Nguy cơ mất tiền tỷ vì công văn của ông Thứ trưởng

Nguy cơ mất tiền tỷ vì công văn của ông Thứ trưởng
TP - Một nhà đầu tư vi phạm quy chế đấu giá cổ phần, đã mất quyền mua cổ phần vốn Nhà nước trong Cty cổ phần, nhưng sau một năm rưỡi lại được chấp thuận cho mua theo giá cách đây một năm rưỡi.

Chuyện hy hữu này xảy ra tại Cty cổ phần (CP) Thực phẩm nông sản và du lịch (TPNS&DL) Thanh Hóa.

Nguy cơ mất tiền tỷ vì công văn của ông Thứ trưởng ảnh 1

Chuyện hy hữu “hậu” đấu giá

Thực hiện chủ trương của tỉnh Thanh Hóa bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Cty CP TPNS&DL Thanh Hóa, gồm 22.987 CP mệnh giá 100.000 đồng/CP, chiếm 35% trong tổng số 6,59 tỷ đồng vốn điều lệ của Cty này (các số liệu chốt đến 31/12/2005), tháng 2/2006, Sở Tài chính Thanh Hóa đã ra quyết định chọn Cty CP Chứng khoán Bảo Việt làm tổ chức trung gian để thực hiện việc bán đấu giá số CP Nhà nước nói trên một cách công khai theo đúng quy định hiện hành.

Sau đó, phiên đấu giá đã diễn ra công khai vào ngày 19/6/2006 với nhiều nhà đầu tư tham gia, và duy nhất ông Trịnh Xuân Nghiệm trúng đấu giá toàn bộ 22.987 CP chào bán, với mức giá 263.000 đồng/CP.

Chuyện sẽ không có gì để nói, nếu ông Nghiệm đến nộp tiền mua CP đúng hạn theo quy chế. Nhưng, quá thời hạn 15 ngày sau đấu giá, ông Nghiệm vẫn không đến nộp tiền, khiến Cty CP Chứng khoán Bảo Việt  buộc phải  gửi công văn khẩn đến các cơ quan chức năng cầu cứu và nêu rõ:

“Đây là trường hợp đấu giá phát sinh tương đối cá biệt từ trước tới nay do có người đầu tư đã đặt giá và được mua toàn bộ, rồi lại từ chối mua toàn bộ. Do đó, toàn bộ số lượng 22.987 CP được phép chào bán vẫn chưa bán được một CP nào...”.

Theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư là ông Nghiệm đã vi phạm quy chế đấu giá nên kết quả đấu giá của ông Nghiệm sẽ bị hủy, bị mất số tiền đã đặt cọc và số CP sẽ được bán cho những người trả giá cao liền kề.

Ngay khi biết tin này, các nhà đầu tư bị trượt trong phiên đấu giá có mức giá liền kề đã lập tức đến đăng ký mua lại toàn bộ số CP với mức giá cao, bởi vì 5 khu đất thuộc các vị trí đắc địa rộng hàng ngàn mét vuông ở trung tâm TP Thanh Hóa do Cty CP TPNS&DL đang quản lý và sở hữu đã  hấp dẫn họ.

Ngày 17/12/2007, thực hiện theo đề nghị tại văn bản 12844 của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao Sở Tài chính chỉ đạo Cty CP TPNS&DL Thanh Hóa  tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để giải quyết một số vấn đề liên quan nêu trong bài báo.

Và đáng ngạc nhiên, hơn một tháng sau ngày đấu giá, lúc nhiều nhà đầu tư khác đã nộp đơn xin mua toàn bộ cổ phần mà  ông Nghiệm đã từ chối mua, thì chính ông Nghiệm lại quay ra kiện đòi mua toàn bộ CP.

Lý do ông Nghiệm đưa ra để không nộp tiền đấu giá đúng quy định là bởi thông tin “Cty CP TPNS&DL Thanh Hóa phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ từ 6,59 tỷ lên 8 tỷ đồng”, khiến CP Nhà nước chỉ còn chiếm hơn 28% chứ không phải 35%!

Theo giải thích của HĐQT Cty CP TPNS&DL Thanh Hóa thì chủ trương tăng vốn điều lệ lên 8 tỷ đồng để giải quyết nhu cầu SXKD được Đại hội cổ đông thường niên của Cty (tháng 4/2006) biểu quyết thông qua.

Tuy nhiên, việc tăng vốn chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận (cấp đăng ký KD) nên đến nay, vốn điều lệ và tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước trong Cty không hề thay đổi.

Vả lại, mọi thông tin công bố về DN khi đấu giá đã được chốt đến ngày 31/12/2005. Theo HĐQT Cty, lý do ông Nghiệm đưa ra chỉ là ngụy biện cho việc vi phạm quy chế đấu giá, bỏ cuộc khi thấy “hớ” và quay trở lại khi thấy “ngon ăn”! UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã trả lời khiếu kiện của ông Nghiệm rằng: ông Nghiệm đã vi phạm quy chế đấu thầu và ông không còn quyền mua CP cũng như không được nhận lại số tiền đặt cọc.

Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng 

Nguy cơ mất tiền tỷ vì công văn của ông Thứ trưởng ảnh 2
Một trong 5 khu đất đắc địa của Cty CP TPNS&DL Thanh Hóa

Phiên đấu giá không thành công và đơn từ kiện cáo của các nhà đầu tư kéo dài suốt một năm rưỡi qua đã khiến các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa rất lúng túng và kinh động đến cả Bộ Tài chính.

Rất nhiều văn bản qua lại của các bên liên quan xin ý kiến và chủ trương xử lý. Ngày 12/10/2006, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12579 gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, khẳng định:

“Về nguyên tắc nhà đầu tư từ chối mua CP này sẽ không được nhận lại khoản tiền đặt cọc và cuộc đấu giá được xác định là không thành công... Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất  tạm dừng việc bán bớt CP Nhà nước để thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn cho TCty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước”.

Nhận được công văn này, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra văn bản số 4559 thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: “Giao Sở Tài chính khẩn trương triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính...”. Đến đây, những tưởng vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm, đúng quy định hiện hành. Nhưng không!

Ông Nghiệm tiếp tục khiếu kiện, đùng một cái, ngày 24/9/2007 Bộ Tài chính có Công văn 12844 (do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký), gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, với nội dung: “Việc công bố thông tin của Cty là không đầy đủ và trung thực...

Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Cty thực hiện theo hướng: Xem xét và chấp nhận cho ông Trịnh Xuân Nghiệm nộp tiền mua CP theo kết quả đấu giá đã công bố ngày 19/6/2006...”. Văn bản này có nhiều điểm mâu thuẫn và trái ngược hoàn toàn với văn bản của Bộ Tài chính trước đó (!?).

Hiện tại, khi giá cả đã leo thang suốt một năm rưỡi qua và các nhà đầu tư đang đề nghị phải tổ chức đấu giá lại (mức giá khởi điểm mà Cty đề nghị bằng với giá ông Nghiệm đòi mua là 263.000đồng/CP), dư luận đang lo ngại nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng tài sản Nhà nước tại Cty nếu thực hiện  cách giải quyết một cách khó hiểu của Bộ Tài chính?!

MỚI - NÓNG