hội thảo dành cho người khuyết tật.

 Thúy Hà còn tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật, sau đó, những bạn Nhật này đã làm những cuốn sách, quyển truyện để tặng cho người khiếm thị Việt Nam. 

Từ năm 2002, Đỗ Thúy Hà đã được nhận vào làm việc tại Hội Người mù quận Đống Đa, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Khi hoàn thành khóa học tại Nhật Bản, về nước chị vừa làm việc vừa tiếp tục học tại Đại học Mở Hà Nội, đồng thời rèn thêm cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.

Thúy Hà cho biết, để học được hai thứ tiếng trên, ngoài cố gắng của bản thân, chị còn nhận được sự hỗ trợ của gia đình và bè bạn. Nhất là khi Thúy Hà có chiếc máy vi tính với phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, việc học của chị trở nên thuận lợi hơn.

Nhờ khả năng ngoại ngữ vững, Thúy Hà được một số người mời làm gia sư tiếng Anh và Nhật cho con, qua đó chị có thể kiếm thêm thu nhập. Cũng trong thời gian này, Thúy Hà còn tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật, những người thuộc các tổ chức từ thiện dành cho người khuyết tật của Nhật Bản.

Đỗ Thúy Hà cùng con trai bên những người bạn của mình. Ảnh: nhân vật cung cấp
Đỗ Thúy Hà cùng con trai bên những người bạn của mình. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Để sau đó, những bạn Nhật này đã làm những cuốn sách, quyển truyện để tặng cho những người khiếm thị Việt Nam. Nhóm tình nguyện mà Hà tham gia cũng đã tài trợ tiền ăn cho một số em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn của trường Nguyễn Đình Chiểu, được duy trì đều đặn đến nay.

Việc làm này khiến mọi người rất cảm động khi có một học sinh cũ của trường giờ quay lại giúp những học sinh bị khiếm thị như mình.

Năm 2012, tại đại hội nhiệm kỳ mới, Đỗ Thúy Hà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Với cương vị này, chị luôn cố gắng dạy chữ, dạy nghề, vi tính, phục hồi chức năng, tổ chức giao lưu văn nghệ… cho gần 200 thành viên của Hội.

Đây là việc làm không đơn giản, bởi kinh phí cho những hoạt động này phải dựa nhiều vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, bằng nỗ lực cao nhất, chị luôn cố gắng để những người cùng hoàn cảnh có được những buổi sinh hoạt, học tập bổ ích một cách thường xuyên.

Với những nỗ lực vượt lên số phận, đầu tháng 3/2013 vừa qua, Đỗ Thúy Hà được mời đến tham dự cuộc giao lưu tại Lễ tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Tại đây, Đỗ Thúy Hà một lần nữa được gặp lại nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi mà cách đây 12 năm chị từng được gặp bà khi đến nhận giải “Nữ sinh Việt Nam” năm 2001. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng nhận ngay ra Đỗ Thúy Hà, khi nắm tay chị và nói: “Cô lại được gặp cháu lần nữa”. Câu nói giản dị và thân tình ấy, đến nay kể lại chị vẫn thấy rưng rưng.

Tự tay chăm sóc chồng con

Người phụ nữ khiếm thị biết hai ngoại ngữ ảnh 2
 

Nỗ lực làm việc, quan hệ bạn bè chân tình - Đỗ Thúy Hà đâu biết rằng có một chàng trai luôn quan tâm đến mình. Đó là anh Đỗ Ngọc Anh, công tác trong ngành bưu điện. Rồi một ngày, chàng trai bình thường như anh đã nghiêm túc ngỏ lời và được chị đồng ý.

Đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được tổ chức đầu năm 2011. Hằng ngày, anh đều đặn đưa đón chị đi làm, cùng chia sẻ việc nhà với vợ. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ thêm nồng ấm khi đến nay họ có một cậu con trai khoẻ mạnh hơn một tuổi.

Từ khi lập gia đình và sinh con, Thúy Hà luôn hoàn thành trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Có những lúc thấy vợ vất vả, anh muốn thuê người giúp việc để đỡ việc nhà nhưng chị không đồng ý. Chị muốn được tự tay chăm sóc chồng con, và coi đó là niềm hạnh phúc mà người phụ nữ có được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG