Nguy cơ phải tiêu hủy hàng triệu con vịt nhiễm H5N1

Nguy cơ phải tiêu hủy hàng triệu con vịt nhiễm H5N1
Nhiều nghìn mẫu huyết thanh vịt ở TP Cần Thơ được gửi đi xét nghiệm đã cho kết quả 80% dương tính với vi rút H5N1. Đây là một tỷ lệ khiến người ta giật mình.

Sáng 12/4/2005, PV Tiền Phong hỏi cán bộ của Chi cục Thú y TP Cần Thơ: “Việc lấy mẫu xét nghiệm về mặt khoa học đã bảo đảm tính toàn diện cho cả đàn vịt của TP Cần Thơ chưa?”. Cán bộ này trả lời: “Bảo đảm”.

Hỏi tiếp về các biện pháp kỹ thuật trước thực trạng nguy hiểm này, thì cán bộ Chi cục Thú y chỉ lên lãnh đạo Sở NN - PTNT vì “quy định đầu mối trả lời báo chí trên đó”.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Quyền GĐ Sở NN - PTNT thành phố Cần Thơ cho biết: “Tình hình không chỉ riêng TP Cần Thơ mà nói chung cả đàn vịt ở ĐBSCL đều như thế. Bây giờ có tiêu hủy đàn vịt hay không thì tôi không dám trả lời vì vấn đề lớn và nhạy cảm, đang phải chờ chỉ đạo của cấp trên”.

Tiền Phong tìm gặp ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ phụ trách công nông nghiệp: “Tình hình đã nóng bỏng chưa, thưa ông?”. Ông Sơn nói: “Có gì nóng bỏng đâu! H5N1 đã được phát hiện trên cơ thể con vịt khá lâu rồi.

Chỉ đạo của Trung ương cũng đang cho hướng mở, tức là phân nhỏ đàn vịt và tiến hành tiêu độc, bên cạnh tạm đình chỉ việc ấp trứng, sản xuất vịt giống”. Nhưng việc tiêu độc chỉ là biện pháp hạn chế lây lan mầm bệnh chứ không có khả năng diệt trừ mầm bệnh đã có trong con vịt, chưa kể biện pháp ấy khó áp dụng với tập quán nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL?

Ông Sơn giải thích thêm: “Nhưng nó là mầm bệnh chứ chưa phát bệnh”. Tuy “nói cứng” vậy nhưng rõ ràng TP Cần Thơ đang lúng túng.

Nguy cơ phải tiêu hủy hàng triệu con vịt nhiễm H5N1 ảnh 1
 Những đàn vịt hàng nghìn con đang bơ vơ không biết đi về đâu. Ảnh: Thiên Phước

Sự lúng túng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, vi rút H5N1 phát hiện có trong vịt nhưng thường chưa phát bệnh, khác gà khi nhiễm H5N1 là hay phát bệnh chết. Dĩ nhiên cái mầm bệnh ấy ở gà bệnh hay ở vịt đang khoẻ mạnh thì đối với con người đều nguy hiểm như nhau.

Điều may mắn hiện nay là cơ chế truyền bệnh do vi rút H5N1 từ gia cầm sang người rất phức tạp, không phải hễ tiếp xúc là lây bệnh. Song điều may mắn này lại chứa nguy cơ đại họa nếu quá trình biến đổi liên tục của vi rút đến một lúc nào đó tìm được con đường truyền bệnh cho người đơn giản. Nên đặt vấn đề tiêu huỷ đàn vịt nhiễm H5N1 không phải là không cần thiết.

Nhưng vấn đề lại vượt tầm của một địa phương bởi những lý do kinh tế - xã hội và đây là nguyên nhân lúng túng kế tiếp. Gà nhiễm H5N1 dễ lăn ra chết không tiêu huỷ không được, còn vịt vẫn sống khoẻ mạnh nếu muốn tiêu huỷ phải có cơ chế, chính sách thích hợp để vận động người nuôi thực hiện.

Ông Trần Ngọc Nguyên cho biết: Tuần tới cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sẽ họp bàn về vấn đề này. 

MỚI - NÓNG