Nhà cổ 200 tuổi vô giá của dân binh Hoàng Sa

Gần 2 thế kỷ trôi qua, ngôi nhà cổ vẫn vững chãi qua phong ba bão táp và lưu giữ những tư liệu quý về đội dân binh Hoàng Sa năm xưa trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngôi nhà cổ nhất của đảo Lý Sơn có diện tích 300 m2, mặt hướng ra biển ở thôn Tây, xã An Hải. Qua nhiều thăng trầm và sự khắc nghiệt của thời tiết, ngôi nhà hiện vẫn giữ nguyên vẹn kết cấu và kiến trúc xưa.

Có tiền cũng không làm được

Ông Dương Quang Định (67 tuổi, người đang trực tiếp cai quản ngôi nhà của gia tộc họ Dương) cho biết theo gia phả ghi lại, năm 1832, ông tổ họ Dương từ đất liền ra khai khẩn và định cư tại đảo Lý Sơn. 

Đến năm 1833, họ Dương khởi công xây dựng ngôi nhà từ đường. Cuối năm 1835, ngôi nhà xây xong. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, đời ông Định (hậu duệ đời thứ 6) tiếp quản ngôi nhà này.

Ngôi nhà cổ gần 200 năm của gia tộc họ Dương ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Ngôi nhà cổ gần 200 năm của gia tộc họ Dương ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Để xây được ngôi nhà cổ, ông tổ họ Dương cùng các bậc tiền hiền trong dòng họ đã vượt sóng, vận chuyển gỗ, vật liệu từ đất liền ra đảo trong nhiều năm. Khi khởi công xây dựng, gia tộc họ Dương phải bán hàng chục héc-ta đất, đó là chưa kể tiền của cùng hàng ngàn công lao động do con cháu đóng góp. 

“Ngôi nhà được làm bởi trên 50 m3 gỗ mít đỏ mua từ những cánh rừng già của tỉnh Quảng Nam rồi thuê nhân công vận chuyển ra đảo. Toán thợ mộc Kim Bồng nổi tiếng quần quật đục, đẽo trong suốt gần 2 năm mới hoàn thiện phần gỗ của ngôi nhà” - ông Định kể.

Ngôi nhà cổ được thiết kế gồm 3 gian chính với 24 cột gỗ có kích thước lớn và được làm theo kiểu “nhà rường đắp đất” cùng hệ thống cửa bàn khoa, cột kèo “rau muống” chạm hình đầu rồng hoặc đầu chim phụng. Cùng với đó là các hoành phi câu đối, án thờ chạm khắc hoa văn công phu, tinh xảo.

 Nhằm bảo tồn và gìn giữ ngôi nhà, mỗi năm, con cháu họ Dương phải góp của góp công trùng tu, sửa chữa. Bởi vậy, đã gần 200 năm tuổi nhưng ngôi nhà còn nguyên vẹn thiết kế ban đầu. Nhiều đoàn khách du lịch khi đến tham quan đều ngỡ ngàng vì sự độc đáo, lộng lẫy của ngôi nhà có niên đại cổ nhất trên đảo Lý Sơn.

Theo ông Dương Lan (80 tuổi; ngụ thôn Tây, xã An Hải; hậu duệ đời thứ 5 tộc họ Dương), giờ có tiền cũng không thể làm được ngôi nhà như thế này bởi toàn bộ ngôi nhà được làm thủ công với những thợ mộc có tay nghề cao.

Bảo tàng thu nhỏ

Ngoài sự độc đáo, hiện ngôi nhà còn được ví như một tác phẩm nghệ thuật, một bảo tàng thu nhỏ. Nơi đây cất giữ nhiều chứng cứ, tài liệu, được ghi trong gia phả nhiều đời liên quan đến các bậc tiền nhân của dòng họ Dương trong đội dân binh Hoàng Sa đã đạp sóng ra khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc dưới triều nhà Nguyễn.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá so với những ngôi nhà cổ có niên đại vài trăm năm tuổi ở Quảng Ngãi và một số địa phương trong cả nước thì ngôi nhà cổ của dòng họ Dương trên đảo Lý Sơn còn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu. Xét về góc độ văn hóa và lịch sử, đây là tài sản vô giá có giá trị vật chất, văn hóa lẫn tinh thần. Trong ngôi nhà này còn ghi lại tên tuổi nhiều thế hệ binh lính đã vâng lệnh vua ban ra trấn giữ Hoàng Sa.

Chị Mai Thu Hương, một du khách ở Đà Nẵng, cho biết dù đã đi nhiều nơi, được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều nhà cổ ở mọi miền đất nước nhưng chưa ngôi nhà nào còn giữ nguyên thiết kế ban đầu như nhà cổ ở Lý Sơn. “Những ngôi nhà cổ như thế này quả là hiếm, mong rằng chính quyền địa phương và ngành chức năng đầu tư hỗ trợ để bảo tồn, lưu giữ nhằm phục vụ khách du lịch” - chị Hương nói.

Cứu 24 nhà cổ đang xuống cấp

Ngoài ngôi nhà cổ của dòng họ Dương, ở đảo Lý Sơn còn hàng chục ngôi nhà cổ có cùng niên đại. Tuy nhiên, do thời tiết nơi biển đảo khắc nghiệt cộng với việc không được bảo tồn, gìn giữ nên nhiều ngôi nhà đang xuống cấp.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết hiện trên đảo có 24 nhà cổ “độc nhất vô nhị“ với niên đại từ 120 đến gần 200 năm. Chính quyền địa phương đã khuyến khích, tuyên truyền người dân bảo tồn, gìn giữ nhà cổ; đồng thời hỗ trợ để người dân có điều kiện trùng tu, sửa chữa giữ nguyên thiết kế ban đầu. 

Bởi theo ông Nguyên, ngoài kiến trúc, kết cấu, mỗi ngôi nhà này đều là những bảo tàng lưu giữ kỷ vật của các dân binh Hoàng Sa năm xưa.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG