Người Việt mưu sinh ở Angola (P1): Người mở đường

Người Việt mưu sinh ở Angola (P1): Người mở đường
TP - Hàng vạn người Việt Nam đang sống tại Angola ai cũng biết ông Lê Thiết Thảo, người có công khai phá thị trường lao động, tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu.

> Tận thấy quốc gia 'siêu nghèo' Angola
> Bảo vệ 4,5 vạn người Việt bơ vơ tại Angola

Mở đường

Ông Thảo sinh ra ở vùng quê nghèo Kỳ Châu (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Lớn lên, ông tình nguyện tòng quân vào Nam đánh Mỹ. Giữa lúc chiến tranh đang ác liệt, trong chiến dịch Xuân Lộc - trước thời điểm giải phóng năm 1975, ông không may bị thương nặng. Xuất ngũ, ông thi đỗ vào khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau hai năm học tập, ông được đưa sang Mô-zăm-bích học thêm tiếng Bồ Đào Nha. Sau đó, ông được cử sang Angola làm chuyên gia quản lý giáo dục tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước này.

Ông Lê Thiết Thảo (bên phải) và tác giả tại Thủ đô Luanda (Angola). Ảnh: Vũ Hữu Thảo
Ông Lê Thiết Thảo (bên phải) và tác giả tại Thủ đô Luanda (Angola). Ảnh: Vũ Hữu Thảo.

Khi chúng tôi đặt chân đến Angola, từ các chuyên gia y tế, giáo dục uy tín đến lao động phổ thông, ai cũng thể hiện sự tôn trọng đối với ông Thảo. Nhiều người nói, chính ông Thảo là người mở đường để hàng ngàn thanh niên nghèo ở các miền quê Việt Nam sang Angola làm giàu. Những người chúng tôi gặp, họ đều coi ông Thảo như ân nhân.

Tại khu chung cư của các chuyên gia Việt Nam. Nói là khu chung cư của các chuyên gia hàng đầu nhưng khá xập xệ. Thang máy hỏng từ lâu, tường bong tróc, hôi hám. Có lẽ toà nhà này được xây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đi bộ lên tầng 5, ra cửa tiếp chúng tôi là Phó giáo sư Nguyễn Tấn Cường.

Ông Cường từng là giảng viên của Đại học Nông nghiệp, năm nay đã 75 tuổi, sang Angola làm chuyên gia giáo dục được 24 năm. Mức lương bạn trả khoảng gần 2.000 USD/tháng. Rót nước mời khách, ông Cường tâm sự, ông Lê Thiết Thảo có công rất lớn với bà con người Việt tại Angola. Không chỉ ở Thủ đô Luanda mà xuống tận các tỉnh như Huambo, Benguela, Lubangu... đâu cũng có dấu chân của ông Thảo.

 “Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở quê nghèo nên ông Thảo hiểu được khát vọng làm giàu của các bạn trẻ Việt Nam. Ở Angola, những ai có khát vọng, làm ăn chính đáng, người đó sẽ thành công và được kính trọng”. 

Ông João Mamel Bernardo- Đại sứ Angola tại Việt Nam

Xe dừng chân tại tỉnh Uhumbo. Giơ tay chỉ một người bạn, ông Thảo bảo đó là Đức. Ở Angola, người ta gọi là Đức Gala (chúng tôi sẽ nhắc đến vị doanh nhân này ở kỳ sau). Cách đây hơn 10 năm, Đức Gala sang Angola với hai bàn bàn tay trắng. Thế mà giờ đã trở thành triệu phú đô la. Gặp lại ân nhân, Đức Gala cười tươi, rồi mời chúng tôi về dinh thự. Ông Thảo kể, hồi còn ở Hà Nội, vì Đức toàn chơi với người “có số má” ở quận Long Biên. Sợ chồng bê tha, vợ Đức đã nhờ ông đưa sang Angola làm việc. “Nó vừa trúng gói thầu xây căn hộ cho Bộ Quốc phòng Angola với giá trị hàng chục triệu USD”, chất giọng xứ Nghệ trầm trầm ông Thảo nói.

Bằng kinh nghiệm 20 năm ở lục địa đen, ông Thảo nói tiếng Bồ Đào Nha như người bản địa (người Angola nói tiếng Bồ Đào Nha). Ông từng là Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu MQ - Comércio General Lê Thiết Thảo lừng danh một thời tại Thủ đô Luanda. Ông cũng là bạn hàng tin cậy của nhiều đối tác nước bạn. Chính ông là nhịp cầu quan trọng, kết nối hàng hoá giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Angola.

Như quê hương thứ hai

 Hàng ngàn lao động Việt Nam đã được ông Thảo đưa sang Angola làm việc. Ảnh: Phong Cầm
Hàng ngàn lao động Việt Nam đã được ông Thảo đưa sang Angola làm việc. Ảnh: Phong Cầm.
 

