Người tâm thần đột nhập máy bay: Chuyện lạ có thật

Lực lượng an ninh hàng không gần đây bộc lộ nhiều lỗi chủ quan. Ảnh: Bảo An.
Lực lượng an ninh hàng không gần đây bộc lộ nhiều lỗi chủ quan. Ảnh: Bảo An.
TP - Gần đây, an ninh hàng không (ANHK) bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng. Đây là việc cần chấn chỉnh, không thể đợi may rủi; bởi vì, với hàng không một sự cố, tai nạn không chỉ là thảm họa mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Những kẽ hở tại sân bay Vinh

Chiều 5/3, Cục Hàng không thông tin chính thức về sự cố bệnh nhân tâm thần xâm nhập sân bay, tàu bay tại Vinh ngày 3/3. Ngoài 5 cá nhân bị xử lý như đã đưa tin, Cục Hàng không đã xử phạt thêm Cảng hàng không quốc tế Vinh (cơ quan chủ quản, vận hành Sân bay Vinh) 40 triệu đồng. Ngoài ra, Cục xử lý vi phạm đối với Phó giám đốc Cảng HKQT Vinh phụ trách an ninh bằng hình thức khuyến cáo bằng văn bản về năng lực quản lý, giám sát, điều hành trực tiếp hoạt động vận tải hàng không.

Trao đổi thêm về sự cố, đại diện Cục Hàng không cho hay: Theo quy trình, khi lên tàu bay, tiếp viên sẽ kiểm tra thẻ lên tàu bay của hành khách lần cuối. Sau đó sẽ thực hiện đếm khách và chốt danh sách với nhân viên hiệp thương của Cảng Hàng không.

Trong trường hợp chuyến bay VN1265 của Vietnam Airlines có hành trình đi từ Vinh tới Cảng Tân Sơn Nhất (chuyến bay xảy ra sự cố), quy trình kiểm tra thẻ lên tàu bay, đếm khách đã hoàn thành. Đây chính là lúc bệnh nhân tâm thần leo lên cầu thang và vào trong tàu bay.

“Chúng tôi cũng đã xem xét trách nhiệm của tiếp viên Vietnam Airlines nhưng thấy rằng lỗi chính là của nhân viên làm thủ tục hành khách của Cảng HKQT Vinh. Theo quy trình, nhân viên này phải bàn giao khách cho tiếp viên và ở lại kiểm soát cho đến lúc rút xe thang nhưng người này đã rời vị trí khi xe thang vẫn còn gắn trên tàu bay” - đại diện Cục Hàng không nói.

Người tâm thần đột nhập máy bay: Chuyện lạ có thật ảnh 1 Minh họa: Khều.

Đại diện Cục Hàng không còn cho hay, việc để bệnh nhân tâm thần dễ dàng vượt hàng rào là do các nhân viên an ninh của cảng HKQT Vinh không làm tròn trách nhiệm, tường rào không đảm bảo an toàn, camera và việc vận hành camera không đúng quy trình, không triển khai bốt gác tại các điểm trọng yếu như khuyến cáo của Cục Hàng không…

Chủ quan, thiếu chuyên nghiệp  

Sự việc một bệnh nhân tâm thần dễ dàng lọt vào tận máy bay dấy lên lo ngại thực sự về an ninh, an toàn hàng không. Đặc biệt, khi các sự cố liên quan đến sơ hở trong kiểm tra hành khách liên tục xảy ra gần đây.

Trước đó, vào ngày 3/1/2018, bà P.T.T. (36 tuổi, Hải Dương, bị cấm bay 6 tháng từ ngày 16/9/2017 đến 15/3/2018) đã lọt qua nhiều khâu giám sát (an ninh sân bay, công an cửa khẩu, hải quan) để bay từ Hà Nội đến Matxcơva (Nga) trên chuyến bay của hãng Aeroflot. Đây là sự việc hi hữu lần đầu tiên xảy ra trong hàng không Việt Nam. Rất may, bà T. chỉ vi phạm hành chính, không phải là tội phạm hay đối tượng khủng bố.

