Nhà chính trị đi trước nhà quân sự

Nhà chính trị đi trước nhà quân sự
Đó là cách định nghĩa của Đại bách khoa toàn thư Pháp (1987) về Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Nhà chính trị đi trước nhà quân sự

> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
> Có một nhà báo Võ Nguyên Giáp
> Vị tướng không nói về chiến thắng

Đó là cách định nghĩa của Đại bách khoa toàn thư Pháp (1987) về Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Người Việt Nam có thể hiểu đó là một cách nói lên sự thấm nhuần của Võ Nguyên Giáp về một điểm cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh ngay từ những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, cụ thể là về mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, nhân dân và quân đội, người và súng, tinh thần chiến đấu và trang bị kỹ thuật. Người trước - súng sau là quan điểm Cụ Hồ đã nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy
Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Hầu hết cán bộ quân sự Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp đều bắt đầu cuộc cách mạng bằng những hoạt động chính trị và khi chuyển sang lĩnh vực quân sự thì một số khá đông đã là đảng viên cộng sản, những cán bộ chính trị mặc áo lính, hoạt động quân sự, nhằm mục tiêu chính trị của Đảng, mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trường hợp điển hình. Ông từng là đảng viên cộng sản, một nhà chính trị nhiều năm trước khi lãnh sứ mệnh cầm quân.

Trong quá trình vận động chính trị quần chúng mà Cụ Hồ gọi là “nhóm lửa”, suốt mấy năm trèo đèo lội suối đem ánh sáng cách mạng đến với đồng bào vùng cao trong liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, là quãng thời gian ông Giáp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò cách mạng của quần chúng. Trong đông đảo nhân dân các dân tộc được ông giác ngộ, không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo ở địa phương, hoặc trở thành chiến sĩ Quân giải phóng sau khi nhận thức được mục đích chính trị của việc cầm súng. Từ đó, yếu tố nhân dân càng “bám rễ” sâu vào tư duy quân sự cách mạng của Võ Nguyên Giáp.

Trải qua nhiều năm kiên trì đến với dân, đến khi cách mạng đã có chỗ đứng chân trong nhân dân rồi, Hồ Chí Minh mới giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức Đội Quân giải phóng. Buổi đó Cụ Hồ dặn: “Dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được”. Cho nên, dễ hiểu vì sao bản lĩnh của nhà quân sự Võ Nguyên Giáp trước hết là bản lĩnh của nhà chính trị Võ Nguyên Giáp, người nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, nhận thức về mối quan hệ giữa hoạt động quân sự với mục đích chính trị của Đảng, nhận thức về quan hệ cá - nước giữa LLVT với quần chúng nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ tổ chức quân đội, ông đã dạy cho Đội vũ trang tuyên truyền nhỏ bé mới lọt lòng biết rằng, mọi hoạt động quân sự đều phải nhằm mục đích phát triển phong trào chính trị quần chúng và không được làm tổn hại đến phong trào chính trị quần chúng. Ngay từ buổi đầu, trong Mười lời thề, ông đã dạy cho các chiến sĩ du kích những điều cần làm và những điều cần tránh để duy trì mối quan hệ quân-dân-cá-nước. Trong quá trình chuẩn bị tiến lên khởi nghĩa vũ trang, mọi hoạt động của Đội vũ trang tuyên truyền đều hướng vào mục tiêu chính trị là động viên toàn dân đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật, giải phóng dân tộc. Tuy thời kỳ tiền khởi nghĩa chỉ diễn ra trong vòng gần nửa năm, nhưng khẩu hiệu “Khơi thêm nước cho cá vẫy vùng” do Tổng bộ Việt Minh đề xướng đã giúp cho Đội Quân giải phóng hiểu môi trường chính trị quần chúng quan trọng như thế nào đối với sự tồn tại, phát triển và hoạt động của đội vũ trang. Qua các trang viết của Võ Nguyên Giáp về những năm 1940-1945, cụ thể là các tác phẩm “Khu giải phóng”, “Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc”, người ta thấy nổi lên một điều, đó là yếu tố chính trị quần chúng luôn được ông hết sức coi trọng trong suốt quá trình vận động chính trị quần chúng tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Tổng khởi nghĩa, việc xây dựng cơ sở chính trị quần chúng làm chỗ đứng chân cho cách mạng, nơi nương tựa để hoạt động của các tổ chức vũ trang lại được ông tiếp tục coi trọng trong điều kiện mới, điều kiện đất nước đã giành được chính quyền, nhưng ngay sau đó chính quyền non trẻ ở nhiều địa phương không tồn tại trước sức ép từ nhiều phía của các loại kẻ thù. Kiên trì cử các đội vũ trang tuyên truyền lên Tây Bắc ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng để gây dựng cơ sở chính trị quần chúng; gợi ý cho cấp chỉ huy chiến trường Khu 5 phân tán một số đơn vị vũ trang đi vào vùng địch kiểm soát ở Nam Trung Bộ để vũ trang tuyên truyền, tranh thủ nhân dân, duy trì cho được thế “mất đất không mất dân”. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo cuộc đấu tranh để duy trì và phát triển cơ sở chính trị và vũ trang trong vùng sau lưng địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là ở các vùng dân tộc Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc, ở Thượng Lào, ở vùng đồng bào công giáo đồng bằng nam sông Hồng…, tất cả những biện pháp chiến lược đó đều chứng minh sự quan tâm của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến cơ sở chính trị quần chúng trước và trong chiến tranh. Khi quân ta chuyển lên đánh lớn, nhất là khi mở những chiến dịch trong hoặc gần vùng đông dân, bao giờ mục đích chiến dịch cũng có một nội dung quan trọng là tranh thủ nhân dân. Chiến dịch mở ra trong những vùng dân cư đặc biệt, như Tây Bắc, Thượng Lào, Hà - Nam - Ninh, bên cạnh mệnh lệnh quân sự bao giờ cũng kèm theo những điều quy định về kỷ luật dân vận. Điều đó giải thích vì sao khi quân ta về chiến đấu ở vùng như Phát Diệm, đồng bào giáo dân sớm nhận thấy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ khác hẳn những điều mà bà con bị chính quyền tay sai tuyên truyền xuyên tạc và các tầng lớp giáo dân sớm tỏ thái độ đồng tình và ủng hộ kháng chiến. Sau mỗi chiến dịch, trong chỉ thị của Tổng Tư lệnh về củng cố vùng mới giải phóng, bao giờ cũng đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, đề phòng địch trở lại khủng bố càn quét, đồng thời với nhiệm vụ nhanh chóng ổn định đời sống chính trị - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân.

Nhìn trên phạm vi toàn cục, quan hệ quân-dân-cá-nước đã trở thành truyền thống của quân đội và nhân dân ta, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Đạt được kết quả đó, ngoài yếu tố có tính quyết định là sự lãnh đạo và giáo dục chung của Đảng và của các tổ chức chính trị trong Mặt trận, việc Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng và hệ thống công tác chính trị trong quân đội để giữ vững kỷ luật dân vận có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì và củng cố mối quan hệ quân dân đoàn kết giết giặc cứu nước. Điều đó giải thích vì sao, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trong tác chiến cũng như trong xây dựng, Bộ đội Cụ Hồ, dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn được nhân dân ủng hộ. Ông đã giáo dục cho quân đội thấm nhuần một chân lý mà Cụ Hồ đã dạy: “Yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng, quân đội của nhân dân”.

Trong quan hệ với các nước bạn (Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc) có liên quan đến lĩnh vực quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao giờ Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng quan tâm đến yếu tố chính trị đối ngoại bình đẳng, hữu nghị, coi trọng tinh thần quốc tế cao cả.

Từ bài học thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, trong “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng”, khi nói về địa vị và tác dụng của lực lượng chính trị quần chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng mọi mặt của cách mạng, của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, là cơ sở để xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng. Nó là chỗ dựa vững chắc cho LLVT nhân dân tác chiến”.

Thành công của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hơn 30 năm cầm quân, trước hết là thành công của một nhà chính trị, thành công của sự khẳng định hoạt động quân sự phải phục vụ cho mục tiêu giải phóng dân tộc của Đảng, thành công của quan điểm luôn khẳng định sức mạnh của toàn dân là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đó đồng thời cũng là thành công của một nhà quân sự thường xuyên quan tâm giáo dục cho toàn quân truyền thống cội nguồn từ nhân dân mà ra và mục tiêu vì nhân dân mà chiến đấu, thường xuyên quan tâm duy trì, củng cố và phát triển quan hệ quân-dân-cá-nước, để quân đội luôn sống trong lòng dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, dù ở tiền tuyến hay hậu phương, thời chiến hay thời bình.

Cụ Luật gia Vũ Đình Hòe, một nhân sĩ trí thức tham gia chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu, đã nói về một khía cạnh chính trị khác trong con người nhà quân sự Võ Nguyên Giáp. Vũ Đình Hòe và Võ Nguyên Giáp đều là những thành viên của Quốc hội đầu tiên. Trong Chính phủ đầu tiên, Cụ Hòe là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, sau đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Văn nghệ về Võ Nguyên Giáp cuối năm 2005, Cụ nói: “Chính tư duy chiến lược quân sự - chính trị cùng với lòng nhân ái bao la của Bác Hồ đã thấm vào trí não, tâm can của vị Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, người học trò gần gũi và “ngoan ngoãn” nhất của Bác”.

Điều căn bản nữa cần phải nêu là Võ Nguyên Giáp đã luôn luôn cố gắng noi theo tinh thần đại đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh, đại đoàn kết vì đại nghĩa, vì chí nhân, cho nên Anh Văn được toàn quân tin yêu và nhờ cậy, được những người trí thức và toàn dân quý mến, kính trọng, được cả thế giới hâm mộ”.

