Nguy cơ cháy chợ điện tử lớn nhất TP.HCM

Nguy cơ cháy chợ điện tử lớn nhất TP.HCM
“Chỉ cần một mồi lửa nhỏ bén vào hàng hóa là tính mạng của hàng ngàn tiểu thương, khách hàng và hàng trăm hộ dân ở các lô chung cư xung quanh bị đe dọa nghiêm trọng”.
Nguy cơ cháy chợ điện tử lớn nhất TP.HCM ảnh 1
Tiểu thương và khách hàng chen chúc nhau trên những lối đi chật hẹp, phía trên là hệ thống chằng chịt đường dây điện cũ kỹ

Bác Chương, một người sống ở chung cư Nguyễn Kim, phường 7, quận 10, bày tỏ mỗi lo lắng về sự xuống cấp nghiêm trọng và nguy cơ cháy chợ Nhật Tảo – được xem là chợ linh kiện điện tử lớn nhất TP.

Mồi ngon cho “bà hỏa”

Một buổi trưa, bước vào chợ điện tử Nhật Tảo, mắt tôi hoa lên vì không khí ngột ngạt cộng với cái nóng hầm hập từ mái nhà chợ dội xuống. Đường cống thoát nước tại đây hư hỏng làm hệ thống vệ sinh bị tắc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Các bức tường chợ có nhiều vết nứt, còn trên mái tôn nhà lồng chợ đầy những vết thủng lỗ chỗ được che tạm bằng tấm bạt hoặc bìa các tông. Một tiểu thương nói vui: “Chỉ cần một cơn mưa nhỏ là tụi tui như ngồi ở... chợ nổi!”.

Đáng lo nhất là hệ thống dây điện cũ kỹ được giăng mắc chằng chịt như mạng nhện, các sạp tự do câu móc để sử dụng hệ thống điện tại chợ luôn trong tình trạng quá tải.

Có lẽ, chưa có ngôi chợ nào ở TP có cách bố trí, bày biện quày sạp lại mất trật tự như ngôi chợ này. Hơn nữa, do bị hàng hóa của các sạp lấn chiếm nên lối đi nhiều chỗ trong lồng chợ chỉ vừa đủ hai người chen nhau mới qua được.

Chưa hết, trong lồng chợ toàn vật liệu dễ cháy, nào là vỏ tivi, đầu máy, linh kiện điện tử, thùng các tông...

Không hổ danh là ngôi chợ buôn bán hàng linh kiện điện tử lớn nhất TP, tại đây chúng tôi bắt gặp nhiều khách hàng đến từ khắp cả nước. Mải mê mua bán, hàng trăm người đang có mặt trong nhà lồng chợ không hề biết tính mạng và tài sản của mình đang bị đe dọa từng ngày.

Hầu hết các căn hộ ở tầng trệt được tận dụng mở quầy sạp kinh doanh “ăn theo” chợ điện tử Nhật Tảo, vô hình trung biến các con đường nội bộ chung cư thành nơi buôn bán, bãi giữ xe..., tạo khung cảnh hết sức bát nháo và lộn xộn.

Do bị các hộ buôn bán cơi nới, lấn chiếm nên các lối thoát hiểm tại chợ đã bị ngăn và khi có sự cố xảy ra thì việc cứu hộ, cứu nạn hàng trăm hộ buôn bán và khách hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Chợ tự phát hoạt động hợp pháp!

Trong quá trình đi tìm hiểu về chợ điện tử Nhật Tảo, thật bất ngờ khi biết rằng nguồn gốc chợ này là tự phát. Sau gần 20 năm tồn tại, do việc quản lý lỏng lẻo cộng với ý thức giữ gìn kém của tiểu thương, nên cơ sở hạ tầng tại chợ ngày một xuống cấp trầm trọng, hệ thống PCCC không an toàn, hiện là mối lo thường trực về cháy, sập của người dân và chính quyền địa phương.

Qua khảo sát, Sở Thương mại TP đã nhận định không thể để chợ tồn tại lâu dài ở địa điểm trên, đồng thời phải tách rời khu vực kinh doanh và khu dân cư để phòng chống hỏa hoạn và vệ sinh môi trường.

Trao đổi với chúng tôi về “số phận” chợ điện tử Nhật Tảo, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Chủ tịch UBND phường 7, quận 10, khẳng định sẽ không thực hiện kế hoạch sửa chữa, chỉnh trang nữa vì chợ Nhật Tảo không hội đủ điều kiện tồn tại giữa khu dân cư theo Chỉ thị 13 (2001) của UBND TP về chấn chỉnh, giải tỏa dứt điểm các chợ tự phát.

Sau nhiều lần lên kế hoạch giải quyết những mối lo tại chợ Nhật Tảo, được biết, UBND quận 10 đã có một phương án khả thi, đó là di dời các hộ tiểu thương vào kinh doanh tại tầng trệt một số lô chung cư Nguyễn Kim (gần chợ Nhật Tảo).

Tuy nhiên, ngoài lô S đang được xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2007 mới hoàn thành, còn lại các lô chung cư sắp sập lân cận đang được tháo dỡ hoặc chuẩn bị giải tỏa, nên không biết chính xác đến bao giờ chợ mới được di dời để phá bỏ.

Như vậy, những mối nguy hiểm tiếp tục treo trên đầu ngôi chợ Nhật Tảo đang xuống cấp từng ngày và có nguy cơ bị bà hỏa viếng bất kỳ lúc nào.

Theo Minh Nam
NLĐ

Lịch sử khu chợ tự phát

Khoảng năm 1987, cạnh thủy đài chung cư Nguyễn Kim có bãi đất trống, một số bà con nghèo đến đây trải ni lông, bạt để mua bán hàng lạc xon. Năm 1989, chợ được chính quyền địa phương xây dựng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, tức chợ được hình thành dưới danh nghĩa giấy phép xây dựng... Nhà Văn hóa phường 7 (!?).

Kinh phí xây dựng chợ do ngân sách Nhà nước (73 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 28,78%) và tiểu thương góp 183 triệu đồng (chiếm tỉ lệ 71,24%). Chợ có tổng diện tích gần 1.000 m2, gồm: 1 trệt, 1 lửng, 1 lầu, trong đó tầng trệt được dùng làm nhà lồng chợ, sắp xếp các hộ vào buôn bán.

Hiện nay, nếu tính luôn các hộ kinh doanh “ăn theo” ở các đường nội bộ xung quanh thì chợ điện tử Nhật Tảo có hơn 400 hộ buôn bán chuyên mặt hàng kim khí điện máy.

MỚI - NÓNG