Nguy cơ nhập rác công nghệ

Nguy cơ nhập rác công nghệ
TP - Ngày 13-7, kỳ họp HĐND TPHCM tiếp tục với phiên chất vấn lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nêu bất cập trong phát triển ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…

> Việt Nam có nguy cơ trở thành 'bãi rác lò cao'

Đại biểu Võ Văn Sen. Ảnh: LT
Đại biểu Võ Văn Sen. Ảnh: LT.

Đại biểu (ĐB) Võ Văn Sen nhận định: Khu công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) chưa đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng so với quỹ đất 40 ha và sự ưu ái về chính sách đầu tư TPHCM dành cho.

Được thành lập hơn 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Silicon Việt Nam chỉ đạt 30 - 40 triệu USD/năm. Nghe nói ở đây “nổi” nhất vẫn là việc theo học công nghệ của hàng chục nghìn sinh viên. “Chúng ta không được chọn con đường làm ăn bất chấp hiệu quả”, ông Sen nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nói, nếu dành 40 ha đất CVPMQT đầu tư kinh doanh địa ốc sẽ thu lợi rất lớn. Tuy nhiên, sản xuất phần mềm là một ngành khai thác chất xám. Nếu không quyết tâm đầu tư thì TPHCM sẽ không có ngọn cờ đầu của cả nước về công nghệ sản xuất phần mềm.

CVPMQT đã trở thành thương hiệu của quốc gia, được nhiều nước biết đến. Mô hình và hiệu quả của CVPMQT được các bộ chuyên ngành đánh giá rất cao. Đã có ít nhất ba tỉnh, thành muốn phát triển CVPM. Trong tương lai, Việt Nam sẽ phát triển được chuỗi CVPM từ mô hình CVPMQT.

Lúng túng công nghiệp phụ trợ

Trả lời chất vấn về phát triển công nghệ cao (CNC), Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nói rằng, các quy định hiện hành chưa phân định rõ thế nào là dự án CNC để địa phương làm cơ sở thẩm định, cấp phép nên có nguy cơ các nhà đầu tư đưa công nghệ lạc hậu vào và biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ.

Ông Hà cho biết, UBND TPHCM chủ trương giao cơ chế chủ động lớn nhất cho Ban quản lý Khu CNC. Về lâu dài, thành phố cần thành lập Sở CNC để tham mưu giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh.

ĐB Lê Trương Hải Hiếu băn khoăn: Được Đại hội Đảng bộ thành phố (khóa IX) xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ngành công nghiệp phụ trợ của TPHCM đang đạt đến mức nào? Theo ông Lê Mạnh Hà, TPHCM đang lúng túng trong việc xác định chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ.

“Quan trọng là phải sản xuất được cả sản phẩm cuối cùng. Nếu chỉ sản xuất phụ trợ, sản phẩm cuối cùng sản xuất ở một nước khác thì chỉ là gia công cho nước ngoài”, ông Hà nói.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH&ĐT làm nghị trường xôn xao khi cho biết năng suất sản xuất công nghiệp của TPHCM chỉ bằng 1/5 mức trung bình của khối ASEAN và 1/10 so với Singapore.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, sau một năm triển khai mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, báo cáo của UBND TPHCM cho biết mới chỉ dừng lại ở một số ý tưởng khiến nhiều ĐB, cử tri không yên tâm bởi theo Nghị quyết Đại hội Đảng, đến năm 2020, TPHCM phải trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Chiều cùng ngày, kỳ họp bế mạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG