Nguy cơ hạn hán ở Thanh Hóa, Tây Nguyên

Nguy cơ hạn hán ở Thanh Hóa, Tây Nguyên
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông xuân tới (2013-2014), dòng chảy trên hầu hết các sông ở Trung, Nam Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8-30%. Nhiều khu vực khác như Thanh Hóa, Tây Nguyên, Nam Bộ phải đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ.

> Lai Châu nhiệt độ thấp nhất âm 0,9 độ C
> Đêm nay miền Bắc lạnh thêm

Nhiều hiện tượng khí tượng, thủy văn bất thường

Đợt tuyết rơi đang diễn ra ở Lào Cai chỉ là một trong số nhiều hiện tượng khí tượng, thủy văn bất thường của năm 2013. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tại Hội nghị tổng kết năm 2013 hôm qua, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta năm 2013 nhiều nhất trong 50 năm qua, nhiều hơn hẳn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đây cũng là năm kỷ lục về số cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta.

Trong các tháng cuối của vụ đông xuân 2013-2014, một số nơi ở khu vực Đông Bắc, vùng núi phía bắc, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ có nguy cơ đối mặt tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ.

Trong số 14 cơn bão và năm ATNĐ hoạt động trên biển Đông, có đến tám cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ba cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 12.

Đáng chú ý, trước khi đổ bộ vào đất liền, các cơn bão đều có hướng di chuyển và diễn biến về cường độ rất phức tạp. Bão Hai Yan (Hải Yến) là một ví dụ. Cơn bão đổ bộ vào Philippines với cường độ trên cấp 17 (vượt quá khung bảng tính cường độ gió trên khu vực biển Thái Bình Dương).

Sau khi đi vào biển Đông vẫn giữ cường độ cấp 14, cấp 15, đổi hướng di chuyển lên phía bắc đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng với cường độ gió cấp 11, cấp 12 và giật cấp 14.

Hướng di chuyển của bão Hai Yan rất phức tạp và không theo quy luật khí hậu (thông thường vào thời điểm cuối mùa bão, hướng di chuyển của các cơn bão thường di chuyển về phía Tây thậm chí là Tây Nam, đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ), gây khó khăn cho công tác dự báo.

Cũng năm 2013, trên toàn lãnh thổ xảy ra 30 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên trong năm 2013 xảy ra vào đầu tháng 5 cũng là điểm bất thường của mùa mưa năm 2013.

Lượng dòng chảy trung bình tháng trên hầu hết các sông ở Trung Bộ đều thiếu hụt từ 10 - 40%, có nơi thấp hơn 50% so với TBNN cùng kỳ. Riêng tại Phú Yên và khu vực Tây Nguyên ở xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ.

Tại một số tỉnh thuộc ven biển miền Trung đã xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước, như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Nguy cơ hạn hán tiếp tục

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông – xuân tới, dòng chảy trên các sông ở một số khu vực thấp hơn nhiều mức TBNN như Thanh Hóa (thấp hơn từ 20-35%), ở Trung và Nam Trung Bộ (đầu mùa thấp hơn 8-30%, cuối mùa thấp hơn 30-40%), Nam Tây Nguyên (đầu mùa thấp hơn từ 18-40%, cuối mùa ở mức xấp xỉ TBNN).

Trong các tháng cuối của vụ đông xuân 2013-2014, một số nơi ở khu vực Đông Bắc, vùng núi phía bắc, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ có nguy cơ đối mặt tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ.

Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng khuyến cáo, từ nay đến đầu năm 2014 vẫn có khả năng xuất hiện bão hoặc ATNĐ trên khu vực phía nam biển Đông, có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Riêng nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2014 là thời kỳ giao mùa, các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, có khả năng xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc mạnh và mưa đá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG