Nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh: Chất vấn thiếu 'lửa'

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh: Chất vấn thiếu 'lửa'
TP - Việc đưa ra nhóm vấn đề để trả lời chất vấn và chọn người chất vấn cần “trúng” vào những gì ĐBQH quan tâm và dư luận, cử tri, nhân dân đang muốn nghe, muốn biết. Nếu đi vào vấn đề trả lời cũng được, chưa trả lời cũng không sao thì không khí sẽ trầm.

> Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải làm tròn trách nhiệm của mình

TS Bùi Ngọc Thanh (nguyên Chủ nhiệm VPQH) nêu quan điểm như vậy sau khi là khách mời theo dõi trực tiếp tại hội trường phiên chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi ở Quốc hội.

TS Bùi Ngọc Thanh nói: Từ nhiệm kỳ QH khóa XII đến nay, số người trả lời chất vấn ít hơn, chỉ bằng nửa trước đây. QH dành 2 ngày rưỡi cho công tác này, nên mỗi người trả lời chất vấn có thời lượng trả lời dài hơn, có thể đi sâu vào một lĩnh vực.

Về các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, ông đánh giá như thế nào?

Tôi đánh giá là không khí chất vấn hơi trầm, nếu dùng chữ mạnh mẽ là “không bốc lửa”. Đến phần chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì đại biểu đưa vấn đề “nóng” khiến không khí sôi nổi hẳn lên. Ví như, ĐB Lê Như Tiến đặt ra vấn đề hiệu quả tái cơ cấu Vinalines, Vinashin, tham nhũng.

ĐB Trần Du Lịch đưa ra các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, bô-xít, những vấn đề xã hội đang quan tâm. Chúng ta đưa ra nhóm vấn đề chất vấn và chọn người chất vấn cần “trúng” những gì ĐBQH quan tâm và dư luận, cử tri, nhân dân đang muốn nghe, muốn biết. Nếu mình đi vào vấn đề trả lời cũng được, chưa trả lời cũng không sao thì không khí sẽ trầm và hiệu quả bị hạn chế.

Điều ông muốn góp ý là việc lựa chọn người trả lời chất vấn?

Việc lựa chọn người trả lời chất vấn rất quan trọng. Vấn đề chất vấn quan trọng nếu mình bỏ qua thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của ĐBQH, cử tri. Ví như, hiện nay đang tái cấu trúc nền kinh tế thì phải xử lý vấn đề số một, then chốt này để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Bộ trưởng còn báo cáo thành tích

Đối với nội dung các bộ trưởng đã trả lời, điều gì khiến ông còn băn khoăn?

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL hơi nặng về báo cáo thành tích mà không lưu ý nhiều về vấn đề xử lý thực trạng mà ĐB đặt ra. ĐB Nguyễn Thanh Hải có so sánh du lịch Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Singapore. Bên họ ít cảnh quan được thế giới công nhận, mình nhiều hơn nhưng xét về trình độ làm du lịch, Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều. Bộ trưởng không đi sâu vào đó để làm rõ nguyên nhân. Báo cáo thành tích thì ĐB không cần lắm vì đã có báo cáo chung của Chính phủ rồi.

Còn nội dung bộ trưởng nói, chúng ta đủ khả năng đăng cai Asiad và trong tương lai là Olympic, ông nghĩ sao?

Theo tôi, câu hỏi của ĐB về việc đăng cai Asiad cũng đáng suy nghĩ, tôi cho đây là một câu hỏi xác đáng. Trong lúc chúng ta đang phải xóa đói giảm nghèo, nền kinh tế đang khó khăn, nếu dành mấy trăm triệu USD làm để công việc như thế, về mặt văn hóa, du lịch thì có tác dụng nhất định, nhưng đăng cai sự kiện này có giúp thúc đẩy nền kinh tế hay không?

Các ĐB nói đúng, sau Seagames 23, các công trình thể thao cũng chưa sử dụng hoàn toàn theo mục đích ban đầu. Đăng cai Asiad, làm những công trình lớn như thế, sau mấy ngày xong rồi, sử dụng như thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề phải suy nghĩ.

Chưa có nhiều đối thoại

Ông nhận xét gì về câu hỏi của ĐB trong lần chất vấn này?

 Hiện nay, 8 ĐB hỏi, tổng cộng trung bình có 18 câu hỏi, dẫn đến có thể nguội vấn đề, bộ trưởng thì kể tình hình và diễn giải nhiều nên tính đối thoại giảm, không khí trầm lặng hơn 

TS Bùi Ngọc Thanh

Điều này phụ thuộc vào tư duy và trình độ của từng ĐB và điều kiện tiếp cận thông tin. ĐB phải nắm được nội dung, cộng với kỹ năng mới đặt được câu hỏi. Cùng thông tin đó, hỏi cách này hay cách kia, người ta sẽ trả lời khác. Do vậy, cách đặt vấn đề phải rành mạch, rõ ràng, khúc chiết, hướng cho người trả lời đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Anh đi lòng vòng một hồi rồi mới đặt câu hỏi thì nghe trình bày tình hình đã mệt mà không làm bật được nội dung câu hỏi. Điều này cần tiếp tục khắc phục.

Những khóa trước, tính đối thoại của ĐB và người trả lời chất vấn khá cao. Ví như ĐB Nguyễn Ngọc Trân sẵn sàng đứng lên hỏi đi hỏi lại 3-4 lần và rất sắc sảo, nhưng điều này dần thưa vắng, ông nghĩ sao?

Đúng là cách chất vấn hiện nay cũng có nhược điểm. Tôi cho rằng, chỉ nên 3 hoặc nhiều lắm là 4 ĐB hỏi một lần, sau đó người trả lời chất vấn trả lời ngay. Điều này vừa có lợi cho QH, vừa có lợi cho người trả lời. Nếu 7- 8 người hỏi một đợt thì quá nhiều câu hỏi, người trả lời không thể tư duy kịp và dễ bị động. Tôi cho rằng, cần hỏi ngắn và trả lời ngay. Hiện nay, 8 ĐB hỏi, tổng cộng trung bình có 18 câu hỏi, dẫn đến có thể nguội vấn đề, bộ trưởng thì kể tình hình và diễn giải nhiều nên tính đối thoại giảm, không khí trầm lặng hơn.

Phải có tranh luận giữa người trả lời chất vấn và người đặt câu hỏi mới ra được vấn đề, không khí mới sôi nổi.

Muốn đối thoại được thì cần bản lĩnh, trình độ của ĐB, thưa ông?

Đúng vậy! ĐB phải lăn lộn trong lĩnh vực đó, tư duy sâu sắc trong vấn đề đó, rồi phải tìm ra cái gì là mấu chốt nhất và thiết kế câu hỏi.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân - Nguyên Thảo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG