Nhà báo Trần Đăng Tuấn 'hiến kế' lập kênh truyền thông cảnh báo tai nạn

Trẻ tắm sông tiềm ẩn nguy cơ chết đuối rất nhiều.
Trẻ tắm sông tiềm ẩn nguy cơ chết đuối rất nhiều.
TPO - Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Truyền hình An Viên (AVG) cho rằng, việc thành lập một kênh truyền thông tiếp nhận các cảnh báo về tai nạn thương tích, các vấn đề an nguy của xã hội là cần thiết.

Ý tưởng thành lập một kênh truyền thông (phát thanh được nối dài bởi multimedia) xuất phát từ hình ảnh hết sức nguy hiểm về những đứa trẻ thi nhau nhảy lao đầu xuống sông, hay những cậu bé thi ai đi nhanh và xa nhất dọc bờ thành rìa sân thượng chung cư cao tầng.

Chia sẻ trên trang facebook cá nhân ngày 4/6/2015, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết: 

“Một người bạn hết hồn kể cho tôi nghe chuyện chứng kiến bọn trẻ con đi lên cầu thi nhau nhảy lao đầu xuống sông, chỗ rất nhiều cọc đóng lởm chởm. Tôi cũng hết hồn khi nhìn thấy mấy cậu bé thi nhau đứa nào dũng cảm hơn bằng cách ai đi nhanh và xa nhất dọc bờ thành rìa sân thượng chung cư cao tầng. Nghỉ hè, không phải đến trường nữa, rất nhiều đứa trẻ phấn khích "hưởng thụ tự do" bằng hàng trăm cách cực kỳ nguy hiểm. Bố mẹ lo mưu sinh. Chẳng có tổ chức nào có thể đủ nhân lực để trông coi bảo vệ chúng.

Nhưng những trò nghịch dại ấy dù sao cũng diễn ra không chỗ này cũng chỗ kia, không người này thì người khác - như tôi và bạn tôi - nhìn thấy. Nếu không thể can ngăn chúng (vì có thể nhìn thấy nhưng đang di chuyển chẳng hạn, hoặc không thể vào khu vực đó), cũng có thể báo động để những người khác gần hơn can thiệp.

Tôi chợt nghĩ liệu những kênh phát thanh - kiểu như VOV giao thông - có thể thêm hình thức kêu gọi mọi người nhìn thấy những cảnh như thế thì gọi về số điện thoại của kênh, như khi họ vẫn thông tin về tình trạng giao thông. Sau đó kênh sẽ phát đi để ai đó (cảnh sát khu vực, bảo vệ, người dân trong cùng chung cư...) tình cờ nghe thấy ngăn trò nghịch dại.

Đến đây thì lại nghĩ: Sao không lập ra một kênh phát thanh chỉ để riêng cho những “báo động” dân sinh tương tự (không chỉ vì trẻ em)? Một kênh dạng 113 trên sóng (hay gọi luôn thế nhỉ?) sẽ khiến xã hội có thói quen vì nhau hơn. Và mặt khác (bệnh nghề nghiệp tý), rating chắc chắn sẽ cao, quảng cáo sẽ nhiều. Làm việc tốt nhưng cũng thu nhiều tiền đấy!

PS: Từ kênh phát thanh có thể lan toả vào các media khác. Và ai có điện thoại di động có thể là thông tín viên, phóng viên, MC tường thuật trực tiếp sự việc, sự kiện ngăn nạn, cứu người..."Nhuận bút" trả từ nguồn quảng cáo.”

Sau khi chia sẻ ý tưởng này, rất nhiều người đọc xong đã bấm “like” (thích) và thể hiện sự tán đồng, nhất trí ở dưới các bình luận. Đa số mọi người đều đánh giá cao ý tưởng của nhà báo Trần Đăng Tuấn và đề nghị cần triển khai sớm. 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn 'hiến kế' lập kênh truyền thông cảnh báo tai nạn ảnh 1

Chụp màn hình status trên facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn

Thử liệt kê một số bình luận: Ý tưởng hay quá! Mong có người thực hiện (Xiu Xiu); Ý tưởng của chú hay quá! Nếu thực hiện được thì hay biết mấy (Chung Luu); Tuyệt quá! Ý tưởng tuyệt vời (Oanh Vo Thi Kim); Ý tưởng rất nhân văn, tuyệt vời (Bùi Thanh Sơn)…

Không chỉ có những ý kiến bình luận thể hiện sự đồng ý, đánh giá cao ý tưởng của nhà báo Trần Đăng Tuấn mà còn có những bạn đưa ra đề xuất thực hiện. Bạn Nguyễn Thị Minh gợi ý: “Hệ thống loa xã, phường sẽ là chân rết rất tốt để truyền tải các thông tin cảnh báo”… Một số bạn đề xuất AVG triển khai luôn ý tưởng này. Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng hỏi một số đồng nghiệp ở Truyền hình An Viên và các đồng nghiệp sôi nổi tán thành và đã bắt tay vào xây dựng đề án.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn 'hiến kế' lập kênh truyền thông cảnh báo tai nạn ảnh 2

Hình ảnh trẻ con chơi những trò chơi mạo hiểm thế này rất phổ biến 

Nếu ý tưởng về việc lập kênh truyền thông này được triển khai, thì đây sẽ là kênh cảnh báo tai nạn, cảnh báo các sự cố có thể xảy ra trong đời sống thường ngày và hiện tại thì chúng ta chưa có. 

Nhiệm vụ của kênh này là thu thập các cảnh báo và xử lý ngay lúc đó qua các đầu số điện thoại đường dây nóng rồi kết nối với các nơi, chủ thể đang bị phản ánh. Từ đó sẽ ngăn chặn được rất nhiều các trò chơi nghịch dại của con trẻ hoặc các bất cập của đời sống.

Nếu chúng ta đang có kênh phát thanh VOV Giao thông giúp người đi đường cập nhật được tình trạng giao thông trên các tuyến đường để tránh tắc đường, tai nạn thì kênh truyền thông như nhà báo Trần Đăng Tuấn đề xuất chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, hạn chế được nhiều tai nạn đáng tiếc.

Từ thực tế nhìn thấy đến ý tưởng về kênh truyền thông cảnh báo tai nạn của nhà báo Trần Đăng Tuấn có thể thấy một vài nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn của trẻ em là do các em thiếu sân chơi, thiếu trò chơi để vui đùa, giải trí, nhất là vào thời điểm nghỉ hè, trong khi cha mẹ thì vẫn còn bận bịu mưu sinh.

Do vậy, việc thành lập một kênh truyền thông cảnh báo tai nạn là hết sức cần thiết. Và nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, người dân sẽ có một kênh truyền thông để phản ánh nhanh những tiềm ẩn hiểm nguy mà trẻ em đang đối mặt, từ đó những người có trách nhiệm biết sớm và kịp thời ngăn chặn.

Còn theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn, và là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

MỚI - NÓNG