Nhà máy chế biến mủ cao su đe dọa cuộc sống người dân

Nhà máy chế biến mủ cao su đe dọa cuộc sống người dân
TP- Xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, song không tính toán dài hơi về nguồn nguyên liệu, không lường trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và dân sinh... dẫn đến đe doạ cuộc sống của người dân xung quanh.

Đó là thực tế đang xảy ra tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nơi đây đã và đang mọc lên 3 nhà máy chế biến mủ cao su (cả tỉnh Quảng Trị hiện có 5 nhà máy) với bao bức xúc đang đặt ra...

“Chết ngạt” vì nhà máy sát khu dân cư

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Sửu than thở: “Ngoài Nhà máy chế biến cao su Trường Anh công suất 6.000 tấn mủ/năm đã hoạt động được 3 năm nay có thêm 2 đơn vị được cấp phép xây dựng Nhà máy chế biến cao su trên địa phận xã là Cty cổ phần cao su Bến Hải với nhà máy công suất 4.500 tấn mủ/ năm và Doanh nghiệp tư nhân Trần Dương công suất 500 tấn/năm.

Sự tình khổ quá mấy nhà báo ơi! Chắc cả xã sẽ “chết ngạt” bởi mấy nhà máy ni đều nằm gần khu dân cư, đặc biệt là nhà máy đang xây của Cty CP cao su Bến Hải  thuộc địa phận thôn Quảng Xá”.

Sau những lời than của Chủ tịch Sửu, chúng tôi lên đường “mục sở thị”. Đập vào mắt, sát nách nhà máy giấy đã bị đóng cửa do thua lỗ nằm bên dòng sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Long là ầm ào xe, máy đang thi công xây Nhà máy chế biến cao su của Cty cổ phần cao su Bến Hải.

Theo ông Sửu, trước đây nhà máy giấy đã gây ô nhiễm môi trường, người dân kêu nhiều về nước thải ra sông, mùi hôi, khói bụi bay vào khu dân cư trong vùng.

Ông Sửu còn nói thêm, mặc dù nhà máy giấy đã gây ô nhiễm như thế, nhưng nay vẫn tiếp tục cấp giấy phép xây nhà máy chế biến cao su bởi ở đó những vị có trách nhiệm cho rằng “đúng quy hoạch của huyện” (?!).       

Ông Nguyễn Văn Dự ở làng Thống Nhất, nhà cách Nhà máy cao su tương lai chưa đầy 500 mét, lo âu: “Nhà máy sắp xây dựng này áp mặt tiền ga Sa Lung, ngay bên mép sông Sa Lung, sát khu dân cư. Nhà máy cao su của Cty Trường Anh cách đây 2 - 3 cây số đường chim bay nhưng dân làng vẫn phải chịu mùi hôi từ đó. Rứa mà nhà máy ni ngay đây làm sao dân chịu nổi mùi hôi thối được!".

Nhiều bà con dân làng Thống Nhất có mặt tại nhà ông Dự cũng “kêu trời”: Nguồn nước sông Sa Lung bị nguồn nước thải nhà máy giấy làm cho sủi bọt như xà phòng, đen ngòm, hôi thối lắm! Trên sông hiện không còn ai đơm tôm cá nữa bởi có con cá nào sống nổi trong thứ nước đó.

Chính quyền tỉnh, huyện nói gì?

Từ mối quan ngại “đầu vào” cho sản phẩm (lượng mủ trên địa bàn mới chỉ đáp ứng 60% cho các Nhà máy chế biến cao su, số còn lại doanh nghiệp (DN) phải chạy mua ở ngoài tỉnh) đến gây ô nhiễm môi trường đang đặt ra vấn đề cấp giấy phép xây dựng các NNhà máy chế biến cao su ở Vĩnh Long.

Chúng tôi hỏi Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Lê Đức Yên thì nhận được câu trả lời: “Trước hết chưa bàn tới vấn đề ô nhiễm hay không bởi vấn đề này đã có cơ quan hữu quan thẩm định và xử lý. Còn tại sao trên địa bàn có nhiều dự án xây dựng Nhà máy chế biến cao su thì khẳng định rằng, huyện không có quyền cấp giấy phép đầu tư mà chỉ được xem xét dự án và đồng thuận cho xây dựng”.