Tôi hỏi vì sao ông chọn một quốc gia châu Phi xa xôi như Angola để làm ăn, ông cười bảo, chính những nơi xa xôi, khó khăn, người Việt mới dễ làm ăn. Vấn đề là phải biết chớp thời cơ, và có đầu óc. Suốt quãng đời gần 20 năm gắn bó với Angola nên ông Thảo coi đây như quê hương thứ hai. Sau ông, hai em trai là Lê Thạch và Lê Thuận cũng sang định cư tại Angola và trở thành những doanh nhân thành đạt.

Khi không còn làm quản lý chuyên gia giáo dục tại Đại sứ quán Việt Nam ở Angola ông chuyển sang làm kinh doanh. Ban đầu là qua trao đổi giữa Cty xuất nhập khẩu chuyên gia lao động (IMF) với Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ (VTC) của Đài Truyền hình Việt Nam. Từ vị trí Giám đốc Văn phòng đại diện VTC ở Angola, ông Thảo đã thiết lập được mạng lưới đối tác xuất và nhập hàng tiêu dùng từ Việt Nam sang nước bạn.

Hàng ngàn lao động trẻ của Angola cũng được các công ty Việt Nam tạo công ăn việc làm, trả lương cao. Ảnh: Phong Cầm
Hàng ngàn lao động trẻ của Angola cũng được các công ty Việt Nam tạo công ăn việc làm, trả lương cao. Ảnh: Phong Cầm.

Sau đó, ông thành lập Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp riêng có tên MQ với kho hàng rộng 1.000m2 tại trung tâm thương mại sầm uất São Paulo ở Thủ đô Luanda. Công ty MQ của ông dần lớn mạnh, chi nhánh được mở ở tất cả 18 tỉnh thành của Angola. Từ thời điểm này, ông bắt đầu đưa người lao động sang Angola. Ở tỉnh nào, ông cũng thiết lập một cửa hàng chuyên chụp và xử lý ảnh (ở Angola gọi là láp ảnh). “Năm 2000, láp ảnh chính là công cụ kiếm tiền của người Việt Nam. Có những ngày, thu tới hàng chục ngàn USD”, ông Thảo kể.

Để tạo việc làm cho người lao động, tại trung tâm thương mại São Paulo, ông Thảo mở nhiều ki ốt bán quần áo. Biết người Angola rất thích màu mè, sặc sỡ nên hàng hoá tại các ki ốt của người Việt được đặt hàng và nhập từ TP Hồ Chí Minh sang. Hàng hóa đa chủng loại, chất lượng, giá rẻ nên thu hút đông đảo người dân Angola đến mua. Với mô hình “một láp ảnh - một cửa hàng”, làm ăn đi từ nhỏ tới trung bình, sau đó mở rộng địa bàn theo kiểu chân rết từ Thủ đô Luanda đến các tỉnh, thành phố khác của ông Thảo được đánh giá là mô hình thành công nhất và phù hợp nhất với thị trường Angola.

Năm 2006, trong bài “Trở lại bài báo ai là người giàu nhất Việt Nam” đăng trên báo Tiền Phong, Nhà báo Dương Kỳ Anh (nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong) nhắc đến tên ông Lê Thiết Thảo. Bài báo có đoạn viết: “Tôi cũng đã nghe nói tới ông Lê Thiết Thảo, một doanh nhân trẻ thành đạt với tập đoàn TIC của ông ở Angola thu hút hàng ngàn lao động Việt Nam sang làm việc... Trò chuyện với ông Lê Thiết Thảo, tôi nhớ tới những dòng thư tâm huyết, những lời nhắn gửi qua điện thoại của nhiều độc giả về mong muốn tôn vinh những doanh nhân thành đạt, những người làm giàu chân chính nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng để kích thích ý chí quyết vượt qua nghèo nàn lạc hậu của giới trẻ hiện nay”.

Tôi không biết ông Thảo giàu cỡ nào, liệu ông có phải là một trong những người giàu nhất Việt Nam hay không nhưng với cộng đồng người Việt tại Angola, ông được trân trọng. Trên chặng đường hàng ngàn kilômét ở tại xứ sở xa xôi này, ở đâu chúng tôi cũng được cộng đồng người Việt tiếp đón và hoanh nghênh. Dù bây giờ ông Thảo đã không còn kinh doanh lớn ở Angola nữa nhưng trong ánh mắt của nhiều người, họ vẫn tôn sùng ông. Tất cả cơ ngơi đồ sộ tại Angola, ông Thảo đã bàn giao lại cho người thân và bạn bè. Mỗi năm, ông chỉ đi lại hai ba lần để thăm thú và giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Angola khi họ có việc cần nhờ về thủ tục, giấy tờ.

Ông Đỗ Bá Khoa, Đại sứ Việt Nam tại Angola cho biết, ông Lê Thiết Thảo là Chủ tịch đầu tiên của Hội người Việt Nam tại Angola. Năm 2002, với những cống hiến của mình, ông Thảo được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng bằng khen. Ông Thảo còn được Chính phủ Mô-zăm-bích cử làm Lãnh sự danh dự tại Việt Nam.

Còn nữa

 
Phóng viên Tiền Phong vừa có chuyến công tác tại Angola, ghi nhận cuộc mưu sinh “đa sắc màu” của người Việt tại đất nước thuộc lục địa đen.

Ghi chép của
Phong Cầm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.