Nhà công, xe công, đất công: Nước trong phải từ nguồn...

Nhà công, xe công, đất công: Nước trong phải từ nguồn...
Nước trong phải từ nguồn, trên nghiêm dưới mới nghiêm. Với tình hình hiện nay, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, các UV TƯ , thành viên Chính phủ nêu gương tiết kiệm, chống lãng phí là đòi hỏi vô cùng cấp bách!

>> "Biến" nhà công thành nhà tư

Có thể khẳng định dứt khoát: muốn ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay, trước hết nghiêm phải từ bên trên. 

Cục Quản lý công sản (QLCS - trực thuộc Bộ Tài chính) thành lập từ năm 1995 để lập lại trật tự trong việc sử dụng công sản và hạn chế lãng phí công sản đã đến mức quá quắt.

Cục QLCS đã rà soát, thống kê xe công, nhà công, đất công ở từng bộ, ngành, từng tỉnh, TP nhưng mua và bán công sản, sử dụng công sản vẫn do từng cơ quan quyết định, còn Cục QLCS dường như không có thực quyền.

Ở Pháp, các quan chức trong chính phủ và mọi công sở trên cả nước muốn đổi nhà, thay xe công phải báo cáo với Cục QLCS Pháp (bộ nào cũng có người của Cục QLCS). Cục QLCS khám xe thấy xe đã cũ cần thay thì mới có xe mới. Nhà cũng vậy, phải qua Cục QLCS để tránh lĩnh nhà mới khi nhà ở đã đủ tiêu chuẩn.

Chi tiêu ngân sách nhà nước thoải mái

Ta có ba bộ máy: Đảng - Nhà nước - đoàn thể, bộ máy nào cũng có quyền chi tiêu ngân sách nhà nước thoải mái. Tại hội nghị nghiên cứu nghị quyết Đại hội lần VIII ngày 5-3-1997, Tổng bí thư Đỗ Mười đã phê phán gay gắt các cơ quan từ cấp huyện đua nhau mua sắm hàng ngoại đắt tiền, ngay nhà vệ sinh cũng dùng loại đắt tiền của ngoại. Ông nói: “Tôi không muốn dùng ôtô sang trọng, đắt tiền nhưng Ban Tài chính quản trị trung ương đòi hỏi tôi phải nhận, lấy cớ các cấp bên nhà nước có xe sang trọng thì cấp cao bên Đảng không thể từ chối”.

Hồi đó đã có ý kiến cần có kỷ luật nghiêm khắc đối với trưởng Ban Tài chính quản trị trung ương vì đáng lẽ phải tạo mọi điều kiện để lãnh đạo Đảng nêu gương tiết kiệm, lại gây sức ép đòi tổng bí thư và một số đồng chí lãnh đạo khác phải loại bỏ xe đang dùng còn tốt để nhận xe “xịn” hơn, kể cả nhà ở đã đủ tiêu chuẩn vẫn chuyển sang nhà khác rộng rãi, bề thế hơn.

Kháng chiến, đường ở đâu cũng xấu, rất cần xe mới, đỡ xóc, êm hơn, nhất là với người cao tuổi như Bác Hồ, nhưng cho đến cuối đời xe của Bác cũng vẫn cũ hơn nhiều xe khác vì xe còn dùng được, Bác không cho thay xe. Tổ chức thiết tha đề nghị Bác Hồ dùng xe mới để đảm bảo sức khỏe, Bác giải thích “trên không nêu gương bảo dưới làm sao được”.

Năm 1997, một lần nữa Chính phủ đòi hỏi Bộ Tài chính phải có qui chế chặt chẽ sử dụng công sản, không thể kéo dài tình trạng cơ quan nào muốn mua bao nhiêu công sản cũng được, ở đâu dân cũng thắc mắc công sản cán bộ dùng như của riêng. Bộ Tài chính đã gửi qui chế sử dụng công sản lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông qua.

Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 1999, có đoạn đáng chú ý như sau: “Đặc biệt Bộ Tài chính cần chỉ đạo để thực hiện tốt hơn những qui chế đã đề ra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ví dụ về vấn đề sử dụng ôtô hiện nay có một số ý kiến cho rằng qui định mới về vấn đề này chưa phù hợp, có thể gây lãng phí hơn. Qui định về chỗ làm việc của cán bộ cơ quan nhà nước cũng chưa phù hợp, theo qui định này thì rất nhiều nơi phải xây dựng thêm trụ sở làm việc”.

Xây dựng qui chế gần một năm, dự thảo qui chế thông qua đến lần thứ 8, thứ 9 mới xong, cứ tưởng tốn thời gian và công phu như vậy thì qui chế sẽ chặt chẽ, đâu ngờ “thà không có qui chế còn hơn”. Đảng và Chính phủ quyết tâm thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm tài sản nhà nước nhưng vẫn “lực bất tòng tâm” vì lãng phí lớn đều ở bên trên. Từ đó không còn giới hạn nào nữa, ngân sách nhà nước tiếp tục như “của chùa”.

