Nguy cơ “bom nước” đổ ập trên đầu

Mối nguy hiểm và mất mỹ quan đô thị từ những bồn nước treo ở chung cư cũ
Mối nguy hiểm và mất mỹ quan đô thị từ những bồn nước treo ở chung cư cũ
TP - Gần như tất cả các nóc khu chung cư cũ ở Hà Nội đều đang bị chồng chất các loại bồn nước. Và chung cư cũ nát luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn do những quả “bom nước” này có thể long, rơi bất cứ lúc nào. Cơ quan chức năng vẫn đang “bỏ” mặc thực trạng nguy hiểm này.

Sống trong sợ hãi


Với giá cả hợp lý, dễ lắp đặt, vận chuyển, cơ động, tiết kiệm diện tích hơn so với bể xây nên bồn đựng nước, chứa nước inox được nhiều hộ gia đình, nhiều khu chung cư cũ sử dụng. 

Đại diện một đại lý chuyên bán lẻ bồn nước inox trên phố Trường Chinh cho biết: “Một phần do Hà Nội đợt vừa rồi mất nước liên tục, cộng thêm nhu cầu sử dụng nước sạch vẫn tăng nên năm nay, sức tiêu thụ bồn nước tăng mạnh so với thời điểm này năm ngoái”. Tuy nhiên, hầu hết bồn nước inox đều được lắp đặt rất cẩu thả, tùy tiện, một phần do thiết kế nhiều nhà không có vị trí lắp đặt bồn nước, phần nữa là do sự qua loa của các đơn vị thi công. Bồn nước nhiều nơi được đặt trên mái nhà nghiêng, gia cố thêm bằng vài viên gạch có thể là hiểm họa đến từ trên cao. 

Trên thực tế, đã có nhiều sự cố xảy ra do để bồn nước trên nóc nhà, thậm chí có người đã chết vì bồn nước rơi. Ngày 13/6/2012, tại thôn Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), cụ bà Nguyễn Thị Mầm (SN 1935) đã bị bồn nước dung tích 1.000 lít rơi từ nóc nhà tắm xuống, đè lên người tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ việc được xác định là chân bồn bị gãy rời. 

Ngay ở Hà Nội, mới đây, ngày 19/5 cũng xảy ra một vụ bồn nước rơi tự do. Ông Dương Văn Trung (trú tại 43BT4 - Khu đô thị mới Cầu Bươu - huyện Thanh Trì), cho hay, gia đình ông mua bồn nước inox cách đây 3 năm với dung tích 1.500 lít. Khi mất nước, ông Trung lên kiểm tra thì phát hiện chiếc bồn Inox đã bị đổ sụp xuống nền bê tông, có thể lăn xuống mái nhà hàng xóm bất cứ lúc nào. Vụ việc đã khiến gia đình và các hộ dân lân cận hoang mang. Nguyên nhân, bồn nước dung tích 1.500 lít rơi được xác định là do các thanh sắt của giá đỡ chân bồn nước bị bung mối hàn, dẫn đến mất khả năng chịu lực. Khi gặp thời tiết xấu, mưa giông giá đỡ không chịu nổi nên bị rơi.

Tồn tại từ lâu, rất mới quản lý!

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện chưa có quy định nào về vị trí lắp đặt các bồn nước ở khu dân cư. Chủ yếu hiện nay các bồn nước được lắp đặt theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, có chỗ trống, lắp được là lắp, vì vậy nảy sinh nhiều bồn nước dạng sinh sau đẻ muộn, ở những vị trí gia tăng bằng cách hàn thêm sắt, đổ bê tông cân bằng... 

Nguy cơ “bom nước” đổ ập trên đầu ảnh 1 Bảy “bể” nước chụm một chỗ tại chung cư cũ nát ở Hà Nội 

Các khu chung cư cũ là những hình ảnh tiêu biểu về sự lộn xộn và nguy hiểm của bồn nước. Rất nhiều loại bồn nước inox được lắp đặt theo kiểu mạnh ai nấy làm. Có một vài bồn nước còn được lắp đặt sát ra phía ngoài đường, trông rất chênh vênh, nguy hiểm. “Giờ lắp bồn mới, tìm được chỗ trên tầng thượng đặt được bồn là may rồi, tính gì đến chuyện khác” - Anh Đức Trung, sống ở khu tập thể Thanh Nhàn chia sẻ.

“Thực ra tình trạng này đã tồn tại từ lâu, nhưng lại rất mới trong quản lý, các cơ quan cần phải xem xét để có chế tài xử lý, kiểm soát. Theo tôi cần phải có quy định về vị trí, tiêu chuẩn lắp đặt để đảm bảo an toàn”

Ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc

Các khu tập cũ: E1 Kim Mã, Thành Công, Thanh Lương, Kim Liên... đang ở trong tình trạng tương tự. Tập thể Ngọc Khánh, Khu tập thể còn có tình trạng 5, 6 bồn nước đặt chụm vào nhau, tận dụng chân bồn, phía còn lại chỉ được kê bằng vài viên gạch. 

Chị Nguyễn Ngọc Diệp, trú tại K1 P410, tập thể Thành Công cũng có chung nỗi lo lắng: “Tập thể này có rất nhiều bồn nước lắp chìa ra ngoài, những hôm mưa, tôi đi cất xe rất kinh hãi, chẳng biết lúc nào bồn nước rơi xuống đầu”. Ở phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, nhiều người dân sống trong khu tập thể cũ dọc đường Nguyễn Chí Thanh, Pháo Đài Láng cũng đã phản ánh việc bồn nước được lắp đặt tràn lan ở nóc nhà chung cư cũ, nhưng chính quyền không đưa ra được phương án xử lý nào.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Hiện nay chưa có một văn bản quy chuẩn nào quy định về việc lắp đặt bồn nước. Không ai biết lắp đứng hay lắp nằm như thế nào cả”. Chính vì chưa có quy định về việc lắp đặt nên theo ông Nguyễn Huy Hài, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), thì từ xưa đến nay việc lắp bồn inox không ai quản lý, chính quyền chỉ quản lý người dân xây dựng số tầng có đúng như giấy phép xây dựng được cấp hay không. 

“Đúng là việc lắp đặt bồn nước của người dân trên nóc nhà lâu nay không ai quan tâm. Thực ra tình trạng này đã tồn tại từ lâu, nhưng lại rất mới trong quản lý, các cơ quan cần phải xem xét để có chế tài xử lý, kiểm soát. Theo tôi cần phải có quy định về vị trí, tiêu chuẩn lắp đặt để đảm bảo an toàn”, ông Hài nói.

Lo lắng thì nhiều, nhưng bồn nước inox thì vẫn cứ mọc lên do nhu cầu sử dụng ngày một tăng, với những chung cư được xây lắp ghép, cũ nát, số lượng bồn người dân chất lên nhiều mức độ nguy hiểm càng lớn. Khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp, nếu không nói là đang “bỏ” mặc, người dân vẫn phải sống trong nguy cơ những “quả bom nước” có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.