Người săn sóc những hương hồn lạnh

Người săn sóc những hương hồn lạnh
Người dân ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ai cũng biết ông, họ nhắc đến ông bằng sự trìu mến và kính trọng. Ông là Nguyễn Văn Sáng, còn bà con chòm xóm gọi ông bằng cái tên thân mật: Ông Tám Hiệu.

Mấy ngày qua, tại thị xã nhỏ bé này, mọi người bàn tán về việc ông Huỳnh Văn Tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đích thân đến tận nhà thăm hỏi và mời ông về dự đại hội thi đua tỉnh Đồng Nai.

Nhiều năm qua, ông Tám Hiệu dùng tiền bạc của mình xây 131 nấm mồ không có người thân chăm sóc. Hàng năm vào ngày 20 tháng 6, ông đều tổ chức đám giỗ tập thể rất lớn cho những người đã khuất, mà không có thân nhân.

Trên đường đi tìm ông, anh xe ôm tên Sĩ bảo với tôi: “Mỗi năm, ông Tám Hiệu bỏ ra khoảng chục triệu để làm đám giỗ cho những người không tên tuổi là một việc làm khác thường, nhưng chưa khác thường bằng việc ông bỏ ra cả tỷ đồng để xây hàng trăm ngôi mộ tình thương. 

Ở cái xứ đất đỏ “nắng bụi mưa lầy” này ai cũng biết ông, biết rất rõ từ lúc ông còn nghèo khổ cho đến lúc giàu có, bởi cuộc đời của ông khác thường lắm!”.

Chuyện xây mộ của ông bắt đầu từ năm 1982, thời kỳ bao cấp nhiều người kiếm cơm lo cho người sống chưa xong thì ông Tám Hiệu lại có đủ tiền lo cho người chết. Ông già lặn lội quy tập mộ của cha mẹ, anh, chị và bà con lại một nơi cao ráo bên cạnh rừng cao su để làm một nghĩa trang gia tộc.

Ngoài việc xây dựng những ngôi mộ khang trang, ông còn thuê hẳn ông già quản trang để nhang khói. Trong một buổi chiều mùa đông, rừng cao su đổ lá, ông Tám Hiệu ngồi bên mộ cha mẹ, nhìn lá vàng rơi hiu hắt trên những nấm mồ hoang vu bên cạnh khu nghĩa trang gia đình, ông chợt nhớ ngày mà ông chưa có nhà cửa ngủ bên hiên nhà người.

Ngày ấy, ông khao khát được đặt chân vào căn phòng đầy ánh sáng. Giống như nỗi khao khát của cô bé bán diêm với những que diêm cuối cùng trong đêm đông giá lạnh trong truyện cổ An đec xen.  

Truyền thống ông bà mình coi thế giới người chết như thế giới người sống, nên ông chạnh lòng trước cảnh  “nhang khói vắng tanh” của những nấm mồ vô chủ, ông đã quyết định xây mộ cho họ những “ngôi nhà” tình thương. Khi ông khởi công, nhiều người ngạc nhiên hỏi vì sao ông lại làm cái việc kỳ quặc như vậy?. 

Ông tâm sự: “Tôi không biết họ là ai, nhưng nhiều năm tôi thấy những ngôi mộ này không ai chăm sóc, lạnh lẽo giữa rừng cao su bạt ngàn, nên tôi đã quyết định xây mộ cho họ và làm đám giỗ tập thể. Tôi nghĩ có thể họ là những người “phu cạo” tha phương cầu thực rồi gửi nắm xương tàn lại đất khách quê người như cha mẹ tôi, nên tôi động lòng”.

Sau khi xây 110 ngôi mộ không có người thân và làm tường rào khu nghĩa địa thì nhiều người trong xóm đến xin ông giúp đỡ, vì họ quá nghèo không đủ tiền xây cho người thân.

Ông đã xây thêm 21 ngôi mộ nữa. Nhiều người cảm kích bày tỏ lòng biết ơn thì ông chỉ nói: “Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sự cưu mang của biết bao nhiêu người, việc làm của tôi có đáng gì đâu”.

Làm giàu từ gian khó

Cái “ngày hôm nay” của ông Tám Hiệu là cơ sở dịch vụ cơ khí Nghĩa Thành, chuyên sản xuất cối xay cà phê, sửa chữa nông cụ ở đường Hùng Vương, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. Hàng của ông bán chạy, tuy không thuộc loại giàu có nhưng ông cũng có của ăn, của để.

Để có được ngày hôm nay ông đã phải trải qua quãng đời dài gian truân vất vả. Quê ở Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm lên 3 tuổi, cha mẹ vào xứ đất đỏ này để làm “công tra” cho Pháp. Rừng thiêng nước độc, đã cướp mất song thân năm ông mới lên chín tuổi, người anh theo Việt Minh cũng bị lính Pháp bắn chết.

Từ nhỏ ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, ông còn nhớ thời khổ nhất là lúc ông lê la khắp các cánh đồng vùng Long Khánh, làm “bù nhìn sống” đuổi chim, để kiếm cơm độ nhật. Không quản ngại khó khăn gian khổ, làm đủ thứ việc để giành giật từng giây của cuộc sống.

Năm 15 tuổi, ông được một chủ ruộng thương, khuyên ông nên kiếm một cái nghề để sau này còn sinh sống, chứ không thể làm “ bù nhìn” mãi được. Nghe lời khuyên của người nông dân tốt bụng, ông khăn gói lên Dầu Giây tìm đến tiệm cơ khí lớn xin học nghề.

Nhờ vào tính cần cù, siêng năng, chịu đựng được gian khổ, sau 3 năm học việc ông trở thành người thợ có tay nghề vững được chủ yêu mến. Khi dành dụm được ít tiền ông quyết định tự lập, bằng cách vay mượn thêm của bạn bè mua chiếc xe lam chở khách.

Suốt bảy năm ăn cơm với nước lèo, nước tương, ông mới trả xong nợ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông quay về nghề làm cơ khí.

Năm 1977, trong bối cảnh đất nước “quốc doanh hóa” cơ sở của ông gặp không ít khó khăn. Nhìn người nông dân làm được hạt cà phê, phải chong đèn bóc vỏ theo phương pháp thủ công, ông lén chế ra chiếc cối xay cà phê mang gửi trong rẫy cho nông dân xay.

Ông kể: “Chiếc máy đầu tiên tôi đã phải sơn màu xanh lá cây để giấu trong vườn cho khỏi bị các cơ quan chức năng phát hiện, vì nếu biết họ sẽ tịch thu.

Chiếc cối xay cà phê của ông được nhân dân rất ưa chuộng, họ rỉ tai nhau và tìm đến ông. Khi đất nước đổi mới, cơ sở chuyên sản xuất và sửa chữa nông cụ của gia đình ông  phát triển nhanh chóng nhờ lượng khách hàng quen từ thời “ngăn sông cấm chợ” .

Cho đến nay Nghĩa Thành vẫn  là cơ sở cơ khí lớn mạnh nhất ở thị xã Long Khánh. Anh Thanh Hùng, con trai ông tâm sự: “Xét về mặt giá thành thì sản phẩm của cha tôi không rẻ hơn sản phẩm được chế tạo ở thành phố, nhưng bán rất chạy, khi người nông dân đã tin thì giá cả không còn quan trọng nữa.

Chiếc cối xay cà phê đã mang lại cho ông hàng trăm lượng vàng. Lẽ ra ông đã trở thành “đại gia”, nếu ông dùng số tiền đó mua đất, nhưng ông lại mang đi xây mộ, một việc chưa ai làm bao giờ!

***

Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Nai mới đây, nói về việc làm của ông, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhận xét: “Việc làm của ông đã mở ra một khái niệm mới “Xây mộ tình thương”. Việc làm ấy phù hợp với truyền thống của dân tộc”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.