Nhà công thành tư: Những quy định bị bỏ quên

Nhà công thành tư: Những quy định bị bỏ quên
TP - Việc chuyển biệt thự công vụ sang xin, mua theo NĐ61/CP của ông Hoàng Văn Nghiên; lấy nhà công cho ông Phan Văn Vượng ở; hay biến nhà công vụ thành sở hữu riêng của ông Lê Đức Thúy khiến dư luận rất quan tâm đến thực trạng quản lý tài sản Nhà nước. 
Nhà công thành tư: Những quy định bị bỏ quên ảnh 1
Những ngôi nhà công vụ trị giá lên tới cả triệu USD có nguy cơ bị "biến" thành nhà tư với giá rẻ đến không ngờ.

Theo tìm hiểu của Tiền phong, trường hợp trên trong suốt quá trình T.P Hà Nội giao cho ông Nghiên thuê, ông Vượng ở, hay chuyển đổi mục đích để ông Thúy sử dụng biến thành nhà ở vào thời điểm đó, Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính đều không được hỏi ý kiến.

Về trường hợp của ông Lê Đức Thúy, phải mãi sau này khi Ủy ban kiểm tra T.W có tham khảo Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản mới “vào cuộc” để rồi ra một kết luận ngắn gọn đại ý: “Lịch sử căn nhà như thế, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị như thế; và xin thẳng ý kiến Thủ tướng, không qua Bộ Tài chính”.

Với trường hợp thuê “biệt thự công vụ” với giá rẻ rồi đề nghị chuyển sang nhà ở theo NĐ 61/CP và tiến hành các thủ tục hợp pháp hóa mua nhà theo chế độ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của ông Hoàng Văn Nghiên, một quan chức (xin giấu tên Bộ TC), người từng phụ trách lĩnh vực này khẳng định: “Hà Nội làm như thế là vi phạm quy định. Việc không hỏi Bộ Tài chính là sai”.

Nhà công vụ, biệt thự công vụ - những tài sản “công” này được cơ quan quản lý nắm “giữ” thế nào?

Lần giở lại Quyết định 147/1999/QD-TTg ngày 5/7/1999 quy định về định mức tiêu chuẩn sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, điều 13 nêu rõ:

“Cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở làm việc theo tiêu chuẩn, định mức tại QĐ này có trách nhiệm quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo đúng quy định, tuyệt đối không được dùng trụ sở làm việc để cho thuê, sang nhượng, chia cho cán bộ công nhân viên chức, nhân viên làm nhà ở hoặc điều chuyển nhà, đất thuộc trụ sở làm việc không đúng thẩm quyền”.

Chỉ vài tháng sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tiếp tục ra một văn bản khác (số 20/1999/QĐ- BTC  25/12/1999) về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan HCSN.

Được biết văn bản trên cho đến thời điểm này vẫn tiếp tục còn hiệu lực, chúng tôi xin trích dẫn một số ý của  Điều 6, Chương III quy chế này. Theo đó:

“Các cơ quan HCSN được Nhà nước giao quản lý sử dụng trụ sở làm việc nếu không được phép của cơ quan Nhà nước tuyệt đối không được: sang nhượng, góp vốn liên doanh, cho thuê dùng vào sản xuất kinh doanh dịch vụ, phân cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích khác”.

Như vậy, có thể thấy việc cố ý chuyển mục đích sử dụng ngôi nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công năng sang nhà tư xét tại các quy định trên rõ ràng là có sai phạm.

Bạn đọc có thể đặt ra tình huống: Phải chăng vì biết nếu “chiểu” theo đúng văn bản này thì căn nhà trên sẽ rất khó được chuyển đổi mục đích và phải mất thời gian lòng vòng nên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cố tình đi đường tắt, cắt bỏ thủ tục xin ý kiến của Bộ Tài chính để trình thẳng lên Thủ tướng một văn bản lập lờ  với những yếu tố chỉ “lợi” cho người xin nhà.

Liên quan đến Quy chế quản lý và sử dụng nhà ở công vụ, nguồn tin chính thức từ Bộ Tài chính cho hay: Quy định này sẽ chỉ do mình Bộ Xây dựng chủ trì.

Trong một văn bản trình Chính phủ cách đây ít lâu, Bộ Tài chính đã chính thức xin phép Thủ tướng không phụ trách soạn thảo quy chế này nữa với lý do Luật Nhà ở đã có một phần khá dài (mục 5 từ điều 58- 61) về phát triển quỹ nhà ở công vụ, vì vậy để Bộ Xây dựng làm tiện hơn.

Riêng vấn đề này, trao đổi với Tiền phong, ông La Văn Thịnh, Trưởng phòng Tổng hợp Cục Quản lý công sản cho biết: “Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Quản lý tài sản Nhà nước (Tài sản công), dự kiến ban hành sẽ báo cáo xin ý kiến Quốc hội vào cuối năm 2007. Luật này sẽ điều chỉnh tất cả những gì thuộc sở hữu Nhà nước mà trong đó nhà công vụ, biệt thự công vụ sẽ không là một ngoại lệ”.

Sử dụng nhà công vụ - Gây lãng phí thì phải bồi thường

Luật Thực hành tiết  kiệm chống lãng phí mới được ban hành và có hiệu lực từ 1/6/2006 có một phần quy định về nhà công vụ.

Theo đó, người sử dụng nhà công vụ sau khi hết thời gian (đương nhiệm và trách nhiệm) thì trả lại nhà. Nếu vi phạm (ví như cố tình dây dưa kéo dài thời gian không trả lại nhà khi đã hết hợp đồng thuê hoặc đã có công văn  đòi mà kéo dài chậm  trả) thì sẽ bị xử phạt.

Theo một quan chức Vụ pháp chế (Bộ Tài chính), trường hợp không còn đương chức mà vẫn đang ở hiện tại của  ông Hoàng Văn Nghiên, thành phố Hà Nội cần phải ra một quyết định nhắc nhở ông Nghiên để thu hồi lại nhà.

Nếu như việc trả lại nhà bị chậm trễ, gây lãng phí (phải có một hội đồng tính toán) thì phải bồi thường. Còn trường hợp biến nhà công thành nhà tư của ông Lê Đức Thuý, việc điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Luật Đất đai.

MỚI - NÓNG