Người Việt thứ hai chinh phục không gian

Người Việt thứ hai chinh phục không gian
Người Việt thứ hai chinh phục không gian thành công sau Phạm Tuân, là Eugene Trịnh, nhà khoa học gốc Việt làm việc tại Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA).

Eugene Trịnh (tên khai sinh là Trịnh Hữu Châu) sinh ngày 24/9/1950 tại Sài Gòn. Anh là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, gia đình anh đến định cư trên đất Pháp.

Anh học trung học tại Trường Michelet, Paris và lấy bằng năm 1968. Sau đó, anh sang Mỹ học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia, tốt nghiệp năm 1972.

Sức học của anh rất tốt. Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, anh nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Anh tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh.

Nhận thấy được năng lực nghiên cứu khoa học xuất sắc của Eugene Trịnh, năm 1979 NASA mời anh vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực. Cũng trong thời gian này, anh kết thúc khóa học hậu tiến sĩ và tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California.

Năm 1983 NASA chọn anh để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Anh trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang.

Một lần nọ, Spacelab 3 thực hiện chuyến bay ra ngoài không gian và anh túc trực tại trạm kiểm soát không gian Johnson ở Houston để liên lạc với tiến sĩ Wang và trợ giúp những hoạt động sửa chữa trên quĩ đạo.

Với những kinh nghiệm dồi dào tích lũy được, năm 1985 anh được bổ nhiệm làm trưởng nhóm kỹ thuật và giữ cương vị này trong ba năm.

Tháng 8/1990, NASA thông báo chọn Eugene Trịnh vào danh sách bổ sung cho hai chức vụ nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi.

Sự nghiệp của anh lên đến đỉnh cao vào ngày 25/6/1992, khi anh có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia bay lên không gian. Như thế, anh đã trở thành người Việt thứ hai có mặt trên quĩ đạo trái đất, 12 năm sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự.

Cả thế giới càng thêm tâm phục tài trí của người Việt. Báo chí Mỹ đưa hình ảnh Eugene Trịnh lên trang nhất và hàng chục viện nghiên cứu, trường đại học đã mời anh đến thuyết trình.

13 ngày, 19 giờ...

“Tôi đã nhìn thấy quê hương tôi. Nó mới hiền hòa làm sao!”, Eugene Trịnh trả lời như thế khi được hỏi anh đã nhìn thấy gì lúc trên quĩ đạo trái đất.

Người con xa quê hương từ lúc hai tuổi này tự nhận mình không phải là một người nặng về tình cảm, song “luôn có một cái gì đó, nhất là khi đang bay trên không trung, làm ta nhớ đến nguồn gốc của mình”.

Trang web của NASA cho biết chuyến bay STS-50 của Eugene Trịnh kéo dài đúng 13 ngày, 19 giờ, 30 phút và 4 giây. Trong chuyến bay này, tại khoang vật lý DPM anh đã thực hiện và theo dõi cùng lúc ba thí nghiệm về sức đẩy, sự rơi của chất lỏng và kỹ thuật điều khiển chất lỏng không bình chứa do anh nghĩ ra.

Anh cũng đã dành thời gian nhìn ngắm và chụp hình Trái đất từ không trung. Anh kể lại: “Chúng tôi đã bay vòng quanh thế giới... bay nhiều lần ngang vùng Đông Nam Á. Tuy phần lớn thời gian vùng này bị mây che phủ, song tôi nhớ đã ba lần chúng tôi bay bên trên VN. Những lúc ấy làm tôi nghĩ đến sợi dây liên hệ của mình, đến đất nước quê hương, nơi mình đã sinh ra...”.

Hiện tại anh làm giám đốc bộ phận khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở thủ đô Washington. Anh kết hôn với người phụ nữ gốc Việt Yvette Fabry. Trang web giới thiệu Eugene Trịnh của NASA cho biết sở thích của anh là sửa sang nhà cửa, nghe nhạc, kịch nghệ, tennis, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, leo núi và chụp ảnh.

Phạm vi nghiên cứu của Eugene Trịnh rất rộng và sâu, từ khoa học vật liệu, động lực học chất lỏng, hệ thống chân không cho đến vật lý truyền âm. Đặc biệt nhất có lẽ là nghiên cứu của anh về những mẫu vật liệu thể lỏng hoặc đặc mà không cần đến hộp đựng.

Từ đó anh cho thay đổi hình dạng những mẫu này và nâng chúng lên bằng những lực điện hoặc âm. Một số nghiên cứu của anh về vật lý truyền âm đã được ứng dụng vào các lĩnh vực điều tra bề mặt Trái đất. Về nguyên liệu học, anh đã khảo nghiệm sự cấu tạo hạt nhân, sự kết tinh và hiện tượng đông đặc.

Đến nay, hơn 40 công trình khoa học của anh đã được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. Anh là thành viên của các hiệp hội nghiên cứu không gian như Tổ chức Nghiên cứu Sigma Xi, Hội Vật lý Mỹ, Hội Cơ học Mỹ, Viện Hàng không và không gian Mỹ, Hiệp hội Nghiên cứu về nguyên liệu, Hiệp hội Khám phá không gian... NASA đã trao tặng anh huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt và bốn bằng phát minh cùng với các đồng nghiệp.

Anh cũng đã nhận được bảy giải thưởng công nghệ của NASA từ năm 1985 tới nay, trong đó có dụng cụ đo lường về trọng lực thấp được đặt trong máy bay phản lực KC-135 của NASA.

Theo Sơn Nguyễn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG