Người thương binh Pa Kô và những mảnh đời bất hạnh

Người thương binh Pa Kô và những mảnh đời bất hạnh
TP - Người thương binh Pa Kô Hồ Mơ tuổi quá lục tuần, đã mấy chục năm qua tự nguyện bảo vệ rừng cho Nhà nước không đòi hỏi tiền công, làm trang trại nuôi hơn chục đứa trẻ nghèo.
Người thương binh Pa Kô và những mảnh đời bất hạnh ảnh 1
Thương binh Hồ Mơ bên cơ ngơi của mình

Năm 1982, anh thương binh Hồ Mơ trở về bản làng. Bà con dân bản bầu anh làm Bí thư Đảng ủy xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị). Muốn thay đổi tập quán làm ăn của đồng bào không được tuyên truyền suông mà phải bằng việc làm cụ thể của mình để bà con noi theo.

Nghĩ vậy, Hồ Mơ khai hoang những khoảnh đất áp khe suối làm lúa nước, trồng cà phê,  hồ tiêu, rồi nuôi lợn, gà trong vườn nhà như cách làm của đồng bào dưới xuôi.

Vừa làm, Hồ Mơ vừa vận động bà con thôn bản làm theo. Nhiều gia đình trong xã học tập cách làm của Hồ Mơ dần dần thoát khỏi đói nghèo.

Sau đó, Hồ Mơ bắt tay vào việc khoanh vùng rừng Khe Sa Lau để tự nguyện bảo vệ rừng không lương. Thấy việc Hồ Mơ làm, nhiều người đồng tâm ủng hộ nhưng cũng lắm kẻ xấu bụng trề môi bảo đầu ông này có vấn đề.

Nhiều hôm vào khu vực rừng mà ông bảo vệ gặp người của các thôn bản quanh đấy đang chặt cây, đốt cỏ làm rẫy, Hồ Mơ dùng điều hay lẽ phải thuyết phục khuyên can, cuối cùng họ đã nghe theo ông.

Ngày ấy tâm nguyện lớn nhất của Hồ Mơ là bảo vệ cho được khu rừng 700 ha, rồi sau đó sẽ bàn giao cho cán bộ kiểm lâm và nói với họ rằng người Pa Kô, Vân Kiều chúng tôi rất ý thức được việc bảo vệ rừng , chứ không phải ai cũng chặt phá rừng làm nương rẫy đâu. Suốt mấy chục năm bảo vệ rừng ông không hề mảy may nghĩ tới việc đòi hỏi chế độ hay trợ cấp gì ...

Để  tiếp tục bảo vệ rừng, năm 1995 lúc tuổi đã già không còn làm việc ở xã, Hồ Mơ chọn diện tích đất 10 ha gần khu rừng Khe Sa Lau để lập trang trại. Sau 3 tháng hì hục phát cây, Hồ Mơ đã mở được con đường dài hơn 3 km nối bản Parin vào trang trại.

Có đường đi lại thuận lợi, ông chọn những chỗ đất cao trồng cà phê , hồ tiêu. Còn vùng đất trũng mé khe suối thì khoanh lại trồng lúa nước, đào ao thả cá...

Sau 10 năm miệt mài bám đất, bây giờ trang trại của Hồ Mơ  có 3 ha ruộng nước, 2 ha cà phê, hồ tiêu, 4 ha sắn, 2 ao cá và 70 con trâu, bò, dê... với thu nhập 80-90 triệu đồng mỗi năm.

Hồ Mơ bảo, trong thời gian tới ông tiếp tục đầu tư vốn mua bò lai sind và giống cây bời lời đỏ để mở rộng quy mô trang trại.

Nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh

11 đứa trẻ Pa Kô, Vân Kiều mồ côi cha mẹ ở bản Parin và các bản khác của xã A Dơi được Hồ Mơ đem về nuôi dưỡng, và bây giờ chính tay ông dựng vợ gả chồng cho chúng.

Bốn đứa trẻ khác hiện đang sống cùng ông. Điều ấy chúng tôi biết được qua chị Hồ Thị Neng. Chị Neng là mẹ của hai đứa trẻ vừa được Hồ Mơ nhận về nuôi dưỡng.

Chị kể nhà chị nghèo lắm, chồng bê tha rượu chè suốt ngày. Khi chị sinh đứa con thứ hai thì cũng là lúc người chồng bán sạch ruộng vườn rồi bỏ đi biệt xứ.

Cuộc sống ba mẹ con chị rơi vào cảnh bữa đói nhiều, bữa no ít. Cảm thương hoàn cảnh éo le của chị, Hồ Mơ đã không ngần ngại giúp đỡ chị bằng cách tạo công ăn việc làm và nuôi nấng hai đứa con của chị.

Hồ Mơ tâm sự, ngày trở về quê hương, nhìn những đứa trẻ mồ côi cầu bơ cầu bất trong bản, trong xã như cánh chim non, như con thú hoang trong rừng vật vờ đói rét, lòng ông thắt lại.

Bố mẹ bọn trẻ bị chết đa phần bởi bệnh tật, đói nghèo. Bấy giờ cuộc sống gia đình ông cũng chẳng khá giả gì nên khi nghe ông bật ra ý nhận  những đứa trẻ ấy về nuôi dưỡng, vợ ông nhăn mặt phản đối quyết liệt. Rủ rỉ thuyết phục mãi rồi bà cũng thuận tình.

Một đứa, hai đứa... , rồi mười một đứa trẻ về ở với ông. Có cơm ăn cơm, có sắn ăn sắn. Bọn trẻ lớn lên trong vòng tay đùm bọc yêu thương của vợ chồng ông. Mười một đứa trẻ vợ chồng Hồ Mơ nuôi dưỡng ngày nào giờ đã có vợ có chồng có cuộc sống ổn định.

Nụ cười đôn hậu chất phác và lời nói mộc mạc của Hồ Mơ lúc chia tay bên cánh rừng vươn xanh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đọng lại mãi trong tôi: “Chuyện bảo vệ rừng, chuyện nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh, có gì to tát đâu, chỉ là bổn phận của người Pa Kô, Vân Kiều đối với rừng, đối với người mà thôi!”.

MỚI - NÓNG