Cách đây chỉ hơn 10 ngày, một sự việc có tính chất tương tự xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, vào ngày 20/2, thay vì đến Yangon (Myanmar), một vị khách nước ngoài đã lên nhầm máy bay Vietnam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Singapore. Sau đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam quyết định xử phạt vi phạm hành chính ba nhân viên của Công ty TNHH MTV dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam - Chi nhánh Tân Sơn Nhất (VIAGS TSN) và tiếp viên trưởng chuyến bay VN651 với mức xử phạt là 4 triệu đồng mỗi người.

Về việc đột nhập sân bay, hàng không Việt Nam cũng chứng kiến nhiều sự việc người lạ xâm nhập sân bay. Đơn cử, năm 2007, một thanh niên 17 tuổi nhiều lần vào đường băng Tân Sơn Nhất tháo trộm 52 đèn tín hiệu trên đường băng. Năm 2010, một đối tượng khác cũng xâm nhập vào khu bay của Tân Sơn Nhất vào ban đêm. Năm 2012, lực lượng an ninh sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) rất vất vả để bắt giữ một con bò rừng đi lạc vào sân bay. Cá biệt, cho đến nay, các báo cáo về an ninh hàng không vẫn thường xuyên đề cập đến hiện tượng chó xâm nhập khu bay tại Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Điện Biên…     

Một phi công kỳ cựu cho rằng, các quy trình trong hoạt động của hàng không đều rất rõ ràng. Những sai lầm sơ đẳng, chủ quan như trên không đáng để xảy ra. “Ai sai phải xử lý thật nghiêm, đưa ra ngoài hệ thống. Hiện nay, có rất nhiều vấn đề quan trọng cần xử lý chứ không thể để những chuyện chẳng ra làm sao ảnh hưởng đến hàng không” – vị này nói.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá, nguyên nhân chính trong những sự việc vừa qua là lỗi chủ quan, thiếu chuyên nghiệp của các bộ phận thực hiện nhiệm vụ và Cục sẽ kiên quyết xử lý. Ngoài ra, Cục trưởng Hàng không cho rằng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, đơn vị chủ quản các sân bay) chưa đầu tư, nâng cấp kịp thời hệ thống hàng rào, camera và tổ chức các chốt canh tại các điểm trọng yếu như khuyến cáo của Cục Hàng không trước đó.

Hiện Chính phủ và Bộ GTVT đang lên kế hoạch tổ chức lại lực lượng an ninh hàng không. Theo đó, Bộ GTVT về cơ bản thống nhất lập một doanh nghiệp chuyên trách về an ninh hàng không (trực thuộc ACV). Ông Thắng cho hay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo lực lượng an ninh hàng không phải đảm bảo 3 tiêu chí: Thống nhất trên toàn quốc, độc lập và chuyên nghiệp. Vì thế, việc thành lập doanh nghiệp ANHK thuộc ACV (doanh nghiệp cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ khó đảm bảo có đầy đủ 3 yếu tố đó. “Về lâu dài doanh nghiệp này sẽ không thể thuộc ACV” – ông Thắng nói.

Trong thông cáo phát đi ngày 5/3 về sự việc bệnh nhân tâm thần xâm nhập sân bay, Cục Hàng không giao các Cảng vụ hàng không khu vực chủ trì, phối hợp với các cảng hàng không tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và đề ra các giải pháp cụ thể để ngăn chặn nguy cơ lặp lại vụ việc tương tự và nguy cơ xảy ra mất an ninh, an toàn hàng không.

Cục cũng yêu cầu ACV đánh giá lại toàn bộ công tác đảm bảo ANHK trên tất cả các cảng hàng không trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị ANHK và tổ chức đào tạo, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành quy định của cán bộ, nhân viên.

        
MỚI - NÓNG