Vậy thì căn cứ vào đâu để huyện đồng thuận về dự án? Ông Yên: “Đó là những dự án nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Ví như nhà máy của Cty TNHH một thành viên Trường Anh, Cty cổ phần cao su Bến Hải và DNTN Trần Dương.

Về nguyên lý, khi xây dựng cụm công nghiệp thì càng có nhiều dự án để “lấp đầy” cụm công nghiệp càng tốt. Còn vấn đề “đầu vào” cho nhà máy, trên cơ sở diện tích cao su 5.656 ha (trong đó đã đưa vào khai thác 4.200 ha) hiện có của huyện, chúng tôi đã “cảnh báo” trước về sản lượng mủ để DN chủ động về nguyên liệu sản xuất”.

Ông Yên nói vậy, nhưng việc huyện Vĩnh Linh đồng thuận về mặt chủ trương tạo tiền đề cho các DN xin giấy phép xây dựng NMCBMCS, theo chúng tôi, vẫn chưa tiên lượng hết những hậu quả về lâu dài.

Đành rằng chủ trương “lấp đầy” dự án các cụm công nghiệp là cần thiết, song xin lưu ý đây là những dự án có cùng chủng loại sản phẩm, đặc biệt lại là sản phẩm có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường như cao su. Khi xảy ra ô nhiễm, đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là cư dân trên địa bàn.

Đó là thực tế mà chính quyền sở tại phải có trách nhiệm giải quyết, phải chú trọng điều tiết sao cho phù hợp giữa các chủng loại hàng hóa sản xuất ở các cụm công nghiệp.

Cũng quanh vấn đề các Nhà máy chế biến cao su, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Thái Vĩnh Kháng cho hay: “Thực trạng đầu tư ồ ạt như hiện nay thật đáng lo ngại. Việc chế biến này có sử dụng a xít, sẽ thải ra môi trường nên phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề nước thải.

Ngoài ra, cao su có mùi hôi đặc thù nếu không đầu tư chế biến theo công nghệ cao thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống dân sinh.

Mặt khác, các DN cần phải nắm vững quy trình vận động của thị trường giá cả để đầu tư sản phẩm.

Với khả năng đáp ứng nguyên liệu như hiện nay thì ở huyện Vĩnh Linh chỉ cần đầu tư xây dựng một Nhà máy chế biến cao su là đủ”.

Còn ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định: “Thực tế hiện nay, việc hình thành các Nhà máy chế biến cao su còn nhiều bất cập, đặc biệt là hậu quả về môi trường. Việc xử lý nước và chất thải chưa được chủ dự án quan tâm đúng mức bởi kinh phí để xử lý môi trường chiếm từ 15 - 20% tổng giá trị đầu tư của dự án.

UBND tỉnh đã có chủ trương cho kiểm tra, rà soát lại các cơ sở sản xuất của DN trên cả 2 mặt hiệu quả kinh tế và môi trường để chấn chỉnh và sắp xếp lại. Đồng thời không xem xét để cấp giấy phép đầu tư xây dựng cơ sở mới khi đã xảy ra sự mất công bằng về cung cấp nguyên liệu sản xuất và xử lý môi trường. UBND tỉnh đề nghị các huyện cần phải có quy hoạch đi đôi cơ sở chế biến vì lợi ích của nhà đầu tư, nông dân và cộng đồng xã hội”.

Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn

Xã Vĩnh Long hiện chỉ có 180 ha cao su thu hoạch trên tổng số 327 ha đã trồng. Đến năm 2007, theo Cục Thống kê Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có 13.241 ha cao su, trong đó diện tích đang khai thác đạt gần 7.800 ha.

Theo kế hoạch, đến năm 2010, tỉnh này cũng chỉ có 13.000 ha cao su có thể khai thác với sản lượng mủ khoảng 15 - 17 ngàn tấn. Từ những số liệu này, Sở Công Thương Quảng Trị, khẳng định: “Hiện tại và các năm tiếp theo nguồn nguyên liệu đầu vào trên địa bàn tỉnh chưa đủ cung cấp cho các nhà máy hiện có”.

Tại Công văn 46 ngày 14/2/2008 gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Sở này đã khuyến cáo: “Trước mắt chưa nên đầu tư thêm các cơ sở chế biến cao su”. Ấy vậy mà ngay sau đó, riêng tại xã Vĩnh Long đã khởi công thêm 2 nhà máy chế biến cao su!

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.