Nguyễn Đình Đầu và biển Giao Chỉ

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Tôi gặp nhà sử học Nguyễn Đình Đầu lần đầu tiên năm 2008, trong lúc tìm hiểu về nghiên cứu địa bạ ở Việt Nam. Khi đó, ấn tượng của ông tạo ra thật sâu đậm. Ông có tư duy độc lập nhưng lại rất khiêm nhường, luôn chọn cho mình cuộc sống ẩn dật giữa phong ba cuộc đời, chuyên chú vào công việc với nỗ lực đáng kinh ngạc và những phát hiện độc đáo.

Tuy vậy, trước việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, nhà sử học hơn 90 tuổi này đã không quản ngại xông pha chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Người quan sát lịch sử

Nguyễn Đình Đầu sinh ra ở Hà Nội, trong một gia đình công giáo được giáo dục cẩn thận. Tốt nghiệp Trường Bách Nghệ năm 1941, ông đồng thời cũng tham gia nhiều phong trào hướng đạo yêu nước.

Năm 1945, khi Cách mạng thành công, ông được cử làm bí thư (một chức tương đương thư ký, trợ lý hiện nay) cho Bộ Kinh tế lúc đó. Trong căn nhà ở gần nhạc viện tại TPHCM, ông nói với tôi: “Mình không phải là mẫu người làm chính trị, chỉ yêu thích khoa học, nhưng số phận đưa mình tham gia vào các sự kiện”. Nhớ lại những ngày đó: “Chính phủ phải đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng cụ Hồ luôn bình tĩnh, dứt khoát, giải quyết được tất cả khó khăn”.

Năm 1946 ông trong thành phần đoàn Quốc hội đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Năm 1951 du học ở Pháp và năm 1954 cùng đoàn trí thức đến ủng hộ Phái đoan Việt Nam, do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang dự Hiệp định Genève. Sang năm 1955, ông về Sài Gòn sinh sống. Ông kể: “Tôi bị chính quyền cũ nghi ngờ. Tôi chỉ có thể tham gia viết sách và giảng dạy ở trường học công giáo thôi”. Tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh cử ông Nguyễn Đình Đầu và một sô thành viên khác, đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.

Nguyễn Đình Đầu và biển Giao Chỉ ảnh 1

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

“Đất nước thống nhất, nhưng vẫn phải đối phó với những khó khăn mới – ông nói - lịch sử ngày càng chứng minh những điều chúng tôi đã dự cảm lúc đó, đặc biệt là sự phức tạp trong quan hệ với các nước láng giềng”.

Ông là một người nghiên cứu tự do, vì niềm đam mê và vì khoa học. Không ai thúc ép ông phải viết, không ai trả tiền để ông phải nghiên cứu, không vì tước vị, học vị. Làm nghiên cứu là bởi ông yêu công việc này. Nguyễn Đình Đầu được tặng hai giải thưởng uy tín là Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2005 cho công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn và Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2008 về địa lý học lịch sử.

Không để sót một “vi” đất của tổ quốc

Người ta biết nhiều đến học giả Nguyễn Đình Đầu như một nhà bản đồ học xuất sắc nhất, thật ra việc sưu tầm bản đồ xuất phát từ việc nghiên cứu sử địa chung.

Sau khi ổn định quốc gia, vua Gia Long cho chép địa bạ, ghi lại diện tích từng làng, vị trí, cách sử dụng, chủ sở hữu… của toàn bộ đất đai các làng xã Việt Nam. Bộ địa bạ bằng chữ Nho gồm 16.000 cuốn địa bạ về 16.000 làng xã, vốn nằm trong kho lưu trữ của triều Nguyễn, đã bị lãng quên do hoàn cảnh chiến tranh.

Sau năm 1975, Nguyễn Đình Đầu đã đầu tư công sức, tiền bạc, tổ chức sưu tầm, dịch, nghiên cứu kho địa bạ. Những người ở thư viện vẫn còn nhớ hình ảnh nhà nghiên cứu lớn tuổi cặm cụi bên trang giấy bản. Hơn một triệu trang giấy bản, thủ bút của khoảng… 16.000 người khác nhau!

Học giả Nguyễn Đình Đầu phát hiện nhiều điểm quan trọng trong chính sách điền địa thời trước. Điển hình là việc nhà nước phong kiến tiến hành công hữu hóa đất tư, một khi số đất tư trở nên quá lớn. Tỉnh Bình Định có đất tư nhiều nhất nước (tỉnh này chỉ có 7.000 mẫu công điền trong khi tư điền là 70.000 mẫu). Triều Nguyễn đã cắt một nửa diện tích tư điền Bình Định sung làm công điền và tiến hành viết lại địa bạ.

Nguyễn Đình Đầu cũng chứng minh quan lại thời trước rất ít ruộng đất. Trong 368 quan lại và tổng lý của huyện Bình Dương (nay là TPHCM), 74% không có đất tư, chỉ 9 người trong số họ sở hữu trên 10 mẫu ruộng.

Tất cả các làng xã Việt Nam hiện dần lên trong quá trình làm việc của ông. Ông làm sống lại những trang sử nông thôn, chi tiết đến từng viên đá đầu làng từng đặt chỗ nào. Ông kể: “Địa bạ nhà Nguyễn áp dụng thước đo đất đai của triều Lê, theo đó có mẫu, sào, thước, tấc, phân, ly, hào, hốt, ti, vi.?Trong đó 1 vi là 0,00000326393m2”. “Chỉ riêng việc nghiên cứu chuyển đổi diện tích từ đơn vị đo đất thời xưa sang hệ mét thời nay đã mất hàng năm trời”.

Người nhiệt huyết như ông cụ…

Gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vào tháng 6 năm 2014, nhân dịp xem triển lãm các bản đồ của ông về “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa” tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, thấy ông già yếu nhiều.

Ông nói: “Ốm quá, mấy hôm không đến được”. Người xem bảo nhau: “Người nhiệt huyết như ông cụ, còn được bao nhiêu đâu”. Ông tới bằng taxi, có người cháu đưa đi. Triển lãm được tổ chức một tuần, từ 3/6-8/6/2014, khách xem đông quá, thư viện kéo dài thêm một tuần nữa. Ông lại cho biết: “Người dân rất quan tâm, thành phố dự tính sẽ đưa triển lãm ra Nhà văn hóa Thanh Niên trưng bày phục vụ nhân dân được đông hơn”.

Nhân triển lãm, một cuốn sách chuyên về bản đồ chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam của ông cũng được ra mắt. Sách giới thiệu gần 200 tấm bản đồ, dày 368 trang khổ lớn (22,5 x 30,5cm) chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người được tặng cuốn sách này nhận xét: “Bác Nguyễn Đình Đầu là người có nhiều bản đồ có giá trị nhất về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Cuốn sách của bác giới thiệu nhiều tư liệu mới, quý giá”.

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã nhận xét sau khi xem triển lãm với số lượng bản đồ cổ lớn nhất từ trước tới nay: “Một tấm bản đồ chủ quyền có giá trị thì thuyết phục hơn nhiều bài viết dài dòng. Bản đồ chủ quyền tác động trực tiếp tới người xem và đó chính là đóng góp lớn của anh Nguyễn Đình Đầu trong bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa”.

Xác định lại biển Giao Chỉ

Cuốn sách và triển lãm về chủ quyền của Nguyễn Đình Đầu tại Thư viện Khoa học tổng hợp diễn ra tại TPHCM được nhiều người xem là “Công trình cả đời người” của nhà nghiên cứu lão thành.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói: “Không chỉ tâm huyết mà còn phải tốn kém rất nhiều tiền mới có được kho bản đổ cổ lớn như vậy”. Ai cũng biết việc sở hữu những tấm bản đồ xưa, độc bản là chuyện không hề dễ dàng.

Nguyễn Đình Đầu và biển Giao Chỉ ảnh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, tháng 6/2014ảnh: T.N.A

Triển lãm và cuốn sách tâm huyết, tập hợp những bản đồ cổ từ 500 năm đến nay. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm 1492, Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ, thì năm 1523 Tomé Prires viết sách Suma Oriental khám phá ra bờ biển Giao Chỉ Chi Na. Năm 1525, Diogo Ribeiro vẽ bản đồ nước ta với biển Đông trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa với tên gọi Pracel.

Nguyễn Đình Đầu khẳng định: “Nhiều bản đồ cổ Tây Phương các thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều không gọi biển Đông là biển Trung Hoa hay Nam Trung Hoa”. Vậy các bản đồ gọi biển Đông của Việt Nam như thế nào?

Dựa trên các nghiên cứu bản đồ, Nguyễn Đình Đầu đã thống kê từ năm 1525, tức là từ tấm bản đồ đầu tiên được thế giới vẽ đó, các bản đồ thế giới vẽ thường ghi tên nước ta là Giao Chỉ với các phiên âm khác nhau như Cochi, Cauchi, Cauci, Quachym, Cochin… Bản đồ cổ của Bồ Đào Nha còn ghi rõ thêm là Cochinchina - Giao Chỉ Giáp Tần (Trung Quốc), để phân biệt với nước Trung Hoa.

Thế kỷ XVI, khi đất nước chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài, thì các bản đồ vẫn ghi Đàng Ngoài là Tunquin (Đông Kinh) và Đàng Trong là Cochinchina. Không bao sự nhầm lẫn Cochinchina với China (Trung Quốc) được. Thời Pháp thuộc, người Pháp vẫn còn duy trì cách gọi Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam và Nam Kỳ là Cochinchine. Cochin chính là phiên âm chữ Giao Chỉ.

Kho tư liệu bản đồ của Nguyễn Đình Đầu đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam suốt 500 năm qua đối với biển đảo của mình. Yêu thương và bảo vệ từng “vi” đất và biển của dân tộc, trong cuốn sách bản đồ vừa được in, Nguyễn Đình Đầu viết: “Cuộc đấu tranh trên biển Đông và Hoàng Sa- Trường Sa vì toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam thật là cam go và phức tạp. Sao cho công lý và hòa bình cùng được thực hiện - đó là nhiệm vụ thiêng liêng của chính quyền và của mỗi công dân trong cương vị và khả năng của mình”.

Ước tính học giả này có không dưới 1.000 tấm bản đồ giá trị, tuy vậy học giả Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Tôi không phải người chơi bản đồ! Tôi sưu tầm phục vụ nghiên cứu khoa học”.

Nguyễn Đình Đầu và biển Giao Chỉ ảnh 3 Nguyễn Đình Đầu tham gia diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Nghiên cứu khoa học là để phụng sự đất nước

Tôi viết bài này khi sức khỏe của nhà nghiên cứu không thật tốt như những lúc ông tham gia diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Ông bảo: “Tôi không còn khỏe như trước nữa”.

Gần đây, một vài nhà nghiên cứu nói với chúng tôi rằng: “Làm khoa học thì cứ làm khoa học, không liên quan gì tới chính trị, thời sự” và từ chối đăng trên web của họ những bài tâm huyết bạn đọc gửi đến nói về chủ quyền biển đảo, trong khi trang web vẫn đăng không ít bài nhạc, thơ không liên quan gì đến khoa học của họ. Nguyễn Đình Đầu không phải mẫu người “khoa học” như vậy.

Nghiên cứu khoa học với ông chính là để phụng sự đất nước, ông không chơi bản đồ, không sưu tầm bản đồ để đi so đọ với các bộ sưu tầm khác, mà để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Khoa học, đối với ông là để phục vụ con người, phục vụ dân tộc và nhân loại.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.