Nguyễn Đình Quân, người luôn đứng về phe nước mắt

Nguyễn Đình Quân trong một lần ra Trường Sa.
Nguyễn Đình Quân trong một lần ra Trường Sa.
TP - Quá nửa đêm, chuyến xe đò Tuy Hòa- Phan Thiết thả Quân ven quốc lộ IA, tại Ngã Ba 46 cách tòa án huyện Hàm Tân (bây giờ là thị xã La Gi- Bình Thuận) mười tám cây số. Cô chủ quán cà phê không giấu vẻ thiếu ngủ đặt cốc cà phê lên chiếc bàn thấp cho người khách co ro trong chiếc áo khoác, rồi vội vàng quay lưng gieo người trên chiếc ghế xếp ủ lại hơi ấm.

Đó là một đêm về sáng giữa tháng 2/2000, sau tết Nguyên đán đúng một tuần, Quân vượt mấy trăm cây số nhằm tìm chứng cứ để phản bác thủ phạm thật sự của một tội ác diễn ra từ gần bảy năm trước không phải là các đối tượng mà cơ quan pháp luật Bình Thuận truy tố. Tội ác đó diễn ra vào rạng sáng ngày 19/5/1993- đêm định mệnh của bà Dương Thị Mỹ bị giết trong vườn điều ở xã Tân Minh và là đêm oan nghiệt của bao số phận của ba thế hệ bà- con- cháu, cũng là đêm khởi đầu bi thảm của cuộc đời những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba trong một gia đình bị đẩy vào vòng lao lý.

Tại tòa án huyện Hàm Tân, Quân được thấy dấu lăn tay trong hồ sơ ly hôn của bà Mỹ. Những đường vân tay rõ nét màu mực đỏ khẳng định người phụ nữ này không hề biết chữ, đúng như nguồn tin của người dân xã Tân Minh cung cấp cho nhà báo. Vậy mà trong cáo trạng người ta đọc hùng hồn trước các quan tòa oai nghiêm và các bị cáo nhẫn nhục câm nín trước vành móng ngựa, là bà Nguyễn Thị Nhung giặt quần áo cho chồng, phát hiện trong túi chồng mình lá thư hẹn hò của bà Mỹ nên nổi máu ghen tuông, huy động lực lượng hùng hậu gồm mẹ già, 2 em trai và 1 em rể, 2 em gái có đứa bụng bầu vượt mặt còn năm ngày nữa nằm ổ với 2 con trai, có đứa chưa đủ mười bốn tuổi, trang bị nhiều loại hung khí cùng đi giết một người phụ nữ trong một đêm tối trời.

Bà Mỹ không viết thư hẹn hò với tình nhân thì phải có một người nào đó viết thư giùm để cho bà có cơ hội hẹn hò với…thần chết! Một người phụ nữ sống ở gần nhà bà Mỹ đã làm chứng trước tòa có viết giùm thư cho bà Mỹ trong thời gian nằm ổ sinh con. Phóng viên báo Tiền Phong Nguyễn Đình Quân sau khi không tìm thấy sổ bộ khai sinh những đứa trẻ chào đời trong thời gian này ở Ủy ban xã Tân Minh và Phòng Tư pháp Hàm Tân vì bị…“thất lạc”. Trong khi lần tìm dấu vết chứng cứ quan trọng của vụ án là lá thư gây thảm họa cũng không có trong hồ sơ vụ án, Nguyễn Đình Quân đã phát hiện người phụ nữ này chuyển về ở một xã miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa. Quân lặn lội tìm đến tận trường tiểu học ở đây để chụp hình tấm giấy khai sinh đứa bé con của người phụ nữ từng là láng giềng của nạn nhân. Trước tòa, với chứng cứ là tấm giấy khai sinh để làm mốc thời gian, các luật sư đã giúp cho người làm chứng tạo nên tràng cười ồ cho mọi người vì người ta đã viết dùm thư hẹn hò khi mà bà Mỹ đã được chôn cất nửa tháng trước.

Nguyễn Đình Quân, người luôn đứng về phe nước mắt ảnh 1 Nguyễn Đình Quân (thứ 2, phải sang) trong giao lưu trực tuyến “Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”.

Lá thư hẹn hò là nguyên nhân dẫn đến vụ án nhưng không ai thấy lá thư này, kể cả…điều tra viên! Người viết giùm lá thư thì làm chứng hoàn toàn sai lệch về thời gian cầm bút viết thư! Những chứng cứ đầy sức thuyết phục mà Quân điều tra và tung lên báo Tiền Phong giúp cho nhiều đồng nghiệp sáng tỏ thêm các góc khuất của vụ án vườn điều, tạo thêm cơ sở để các luật sư bẻ gãy lập luận buộc tội giết người của 9 thành viên trong một gia đình, góp phần giúp những người cầm cán cân công lý chân chính có quyết định đúng pháp luật.

Tôi và Quân có nhiều kỷ niệm trong quãng thời gian 16 năm hai phóng viên Tiền Phong đồng hành cùng ông chủ tịch xã Nguyễn Thận và những nạn nhân của hai vụ án oan vườn điều và vụ án Huỳnh Văn Nén ở xã Tân Minh, từ lúc viết bài báo đầu tiên đến bài báo tường thuật các cơ quan pháp luật xin lỗi người tù oan hai vụ án Huỳnh Văn Nén. Tôi nhớ mãi ánh mắt của Quân khi hai anh em đến thăm các nạn nhân tù oan của vụ án vườn điều, sau ngày họ đoàn tụ với gia đình. Nghe họ kể về những hành hạ tinh thần và thể xác, hay khi nghe đứa con lớn của Nén kể chuyện hai đứa em trong một đêm khuya nào đánh nhau vì đứa này đã cắn tay đứa kia, bởi trong giấc ngủ chúng mơ giành miếng ăn do quá đói. Ánh mắt vừa đau thương và phẫn nộ, vừa xót xa và bất lực.

Một đêm hai anh em ngủ trên sàn gỗ nhà tôi ở Phan Thiết, tôi lại bắt gặp ánh mắt đó của Quân khi Quân thủ thỉ rủ tôi cùng viết một quyển sách về hai vụ án “nổi tiếng” ở Bình Thuận. Tôi đồng ý ngay vì biết Quân lưu trữ đầy đủ hồ sơ, hình ảnh từ đầu đến cuối cuộc hành trình đi tìm công lý cho những người thuộc ba thế hệ trong một gia đình, hai anh em chỉ cần chắp bút một thời gian ngắn là hoàn thành. Trong công việc, bao giờ Quân cũng đầy trách nhiệm, đi đến cùng sự việc và chí tình. Vụ án vườn điều đã kết thúc với số đông nhưng tôi biết hãy còn một câu hỏi mà Quân muốn tìm lời giải đáp: Người tù oan thì đã được giải oan nhưng ai trả lại công lý cho người bị giết? Ai đã giết bà Mỹ vào rạng sáng ngày mà bà phải đến tòa án huyện Hàm Tân để giải quyết vụ ly hôn?

Quân ơi! Mình biết nhiều nơi quanh Nha Trang là nhờ Quân giao chiếc Honda cho mình mỗi lần dự Trại sáng tác văn học ở thành phố biển. Cuối tháng 11 này mình có dịp trở lại Nha Trang dài ngày để dự một Trại sáng tác văn học nhưng Quân lại đi xa.           

(Phan Thiết, 8/11/2017)

Trong công việc, bao giờ Quân cũng đầy trách nhiệm, đi đến cùng sự việc và chí tình. Vụ án vườn điều đã kết thúc với số đông nhưng tôi biết hãy còn một câu hỏi mà Quân muốn tìm lời giải đáp: Người tù oan thì đã được giải oan nhưng ai trả lại công lý cho người bị giết? Ai đã giết bà Mỹ vào rạng sáng ngày mà bà phải đến tòa án huyện Hàm Tân để giải quyết vụ ly hôn?

MỚI - NÓNG