Người thương binh tỷ phú

Người thương binh tỷ phú
4 lần bị thương, chàng dũng sĩ Nông Văn Thề trở về quê hương mang theo mảnh đạn găm trong người. Cùng với người vợ yêu thương và 2 đứa con hiếu thảo, người chiến sĩ ấy đã chiến thắng cái nghèo.

Trong đoàn quân Sư đoàn 1 quân giải phóng ở An Giang năm 1967 có Nông Văn Thề, chàng trai người Nùng quê xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai).

Nông Văn Thề chiến đấu rất dũng cảm. Năm 1968 anh được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Hai năm sau anh bị thương vào ngực, từ đó anh mang theo viên đạn AR 15 còn găm trong phổi.

Đầu năm 1972, vết thương khác ở bụng cắt đứt của anh hai khúc ruột. Chiến trường Tây Nam Bộ hồi đó, việc đưa một chiến sỹ, một khẩu súng, viên đạn từ miền Bắc vào đến nơi là một kỳ công. Thế là anh Thề lại xin trở về đơn vị, tiếp tục chiến đấu.

Năm 1974, anh lại bị đạn địch tiện cụt ngón tay giữa trái, gân ngón áp út trái bị co cứng lại. Do bị thương nặng nhiều lần nhưng Thề vẫn nằn nì với lãnh đạo về lại đơn vị chiến đấu. Anh lại cùng đơn vị hành quân ra trận, lập công và được tặng thưởng Huân chương chiến công.

Sau giải phóng miền Nam 30/4, anh lại cùng đồng đội hành quân ra biên giới Tây Nam đánh đuổi quân Pôn Pốt xâm lấn, anh lại bị thương vào tay phải, cụt đến khuỷu.

Tình yêu và kỳ tích chống đói nghèo 

Hồi ấy ở trại điều dưỡng thương binh Hà Nam Ninh, cô gái xinh đẹp Đỗ Thị Du ở huyện Lý Nhân thường chăm sóc thương binh. Cô “để ý” anh Thề lắm.

Là thương binh nặng nhưng anh Thề không kêu ca đòi hỏi. Gần anh, Du cảm phục anh Thề hơn vì tính kiên cường chống lại những cơn đau do vết thương hành hạ và luôn lạc quan yêu đời.

Họ yêu nhau và nên duyên vợ chồng. Chị Du theo chồng về xã Na Hối với bao khó khăn, túng bấn ở vùng núi nghèo. Một ngày chiều đông năm 1978, anh chị nhận được tin dữ: em trai anh Thề là Nông Văn Hản hy sinh ở biên giới Tây Nam. Anh Thề ốm luôn mấy ngày, rồi lại nén nỗi đau trong lòng cầm cuốc ra nương. Vợ chồng bảo nhau cố học cách làm ăn cho đỡ khổ, còn giúp bà con nữa.

Anh Thề lên huyện xin giống và học cách trồng mận tam hoa và trở thành một trong những người đầu tiên của Bắc Hà trồng mận đặc sản. Vụ đầu, mận chín trĩu cành, anh hái chia cho xóm giềng. Họ vượt khó giúp đỡ bà con thôn bản cùng trồng mận. Nay anh chị đã có trang trại mận tam hoa rộng hàng chục ha và nuôi hàng trăm con dê.

Huyện xét cấp nhà tình nghĩa cho gia đình anh. Anh từ chối: “Mình là tỷ phú mận tam hoa, xây được nhà đàng hoàng, không nhận nhà tình nghĩa đâu, để nhường gia đình khác khó khăn hơn”.

Hai con trai của anh chị chăm chỉ học tập và lao động, đều là những thanh niên ưu tú. Họ đã trưởng thành, một là giáo viên cắm bản tại xã nhà, một người đi bộ đội, đóng quân ở Yên Bái.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.