Sử gia nước ngoài khi viết về hai cuộc kháng chiến của Việt Nam và về Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng thường đặc biệt quan tâm đến “chất chính trị trong nhà quân sự Võ Nguyên Giáp”. Điển hình là trường hợp J.Lacutuya (Jean Lacouture). Ông là nhà văn, nhà báo, phóng viên chiến trường, có mặt ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng và là một trong những người được ông Giáp tiếp rất sớm, chỉ ít ngày sau Tổng khởi nghĩa.

Viết về cuộc gặp đầu tiên đầu tháng 2-1946, sau khi nghe Võ Nguyên Giáp nói về quyết tâm chiến đấu vì mục tiêu chính trị của chiến tranh là độc lập dân tộc, J.Lacutuya nhận xét rằng: Ông Giáp nói về “độc lập” như một yêu cầu tối hậu. Ông cho hay, nếu không đạt được, Việt Minh sẽ phát động chiến tranh. “Chúng tôi không cho phép mình dừng bước bởi một hy sinh, bạo lực hay tàn phá”. Ông nhấn mạnh điều này, nên gây một ấn tượng mạnh đối với tôi….

Tại Hội nghị Đà Lạt, J.Lacutuya lại có dịp “tìm hiểu về nhà chính trị Võ Nguyên Giáp”. Sau này, J.Lacutuya viết: “Tại đây, ông lại thể hiện tài hùng biện cao cường của mình trong việc kịch liệt lên án cuộc chiến mà các đơn vị viễn chinh Pháp đang tiến hành ở Nam Bộ. Các cuộc tranh luận của ông với đối thủ của mình là P.Messmer (người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Đờ Gôn) đã diễn ra cực kỳ gay gắt, nhưng ông biết tiết chế lời lẽ của mình và trong suốt quá trình đàm phán, ông luôn tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau từ phía Pháp”.

Một chi tiết mà J.Lacutuya tiết lộ, như một khám phá về thiện chí thương lượng của ông Giáp. Mặc dù Hội nghị Đà Lạt đã thất bại, vậy mà như J.Lacutuya tiết lộ: Khi hiệu đính bài viết của mình, chính ông Giáp là người gợi ý cho tôi dùng cụm từ “sự bất đồng ý kiến trong hữu nghị” (Le désaccord cordial) để mô tả Hội nghị Đà Lạt. Năng lực chính khách cũng như chính kiến không khoan nhượng của ông thấm nhuần trong từng câu. Giải thích vì sao hồi đó người ta gọi Võ Nguyên Giáp là “ngọn núi lửa phủ tuyết”, J.Lacutuya viết: “Đó là hình tượng thể hiện sự pha trộn giữa nhiệt tâm cháy rực với những phán quyết lạnh lùng, tạo nên sức mạnh của con người này. Với Giáp, chúng ta cần mô tả thiên tài và niềm say mê của ông. Trong bộ quân phục là một con người nhỏ bé với cái đầu của một con sư tử và vầng trán của một nhà tư tưởng, một con người đã sử dụng bạo lực như nguyên liệu để xây dựng một dân tộc”.

Với bạn bè, nhất là với các nước châu Phi vốn cùng cảnh ngộ thì “con sư tử Võ Nguyên Giáp” lại có những tình cảm chính trị hết sức ưu ái. Chính phủ và nhân dân nhiều nước châu Phi có lòng mến mộ đặc biệt đối với cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ vì tài thao lược của một vị tướng với những bài học chiến lược về chiến tranh giải phóng trong quá khứ, mà còn vì sự quan tâm của nhà chính trị Võ Nguyên Giáp về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ hợp tác giữa châu Phi với Việt Nam.

Đại tướng giới thiệu với các đại biểu châu Phi một kinh nghiệm về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam bằng cách nhắc lại khẩu hiệu hành động mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho toàn dân Việt Nam: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.

Ông Võ Nguyên Giáp cũng không bỏ lỡ dịp để lý giải cho các vị khách phương Tây-kể cả những người hôm qua còn là kẻ thù của Việt Nam, biết rằng: Hàng chục thế kỷ nay, cả bạn lẫn thù đều không đánh giá đúng tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam, không đánh giá đúng sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Ngày 23-6-1997, trong cuộc tiếp cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra và một số quan chức quân sự cao cấp Mỹ, một thành viên trong đoàn khách hỏi ông Giáp một câu khiến mọi người chú ý: “Trong 30 năm chiến tranh, vị tướng nào được ông đánh giá cao nhất?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời rằng, chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ, còn bất kỳ vị tướng nào, dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Vị tướng mà ông Giáp đánh giá cao nhất là tướng nhân dân. Cũng như tướng Lơcle nửa thế kỷ trước, Ngài cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và các vị khách Hoa Kỳ khó mà hiểu hết được chiều sâu câu nói của người đối thoại-nhà chính trị lão thành, đồng thời cũng là nhà quân sự số 1 Việt Nam.

(*) Theo “Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2010.

Theo Trần Trọng Trung
QĐND

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.