Nguồn cán bộ tư pháp chậm gần 1/4 thế kỷ

Nguồn cán bộ tư pháp chậm gần 1/4 thế kỷ
TP - Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu như vậy tại phiên thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên nhân dân (KSV), sáng qua (22-7).

Bàn về chế độ điều động KSV giữa các Viện kiểm sát (VKS) (trong cùng địa phương và giữa các địa phương) quy định trong dự thảo, ông Vượng nêu vấn đề: “Tại sao cứ phải điều động? Vì thiếu cán bộ. Nguồn của tư pháp chậm so với các ngành khác gần ¼ thế kỷ”. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc về tổ chức và hoạt động tố tụng, bởi VKS khác với các cơ quan hành chính. Chúng ta thực hiện chế độ 2 cấp xét xử, nhưng hành chính không phải như vậy.

“Tiêu chuẩn cán bộ kiểm sát cấp trên và cấp dưới cũng khác nhau, để trở thành KSV cấp tỉnh, phải qua KSV cấp huyện. Cá mè một lứa thì anh không thể sửa bản án của tôi được”- Ông Vượng phân tích.

Pháp lệnh KSV sửa đổi lần này đề nghị hai phương án quy định về KSV: Phương án 1, quy định ngạch KSV từ 3 cấp (huyện-tỉnh-tối cao) hiện nay thành 4 ngạch (sơ, trung, cao cấp và KSV Viện KSND Tối cao); và phương án 2: KSV Viện KSND Tối cao, KSV sơ và trung cấp.

Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiêng về phương án 1, nhưng các ủy viên Ủy ban thường vụ của Quốc hội cho rằng cả hai phương án đều rối, thiếu nhất quán, do vậy còn nhiều tranh luận khác nhau.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh sửa đổi cũng quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn quy trình và thẩm quyền bổ nhiệm, điều động KSV. Theo Tờ trình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao bổ nhiệm 3 ngạch KSV là sơ cấp, trung cấp và KSV cao cấp của Viện KSND và Viện KS quân sự (kể cả với 3 ngạch KSV này ở Viện KSND Tối cao). Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa nhận được đồng thuận của Ủy ban Tư pháp.

MỚI - NÓNG