Người sống dựa vào rừng… thôi phá rừng

Luật Lâm nghiệp hướng đến việc liên kết chuỗi, tăng nguồn thu cho người dân sống dựa vào rừng.
Luật Lâm nghiệp hướng đến việc liên kết chuỗi, tăng nguồn thu cho người dân sống dựa vào rừng.
TP - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (ảnh)cho biết, Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, sẽ tác động đến hơn 16 triệu ha rừng. Luật điều chỉnh, hướng đến phát triển các chuỗi liên kết trong lâm nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho người dân sống dựa vào rừng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tuấn cho biết, Luật Lâm nghiệp lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng cho nền kinh tế và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm.

Quy định như vậy đã thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. 

Thưa ông, việc đổi tên từ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) thành “Luật Lâm nghiệp” liệu có giảm vai trò quản lý, bảo vệ rừng?

Luật Lâm nghiệp có mở rộng, nhưng việc quản lý, bảo vệ rừng, phải được kế thừa từ Luật BV&PTR 2004. Với Luật mới này, chúng tôi kỳ vọng, mang lại hiệu quả cao hơn cho chủ rừng, người bảo vệ rừng.

Trong luật, quyền và nghĩa vụ của từng loại chủ rừng quy định rất cụ thể, tinh thần là mở rộng quyền sở hữu với người có góp công sức, đầu tư vào rừng.

Có một điểm mới trong luật là nội dung về dịch vụ môi trường rừng. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người đã tạo ra dịch vụ. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển vào quỹ BV&PTR, được phân phối cho những người tham gia trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng.

Ở đây, có thể hiểu không phải chặt gỗ, khai thác lâm sản nhưng vẫn có nguồn thu. Thực tế, nguồn thu phí dịch vụ môi trường rừng năm 2017 khoảng 1.650 tỷ đồng. Năm 2018, dự kiến thu loại phí này khoảng 2.000 tỷ đồng. Có nguồn thu, đời sống người dân dựa vào rừng từng bước nâng cao hơn. Luật này cũng mở rộng thêm nguồn thu từ tín chỉ các-bon, tới đây sẽ triển khai.

Ngoài ra, luật cũng quy định về quản lý và cấp chứng chỉ rừng bền vững, nghĩa là chúng ta xác lập việc bảo vệ phát triển rừng lâu dài, bền vững, tạo dựng niềm tin cho thị trường.

Chế biến, thương mại lâm sản được coi như là một trong những thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, vấn đề này được quy định ra sao, thưa ông?

Chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu.

Cùng đó, áp dụng quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, mới cũng như các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.

Việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của Công ước CITES phải bảo đảm các điều kiện, như: mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở trồng cấy nhân tạo hoặc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng; có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên.

Nhà nước xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp; ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục, thẩm quyền phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngoài ra, về chính sách phát triển thị trường lâm sản, sẽ đi theo hướng tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi; Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

Một vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm là quản lý, sở hữu đất rừng, lần này có điểm gì mới, thưa ông?

Trong Luật quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng. Theo đó, rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Hai là rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, gồm rừng do các chủ thể trên đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, luật mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh, nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Người sống dựa vào rừng… thôi phá rừng ảnh 1

“Hiện cả nước có 16,2 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 150 công ty lâm nghiệp (đang quá trình sắp xếp) quản lý 1,6 triệu ha rừng (tới 86% là rừng tự nhiên), chủ yếu làm công ích. Ngay trong đợt sắp xếp vừa qua, đã chuyển gần 0,5 triệu ha đất lâm nghiệp cho các địa phương. Thủ tướng chỉ đạo đến tháng 6/2018 cơ bản phải sắp xếp các nông lâm trường”.      Thứ trưởng Hà Công Tuấn

MỚI - NÓNG