Nhà công và trạng thái 'nhà ông'

Nhà công và trạng thái 'nhà ông'
TP - Hai trạng thái rõ rệt đang diễn ra với những quan chức đã hết nhiệm kỳ công tác hoặc đã nghỉ hưu trước vấn đề trả lại nhà công vụ hay tiếp tục “cố thủ” ở lại.

Trao đổi với PV Tiền Phong, những cựu quan chức đầu tiên dũng cảm đứng ra trả lại nhà công vụ đều khẳng định cảm thấy rất nhẹ nhõm khi tuân thủ quy định của pháp luật: Về hưu, trả nhà. 

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên xác nhận gia đình ông cũng phải tự bỏ tiền sửa chữa nhiều lần, và mua sắm vật dụng mới. Nhưng khi trả nhà, tiền đã bỏ vào sửa xem như bỏ hết, chỉ lấy một số vật dụng chuyển đi được (bàn ghế, giường, tủ).

Ông thấy nhẹ nhõm khi trả lại căn nhà công vụ, mà với người dân ở các đô thị, thậm chí ngay cả với không ít các cựu quan chức, “của trên trời rơi xuống” không phải ai cũng có được.

Điều khẳng định đương nhiên, những quan chức được phân nhà công vụ là những người đã có nhiều đóng góp. Băn khoăn, day dứt khi phải nói lời chia tay với căn nhà công vụ bấy lâu nay gắn bó là cảm giác có thể cảm thông. 

Nhưng nêu lý do: Trả nhà biết ở đâu; Bỏ hàng trăm triệu tiền tu sửa nhà để ở (không loại trừ có trường hợp bỏ tiền sửa nhà công vụ để ở cho sang hơn) nay phải chuyển đi giống như bị dứt ruột, mất tiền… dường như là cách “tư duy lạ” đối với những cựu quan chức đã nhiều năm được hưởng nhiều ưu đãi. 

Hai trạng thái cũng thể hiện rõ đối với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trong khi bản thân một số cựu quan chức cảm thấy nhẹ nhõm, đại diện cơ quan được giao quản lý là Bộ Xây dựng lại tỏ ra khá băn khoăn. Những vấn đề nóng hơn cả lại không được đại diện Bộ Xây dựng đề cập tới: Cán bộ hết điều kiện, không trả nhà thì sẽ thu hồi thế nào? Có phải cưỡng chế hay không và hình thức cưỡng chế thế nào? Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính lại tỏ ra khá quyết liệt trong việc không để tài sản công bị lãng phí, sử dụng sai mục đích. Đại diện Cục Quản lý công sản đề nghị cần mạnh tay thu hồi, thậm chí có thể tính đến cưỡng chế, nêu danh các cựu quan chức không chịu trả nhà.

Sẽ rất đụng chạm, rất tế nhị, thậm chí có thể có căng thẳng trong việc đòi lại nhà công vụ. Nhưng sự tế nhị, nhạy cảm khi công khai danh tính các cựu quan chức đang ở nhà công nhưng lại muốn biến thành “nhà ông” cũng rất cần thiết. Hơn ai hết, từng giữ các chức vụ cao, các cựu quan chức đều ý thức được việc thượng tôn pháp luật. 

Họ cũng cần hiểu rằng, nhà công vụ không được trả lại sẽ buộc Chính phủ và các địa phương phải tìm kiếm, thậm chí xây dựng thêm những khu nhà công vụ mới. Cái giá phải trả cho tư duy “biến công thành tư” này sẽ tiêu tốn nhiều tỷ đồng của ngân sách đang phải chật vật cân đối thu chi trong suốt thời gian qua. 

Hy vọng rằng, một tấm gương đi đầu sẽ kéo theo những hành động đúng. Sự dũng cảm, hy sinh từ bỏ “quyền lợi” sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các quan chức khác cũng như giúp tiết kiệm số tiền không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.