Nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp

Nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp
Chiều nay 1/4, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã tiếp nhận và điều trị khoảng trên dưới 70 bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy cấp, nhiều bệnh nhân phải nằm tại hành lang. Từ hôm qua đến chiều nay, Hà Tây cũng ghi nhận thêm 27 ca tiêu chảy cấp.
Nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp ảnh 1
Trưa nay, 1/4, tại khoa Nội 2, bệnh viện Xanh Pôn, tất cả các giường điều trị tiêu chảy cấp đều kín chỗ. Ảnh: Vnexpress

Chiều 1/4, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Từ ngày 7/3 đến nay, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp tăng đột biến trở lại (đây là lần thứ 3), trung bình mỗi ngày có từ 20-30 bệnh nhân. Riêng tại Viện đã tiếp nhận và điều trị trên 90 ca trong đó có một số ca dương tính.

Đang ở thời điểm giao mùa, ý thức vệ sinh ăn uống của người dân chưa cao; vì vậy số bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nhập viện tiếp tục gia tăng.

Nếu người dân không thay đổi thói quen, nhất là ăn rau sống, thịt chó, mắm tôm và thức ăn đường phố thì nguy cơ dịch tiêu chảy cấp bùng phát trở lại trong thời gian tới còn cao hơn năm 2007.

Hai vợ chồng bệnh nhân V.V. H ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nhập viện ngày 27/3 đến nay cho biết: Ngày 26/3, hai vợ chồng ăn thịt chó mua tại chợ tới 10h sáng 27/3 mới ngâm ngẩm đau bụng tới 19 giờ cùng ngày đi ngoài liên tục và buồn nôn .

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu và được sơ cứu tại Trung tâm y tế Bộ Xây dựng sau đó được chuyển ngay Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng truỵ tim mạch, co rút cơ, huyết áp tụt được cấp cứu hồi sức tích cực và truyền 70 chai nước đến ngày 31/3 mới dừng truyền dịch.

Còn vợ là Triệu Thị Hồng ngày hôm sau mới bị tiêu chảy nhưng nhẹ hơn nên không phải truyền dịch. Hiện hai vợ chồng đã hết bị tiêu chảy nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị vì kết quả thử phân vẫn dương tính.

Còn anh Lê Quang Nghị, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội)- một trong số bệnh nhân nặng cho biết: Nguyên nhân bị tiêu chảy cấp sau khi uống bia và nhanh chóng bị kiệt sức phải nhập viện khẩn cấp và đến nay anh đã từng bước ổn định sức khỏe. Bệnh nhân Nguyễn Văn T. ở Thanh Hóa cũng bị tiêu chảy cấp sau khi ăn thịt chó...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng Khoa khám bệnh (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia) cho biết: Tất cả các ca bệnh bị tiêu chảy cấp vào viện đến liên quan đến ăn thức phẩm không an toàn. Điều lo ngại nhất, ý thức cộng đồng của người dân về dịch tiêu chảy cấp không còn cao như năm 2007, vì vậy nguy cơ dịch bùng phát rất lớn.

Hiện 8 quận huyện trên địa bàn Hà Nội cũng đã có bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước nguy cơ bùng phát bệnh tiêu chảy cấp, thành phố Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra trên địa bàn các quận huyện.

Ngành y tế thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng thành phố triển khai đồng bộ các biệp pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp, tăng cường công tác thanh kiểm tra và tuyên truyền nguy cơ và cách phòng chống dịch bệnh, chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất phòng dịch và nơi tiếp đón bệnh nhân.

Tất cả các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm đều được xử lý khử khuẩn như các trường hợp tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Hà Tây : 94 người bị tiêu chảy cấp

Tại Hà Tây, tổng số người mắc tiêu chảy cấp tính đến chiều nay đã lên tới con số 94, trong đó 17 người dương tính với phẩy khuẩn tả. 3 huyện, thành phố có bệnh nhân mắc là Hà Đông, Thường Tín và Thanh Oai. Qua điều tra dịch tễ, các bệnh nhân đều liên quan đến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh như ăn chân giò nấu giả cầy, mắm tôm, rau sống...

Trước tình hình dich tiêu chảy cấp nguy hiểm đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, để chủ động phòng, chống, khoanh vùng, xử lý, dập tắt kịp thời ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, tỉnh Hà Tây tổ chức đồng loạt cho các hộ gia đình phun thuốc diệt ruồi vào ngày 13/4 tới.

Tất cả các huyện, thành phố của Hà Tây chủ động dành kinh phí để phục vụ công tác phòng chống dịch; cấp phát thuốc diệt ruồi miễn phí cho các hộ gia đình. Ngành y tế giám sát, phát hiện và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và hóa chất phòng chống dịch kịp thời.

Sở Y tế Hà Tây thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về VSATTP và vệ sinh môi trường.

Dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện tại 8 tỉnh

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện tại 8 tỉnh phía Bắc trong đó có 57 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh nhân chủ yếu từ Hà Nội ( 60 ca trong đó 29 ca dương tính) và một số tỉnh lân cận như Hà Tây, Thanh Hóa...

Trước tình hình dịch có nguy cơ bùng phát trở lại, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các địa phương nhất là các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, trong đó chú trọng vận động người dân không nên ăn rau sống, thức ăn đường phố không an toàn và mọi người thực hiện ăn chín, uống sôi và rửa tay trước khi ăn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.