Liên hoan mừng công đón huân chương, mừng các ngày thành lập ngành, cơ quan, năm chi tiêu ngân sách cao nhất 500 tỉ đồng, còn bình quân năm nào cũng trên dưới 100 tỉ đồng. Nhà công biến thành nhà riêng ngày càng nhiều, nơi nào cũng ra sức “phát huy” cách làm giàu nhanh nhất. Tất nhiên phải là cán bộ có chức quyền mới được hưởng giá mua rẻ hơn giá thị trường năm, bảy hoặc mười lần, mỗi vị được cấp sổ đỏ nắm chắc có năm, bảy tỉ đồng, và còn hơn nữa. Đời cán bộ có nổi cây vàng khó lắm, nhưng thiếu gì cán bộ lãnh đạo bán nhà kiếm hàng nghìn cây vàng.

Cán bộ mỗi lần lên lương, lên chức lại đổi nhà, thay xe, nhất là sau mỗi đại hội Đảng, tiếp theo họp Quốc hội bầu các vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Đại hội Đảng lần IX (2002) cũng chuẩn bị nhà và xe. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh không nhận nhà mới, nhà ông đang ở đủ tiêu chuẩn rồi. Tổng bí thư nêu gương, nhưng rất tiếc một số ông mới lên chức không theo gương ông.

Ngay sau đại hội X, Bộ Chính trị đã có công văn số 03-CV/TƯ yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương (chính thức và dự khuyết) chỉ đạo và gương mẫu thực hiện việc tiếp tục sử dụng ôtô, phương tiện, nơi làm việc, nhà ở công vụ hiện đang sử dụng, không thay đổi, mua sắm mới.

Dân biết cả, dân biết chi li, dân chỉ mong những ông đang làm giàu nhờ nhà công thành nhà riêng, những ông đang bê bối về nhà cửa không nên để tham gia công tác chống tham nhũng, những ông này kêu gọi chống tham nhũng thì dân khổ lắm.

Sự thật đau lòng

Nước trong phải từ nguồn, trên nghiêm dưới mới nghiêm. Với tình hình hiện nay, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, các ủy viên trung ương và thành viên Chính phủ nêu gương tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, chống lãng phí là đòi hỏi vô cùng cấp bách! Có thể khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát: muốn ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay, trước hết nghiêm phải từ bên trên.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết: ôtô mua vượt giá qui định phải bãi sông Hồng mới chứa hết. Cùng năm 2004, Viện Kinh tế học và Tổ chức Action Aid vùng châu Á đã điều tra, tìm hiểu cuộc sống những hộ cùng khổ, còn gọi là hộ đói kinh niên. Tài liệu cụ thể sưu tầm tại chỗ làm nhiều người giật mình: các hộ mỗi năm chỉ kiếm đủ lương thực bảy, tám tháng vẫn đóng thuế đều đặn.

Bão Xangsane tàn phá khốc liệt miền Trung. Nhà nước hỗ trợ miền Trung 50 tỉ đồng và 1.500 tấn gạo, trong đó Quảng Ngãi được hỗ trợ 5 tỉ đồng, Quảng Trị 3 tỉ đồng. Thế nhưng hai ông lãnh đạo mới về hưu đã có tiêu chuẩn xe công phục vụ suốt đời, vẫn tưởng xe của hai ông dùng còn tốt, tiếp tục được dùng, nhưng Nhà nước lại mua cho mỗi ông một xe mới giá 2,5 tỉ đồng/xe. Hai xe là 5 tỉ đồng (bằng tiền hỗ trợ bão lụt cho Quảng Ngãi, gần gấp đôi tiền hỗ trợ cho Quảng Trị).

Đà Nẵng được hỗ trợ 20 tỉ đồng, dư luận trong dân và cán bộ đã tính toán: chỉ cần hai hoặc ba ông được mua nhà công vụ, biệt thự công theo giá mua quá rẻ, sau khi có sổ đỏ mấy ông ấy cũng kiếm được số tiền ngang với tiền hỗ trợ bão lũ cho Đà Nẵng.

Riêng Hà Nội, hiện nay hơn 6 triệu m2 nhà đất công bị sử dụng sai mục đích, làm thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Qua phong trào cả nước cứu trợ, quyên góp giúp miền Trung, chúng ta thấy tính thành tiền dân và Nhà nước hỗ trợ miền Trung chưa chắc đã bằng một phần trăm tiền lãng phí tài sản nhà nước. Tiền của dân vẫn đang đổ vào những nơi thừa ăn hơn là những nơi thiếu ăn.

Muốn xoay chuyển tình hình, cần xây dựng chính sách, qui chế sử dụng công sản đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm, trước hết tập trung vào mấy công sản quan trọng nhất: nhà công (nhà công vụ, biệt thự công), xe công, đất công.

Dự thảo chính sách, qui chế cần đưa ra bàn tại Quốc hội và công khai để dân có ý kiến. Chính sách, qui chế cần rất chặt chẽ kèm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng từng thứ công sản và cần được trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ nêu gương, thực hiện đến nơi đến chốn. Chưa bao giờ bài học nêu gương của Bác Hồ qua việc Người sử dụng xe công lại rất thời sự và thấm thía với chúng ta bằng lúc này.

Theo Thái Duy
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG