Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

TPO - Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần ảnh 1 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8 năm 2020 tại Hà Nội.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong Quân đội, trong đó có chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; mang cấp bậc hàm Trung tướng, Thượng tướng.

Tháng 6/1991 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 6/1992 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa VII) của Đảng, ông được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tháng 12/1997 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư.

Với sự đứng đầu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng khóa VIII được đẩy mạnh. Tháng 2/1999, lần đầu tiên T.Ư đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó yêu cầu các cấp uỷ đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách.

Nghị quyết cũng nêu rõ, khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp uỷ và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm.

T.Ư yêu cầu cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp cùng với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án phải nắm chắc tình hình và khẩn trương kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời đúng pháp luật những đơn tố cáo về đạo đức, lối sống tiêu cực của cấp uỷ viên và người đứng đầu các cơ quan, trước hết đối với Uỷ viên Trung ương, trưởng ban, bộ trưởng, bí thư cấp uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.

MỚI - NÓNG