Người phục chế “Quốc gia chi bảo” cung đình Huế

Người phục chế “Quốc gia chi bảo” cung đình Huế
TP - Sinh ra trong một  gia đình dòng dõi, nhiều đời theo nghiệp võ,  nhưng Nguyễn Hữu Tài, làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế lại gắn bó với nghề chạm khảm, sơn, thiếp đồ mỹ nghệ cao cấp.

Từ niềm say mê nghề truyền thống, Tài đã được nhiều nhà nghiên cứu và phục chế trang phục của cung đình Huế coi đó là “báu vật nhân văn sống” trong việc phục chế khí tự, sản phẩm gỗ của cung đình Huế …

Vào nghề bằng niềm say mê

Gia đình Tài có tám anh em, năm trai ba gái. Tài là con thứ tư trong gia đình. Cha anh là ông Nguyễn Hữu Mộng Đàn, hiện đang là Chưởng môn võ phái Bạch Hổ tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, một môn võ do Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập. Ông cố của anh từng là một vị quan dạy võ trong triều đình Huế xưa.

Tài không theo con đường quen thuộc của gia đình và dòng họ, anh bước vào nghề chạm khảm, sơn thiếp đồ mỹ nghệ cao cấp, sản phẩm gỗ cổ truyền Huế từ khi học lớp 9.

Người thầy đầu tiên truyền nghề cho anh là thầy Quế, vốn là một thợ chạm, khảm giỏi hàng đầu ở làng Dương Nỗ- một vùng đất có nhiều di tích, làng nghề. Làng nghề thủ công mộc mỹ nghệ, sơn thiếp, chạm trổ ở Dương Nỗ đã có từ lâu đời và là một trong những làng nghề nổi tiếng ở Huế.

Tài kể: “Từ hồi học lớp 5, lúc nào tan trường về tôi cũng ghé qua cơ sở của cụ Quế để xem chạm, khảm gỗ. Ban đầu ít nhiều do sự tò mò, nhưng sau đó dần dần mình thấy thích và yêu  cái nghề truyền thống này”.

Theo học được 5 tháng thì cụ Quế ngã bệnh rồi ra đi. Từ đó Tài phải tự học. Anh học bằng cách đi  đến các đình làng, các di tích trong vùng, trong tỉnh thu lượm những tinh hoa in dấu trên những công trình này. Dần dà, Tài trở thành thợ giỏi trong làng.

Năm 19 tuổi Tài đã được nhiều gia đình trong vùng gửi con theo học nghề. Khi đó còn trẻ nhưng Tài đã có trên 10 học trò theo học. Nhưng rồi trong sự mai một chung của các ngành nghề truyền thống ở Huế, nghề mộc mỹ nghệ, chạm cẩn của làng Tài cũng ngày càng sa sút.

Thầy, thợ lần lượt bỏ nghề chuyển sang làm kinh doanh, tha phương kiếm sống hoặc là làm “hàng chợ”. Nghề mộc mỹ nghệ, chạm cẩn làng Dương Nỗ có nguy cơ bị biến mất. Tài cũng không trụ lại được, anh vào Nam tìm nơi trưng dụng tay nghề.

“Mình đã cùng vài người thợ vào Nam, tìm chỗ nào cần việc chạm cẩn, sơn thiếp để dừng chân. Mình đã dừng chân tại không ít tỉnh thành phía Nam trong cơn lao đao đó, nhưng rồi sức hút mãnh liệt từ một làng nghề đã mai một ở quê nhà đã níu kéo mình trở về quê lập nghiệp”.

Sau bốn năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, Tài quyết định về quê gây dựng lại sự nghiệp, khôi phục làng nghề ngay chính trên mảnh đất anh sinh ra “phiêu bạt nhiều nơi nhưng chẳng có nơi nào bằng quê hương mình cả, mình cần phải khôi phục lại nghề truyền thống của làng”-Tài tâm sự.

“Sợ mình phụ nghề chứ nghề không phụ mình”

Năm 1999, Tài về quê. Anh thu phục những thợ giỏi, những người thợ có tâm huyết với nghề chạm khảm mỹ nghệ cao cấp, tinh xảo ở trong làng về làm với mình ngay tại nhà. Nhiều thợ giỏi trong vùng về “đầu quân” cho anh. Hiện nay anh gây dựng cho mình 2 cơ sở và đã thu hút được gần 20 thợ giỏi.

Thợ làm với Tài không những được trả cho mức lương xứng đáng mà còn được học thêm nhiều “chiêu độc”của người thợ “cao thủ” này. Anh chỉ làm hàng chạm khảm thủ công tinh xảo, hàng mỹ nghệ cao cấp. Bạn hàng tìm đến anh ngày một nhiều, phần lớn là Hà Nội,TP. Hồ Chí Minh.

Anh đã nhận phục chế nhiều nhà rường hàng trăm năm tuổi, những tủ thờ, án thờ cổ cho đến những vật dụng nhỏ cần độ tinh xảo cao. Đến nay anh đã phục chế được hơn 10 căn nhà rường có hàng trăm năm tuổi.

Rồi Tài bắt tay vào việc phục chế khí tự, sản phẩm gỗ cổ truyền Huế, vật dụng của cung đình có tuổi thọ hàng trăm năm.

Anh Trịnh Bách - nhà nghiên cứu, phục chế trang phục cung đình Huế cho biết: “Gặp Tài, được tận mục sở thị tài nghệ và tinh thần lao động nghiêm túc của người thanh niên này, tôi đã tin tưởng giao cho anh làm thợ phục chế khí tự, sản phẩm cổ truyền Huế vốn chỉ còn trong tài liệu, sách vở…”.

Bằng tài nghệ của mình,Tài đã không làm người đã chọn mình để “gửi vàng” thất vọng khi bắt tay vào phục chế những di vật của vua, chúa, những sản phẩm văn hóa vật thể được coi là “Quốc gia chi bảo”đó. Tài đã từng phục chế giá đỡ quả bồng, giá đỡ chậu quán tẩy, khay đựng mâm quả trầu rượu cẩn xà cừ, chân đèn, cán… trong chốn hoàng cung.

Đặc biệt, Tài đã cùng những người thợ tài hoa ở Nam Định, Thái Bình, Hà Tây... phục chế thành công bộ án thư (vua Tự Đức); hai chiếc sập sơn son (một của vua nằm, một để ngồi uống trà), hai thanh kiếm cổ thời Tự Đức. Những mặt hàng này sau đó đã được đưa đi triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2005 tại Hà Nội.

Trần Hòe- Đăng Khoa

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...