Nguy cơ đại dịch rầy nâu

Nguy cơ đại dịch rầy nâu
TP - Gần 100.000 ha lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiễm rầy nâu, trong đó nhiều nơi bắt đầu gây “cháy rầy” cục bộ, năng suất có thể giảm 15 – 30%.
Nguy cơ đại dịch rầy nâu ảnh 1
Cánh đồng lúa ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) bị “cháy rầy” cục bộ

15 năm sau đại dịch năm 1991, ĐBSCL lại đang đứng trước nguy cơ một trận đại dịch rầy nâu mới.

TP Cần Thơ đã có 7.000 ha lúa đông xuân nhiễm rầy nâu, mật độ có nơi lên đến 8.000 con/m2. Huyện Vĩnh Thạnh có gần 4.000 ha lúa bị nhiễm rầy nâu.

Ông Bùi Thanh Nhàn ở ấp Quy Lân 2 (xã Thạnh Qưới) sử dụng giống Jasmine 85 (không kháng rầy) trên diện tích 2,5 ha và ông đã tốn hơn 5 triệu đồng xịt thuốc diệt rầy nâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Các loại giống kháng rầy cũng xuất hiện rầy nâu với mật độ cao hơn bình thường. Ông Danh Thuận - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Qưới - cho biết: Nhiều hộ sử dụng giống kháng rầy và đã xịt thuốc nhiều lần nhưng rầy nâu vẫn không giảm bớt, có nguy cơ năng suất giảm 30%.

Chiều 12/2, Phó cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hữu Huân cho Tiền Phong biết: Hiện nay, bệnh rầy nâu và đạo ôn đang phát triển mạnh tại các diện tích lúa vùng ĐBSCL. Diện tích nhiễm rầy nâu đã ở mức báo động (khoảng 69.000 ha, trong đó có gần 5.000 ha bị nhiễm nặng).

Mật độ rầy nâu tăng cao từ sau Tết Nguyên đán (có nơi trên 10.000 con/cm2) và gây cháy rầy cục bộ (từ 10 đến 70%) tại một số địa phương như các huyện, thị Tân Trụ, Tân An, Thủ Thừa, Châu Thành (Long An); huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ); huyện Tân Hiệp (Kiên Giang); huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)…

Sau Tết, do thời tiết diễn biến  bất thường nên bệnh đạo ôn có điều kiện phát triển, hại lúa. Toàn vùng đã có tới 45.690 ha nhiễm đạo ôn lá (trong đó, có gần 1.000 ha bị nhiễm nặng).

Cục Bảo vệ thực vật đã và đang chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp phòng trừ tích cực, bảo vệ lúa phát triển, đảm bảo năng suất.

Tỉnh An Giang đang có khoảng 8.000 ha lúa nhiễm rầy nâu với mật độ 2.000 – 5.000 con/m2. Các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới, TP Long Xuyên đã bắt đầu “cháy rầy” cục bộ.

Tỉnh Đồng Tháp có khoảng 10.000 ha nhiễm rầy nâu, có nơi ở huyện Tháp Mười rầy nâu đã lan tràn trên 70% diện tích lúa đông xuân.

Các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… rầy nâu cũng đã xuất hiện trên hàng chục nghìn hécta.

Giới chuyên môn cho rằng năm nay nhiệt độ ở ĐBSCL thấp hơn bình thường, thuận lợi cho rầy nâu phát triển nên luồng rầy nâu di trú về phía Nam dịp đông xuân đã tăng đột biến.

Bên cạnh còn diện tích khá lớn giống lúa không kháng rầy, cộng với tâm lý chủ quan của bà con nông dân đã lâu không gặp dịch. Lại vào dịp Tết, bà con ít thăm đồng nên rầy nâu có cơ hội lan tràn.

Rầy nâu không chỉ gây hại trên lúa đang làm đòng trổ bông mà gây hại cả những trà lúa đã đỏ đuôi. Tuy vậy, mối nguy hại vẫn đang ở phía trước.

Đợt rầy nâu hiện tại dù sao không còn khả năng gây hại và khoảng 10 - 15 ngày nữa khi lứa trứng tiếp theo nở ra cũng là lúc hầu hết lúa đông xuân ở ĐBSCL làm đòng, trổ bông thì hiểm họa mới thật là lớn.

Lúc đó, lúa đã lớn, dày kín ruộng, nước trên ruộng lại cạn nên rất khó trừ rầy nâu. Các địa phương đều dự kiến rầy nâu tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới và đang ra sức hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ, ngăn chặn bùng phát thành đại dịch. 

MỚI - NÓNG