Nguy cơ lũ nuốt cả nhà dân lẫn tiền dự án

Nguy cơ lũ nuốt cả nhà dân lẫn tiền dự án
TP - Đoạn bờ sông Ngàn Sâu dọc xóm Tân Thành, xã Hương Trạch, Hà Tĩnh, đất bị sụt lở dài hơn 2.000m, khiến khoảng 30 nhà dân có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào, khi mùa mưa lũ đến. 
Nguy cơ lũ nuốt cả nhà dân lẫn tiền dự án ảnh 1

Một đoạn trong 2.000 m bờ sông làng Tân Thành bị sụt lở. Ảnh: Võ Minh Châu

Một dự án xây kè chống sạt lở được phê duyệt 16 tỷ đồng nhưng chỉ có 12 tỷ được trực tiếp bỏ vào công trình. Mùa mưa năm nay ở Hương Khê đến sớm, những hạng mục thi công quá chậm, dở dang và biết bao điều kỳ lạ đang diễn ra.

Ủi cây sống chồng đá chết

Chúng tôi về gia đình các ông Phan Hồng Huỳnh, Nguyễn Xuân Hiệp, Nguyễn Thơ, Phạm Hoàng, cư trú tại xóm Tân Thành xã Hương Trạch, chứng kiến nhà thầu đang tiến hành thi công đoạn đê kè chắn lũ chống sạt lở cho bà con địa phương này, thấy nổi lên bao chuyện trái khoáy.

Dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu có độ dài khoảng 1.500 mét, xây bằng cốt thép bê tông mặt phẳng nghiêng có độ dốc từ 10 - 15 mét nhưng khoản tiền trực tiếp cho công trình chỉ có khoảng 12 tỷ đồng.

Điều lạ hơn, nhiều khu vườn cây cối rậm rạp mọc sát bờ sông, đất đang có xu thế bồi dần lấn ra sông như vườn ông Nguyễn Thơ, Cao Hữu Khánh, Phạm Quế, Phạm Ngọc, Phạm Vị, Phạm Dũng, Nguyễn Xuân Kỷ, Cao Đức Giáp...

Tại đó, các nhà thầu cho chặt cây đang sống, chồng đá lên. Tổng diện tích đất không bị xói lở khoảng hai mẫu, tương đương với 2.000 m2 bị chặt phá. Những đoạn lở khác chưa làm.

Trận lũ quét tháng 8/2007 cuốn phăng một chiếc máy ủi nặng khoảng 15 tấn đang thi công trạm thủy điện Hô Hô thuộc xã Hương Trạch - Hương Khê đi xa khoảng 12km.

Số vườn này hầu hết chưa được đền bù về đất đai cũng như cây lưu niên nên một số hộ ngăn chặn, không cho ủi tiếp.

Năm 1991, dân địa phương dựng nhà trên vùng đất này, khi bờ sông Ngàn Sâu còn cách đường liên thôn dọc sông khoảng 150 mét. Phía ngoài đường là ruộng vườn, bao năm dân canh tác sinh sống trên cánh đồng ấy mà nay hàng chục hécta đất đã bị lũ cuốn trôi.

Bờ sông hiện giờ sạt lở tận ngõ nhiều nhà. Con đường xưa nhiều đoạn bị đứt. Hiện tại, gần 30 gia đình bị lũ đe dọa trực tiếp phải ra đi nhưng tiền đền bù chưa có.

Tiền dự án thành muối bỏ biển

Sông Ngàn Sâu có lưu vực thượng nguồn rộng lớn như Rào Rồng, Rào Tre, khe Cù Cu và nhiều khe suối khác. Tiếc rằng, rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề hàng chục năm nay. Những vùng đất trống đồi trọc và rừng nghèo kiệt thiếu độ che phủ, mỗi lần có mưa lớn là nước đổ về rất nhanh.

Hiện tại, với khoảng 250 gia đình với trên 700 nhân khẩu, xóm Tân Thành xã Hương Trạch, nằm kẹt giữa hai nguồn nước. Một phía là sông Ngàn Sâu hễ có mưa lớn là lũ tràn về. Một phía là đập nước khe Cù Cu, khi vùng núi Trà Sơn rừng đã bị tàn phá ít còn khả năng che phủ. Nếu mưa lớn xảy ra, xóm Tân Thành sẽ nằm trong hiểm họa.

Mười sáu tỷ đồng cho dự án, đáng ra, nếu đầu tư cho phương án di dân có hơn không? Khoản tiền 12 tỷ đồng mua được lượng đá, cát, xi măng xây một đoạn kè chừng vài trăm mét khi mùa mưa lũ đang đến chẳng khác nào hòa muối ra giữa biển.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.