Chết đứng vì mưa lạnh

Người trồng hoa ở Huế: Tiều tụy theo hoa…

Người trồng hoa ở Huế: Tiều tụy theo hoa…
TP - Nhiều làng chuyên canh hoa của Thừa Thiên - Huế, hoa và người đang héo hắt, bởi thời tiết năm nay tréo ngoe.

Chiều năm mới 2009, trong tiết trời mưa xối xả và rét cắt da, chúng tôi làm một vòng quanh những vùng chuyên canh hoa lớn nhất của Thừa Thiên - Huế: xã Phú Mậu, Phú Thượng (huyện Phú Vang), xã Thủy Dương (huyện Hương Thủy), xã Quảng Thành, Quảng Phú (huyện Quảng Điền)…

Mọi năm, đây là thời kì cây hoa bước vào độ sung sức nhất. Nay, hàng trăm hộ nông dân trồng hoa điêu đứng.

“Năm ni không lụt, mà hoa lại chết đứng, vì mưa miết” – Anh Thái Quang Dũng, 42 tuổi, thôn Kế Vinh, xã Phú Mậu bần thần. Anh đang  cùng hai đứa con, một học lớp 12, một lớp 9 đang đội mưa buộc từng thân cây hoa cúc vào những cây cọc. “Loại cúc này thân yếu lắm, phải chống đỡ chứ không hoa nó ngã dập  xuống hết, may ra còn đôi bông để bán tết...”.

Tại nhà ông Lê Văn Hoành (cùng thôn), gần 5.000 gốc hoa không phát triển. Do lạnh, cây hoa mới cao chừng gang tay đã trổ bông. “Năm ngoái lụt lớn nhưng nắng ấm, tôi làm vụ đầu tiên thấy trúng nên năm ni làm lớn quyết ăn thua. Nhưng kiểu ni là thua luôn rồi” - ông Hoành rầu rĩ.

Hoa của ông nhiều nhất là cúc Đà Lạt với toàn là thứ được thị trường ưa chuộng, như cúc nút xanh, nút vàng, tam vàng, thọ vàng, mai đỏ, chi vàng, tím sen… Cùng cảnh với ông Hoành là ông Dương Xuân Tư (63 tuổi, thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu).

Thâm niên trồng hoa thuộc hàng lão luyện, nhưng năm nay, 5.000 cây cúc trong chậu và ngoài đất của ông mới được 20 cm đã trổ bông ! Sát bên cạnh là vườn hoa của ông Nguyễn Tiến. “Tui cũng đầu tư gần 1.000 gốc cúc, đang lên tươi tốt thì đột ngột chết trọi, số còn sống cũng chẳng ra gì”- Ông Tiến ngán ngẩm.

Nông dân trồng hoa ở huyện Hương Thủy cũng đang dở khóc, dở cười. “Hơn một tháng trước cây hoa đâm chồi phát triển nhanh, trời lại nắng mưa ổn định tui nghĩ chắc là đợt này thắng đậm. Ai ngờ…”- Chị Nguyễn Thị Nga (xã Thủy Dương) trầm ngâm. Tính sơ sơ, số tiền mà chị đầu tư vào vụ hoa là gần 20 triệu đồng. Nhưng cứ rét như thế này chừng 10 ngày nữa,  số tiền đầu tư trên coi như đi tong!

Đội mưa vạch lá bắt sâu

Đập vào mắt chúng tôi khi qua cầu chợ Nọ, huyện Phú Vang là bên những vườn cúc còi cọc hai bên đường, những nông dân cũng tiều tụy không kém đang đội áo mưa… bắt sâu cho hoa.

Hỏi vì sao không phun thuốc diệt cho nhanh, anh Nguyễn Quốc Long, 23 tuổi, một chủ hoa, giải thích : “Mưa như ri có phun thuốc lên thì cũng trôi hết, sâu nào chịu chết cho!”.

Về xã Phú Thượng, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những nông dân đang vạch lá tìm sâu. Người trồng nhiều nhất ở thôn Nam Thượng là chị Nguyễn Thị Kiều Ly, 41 tuổi.

Như mọi năm, năm nay chị trồng 500 chậu cúc lớn nhỏ và gần 300 chậu thược dược. Cúc giờ chưa nhú nụ được một nửa. Còn thược dược thì chiều cao cũng chưa tới phân nửa bình thường. Để vớt vát chút nào đó cũng đành đội mưa ra mà bắt sâu.

Những đồng hoa ở Quảng Điền và Phong Điền cũng chẳng khác hơn. Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh và chị Vũ Thị Như ở xã Phong Sơn vừa lập gia đình cũng hăng hái trồng hoa.

“Hoa của tôi tự nhiên đang tươi tốt thế bỗng úa vàng rồi rụi cả đám. Nhổ lên xem thử thì do mấy hôm trời mưa  không phun được thuốc nên sâu đục thân bấm hết rễ” - Anh Thịnh chán nản.

Đối lập với những ruộng hoa tiêu điều là cơ ngơi trồng hoa an toàn và khoa học của anh Nguyễn Văn Duẫn (35 tuổi, thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu). Ngoài 500 m2 trồng hoa dịp Tết, anh còn đầu tư gần 200 triệu đồng làm một nhà lưới trồng và nhân giống cung cấp cho nông dân trồng hoa trong vùng.

“Trồng hoa ở trong nhà lưới đảm bảo hơn, cây hoa phát triển khỏe và ít bị ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh” - Anh Duẫn cho biết. Đó là kết quả anh học hỏi được từ những lớp tập huấn kỹ thuật.

MỚI - NÓNG