Nhà máy gây ô nhiễm, dân bức xúc

TP - Nhiều vùng quê thanh bình ở ĐBSCL đang trở nên ngột ngạt do môi trường bị ô nhiễm nặng nề sau khi có các nhà máy chế biến thuỷ sản và may mặc mọc lên.

Cuối tháng 8/2014, hàng trăm người dân ở ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú (Cái Nước, Cà Mau) đập đường ống dẫn nước thải của phân xưởng sơ chế tôm thuộc Cty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, để “tạo bằng chứng” ô nhiễm môi trường.

Nhà máy gây ô nhiễm, dân bức xúc ảnh 1

Người dân đập đường ống xả thải của phân xưởng chế biến đầu tôm ở xã Thạnh Phú. Ảnh: Tiến Hưng

Không xử lý được

Một người dân tham gia đập ống dẫn nước thải của phân xưởng chế biến tôm, ông Phạm Văn Đảnh bức xúc: “Nước thải không được xử lý, xả ra làm ao nuôi tôm của dân chết hàng loạt. Chúng tôi gửi đơn nhiều nơi không ai giải quyết nên phải phá, không cho xả nước thải ra sông nữa”.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, ông Nguyễn Duy Hưng, than thở, biết dân bức xúc lâu rồi nhưng cấp xã không giải quyết được. Ông giải thích, UBND tỉnh Cà Mau cấp phép. Việc giám sát và xử lý ô nhiễm môi trường là Sở Tài nguyên Môi trường (TN - MT), “cấp xã chỉ ghi nhận ý kiến của người dân, báo cáo lên trên và chờ đợi”, ông Hưng nói.

Ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến thủy sản đang xả nước thải chưa xử lý xuống kênh, gây ô nhiễm nhiều xã trong huyện, lan ra huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi và cả TP Cà Mau. Ông Trần Văn Toản ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước) nói: “Chúng tôi làm đơn khiếu kiện nhưng không ai xử lý, không chỉ ô nhiễm sông rạch mà không khí cũng hôi thúi không chịu nổi, bệnh tật ngày càng nhiều”. Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân được “vẽ” quy hoạch khi các nhà máy chế biến thủy sản đã mọc lên trong khu dân cư nên khó xử lý ô nhiễm. Lãnh đạo khu công nghiệp cho biết, xen kẽ giữa các nhà máy có hơn 100 hộ dân sinh sống lâu đời, nay “đi không được, ở không yên”.

Ông Ngô Nhật Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, nói: “Không có khu công nghiệp riêng cho chế biến thủy sản là bức xúc nhất hiện nay. Cà Mau có 48 nhà máy chế biến thủy sản nằm rải rác trong dân, một số có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành hay không rất khó kiểm soát”. Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích nồng độ các chỉ tiêu môi trường tại 30 điểm quan trắc nước mặt khu vực có nhà máy chế biến thủy sản. Kết quả, ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng đều vượt quy chuẩn nhiều lần.

Cửa biển tanh hôi

Cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến bột cá từ nguyên liệu cá tạp được khai thác “tận diệt” từ biển Tây Nam, đang biến cửa biển trong lành này thành nơi tanh hôi. Dọc theo tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Trần Văn Thời vào cửa biển thị trấn Sông Đốc, các xí nghiệp chế biến bột cá như Sing- Việt, Quốc Hiệp, Đặng Lợi,... giăng giăng ven sông Đốc.

Đây là cửa biển của sông Đốc thơ mộng chảy suốt vùng U Minh Hạ ngọt ngào, từng đi vào thơ ca nhạc hoạ. Thị trấn Sông Đốc nằm ngay cửa biển lộng gió, có hơn 30.000 dân, từng là điểm du lịch của khách gần xa thì nay nồng nặc mùi tanh hôi, nhiều khu vực muốn ngạt thở.

Chủ khách sạn Lê Trân ở thị trấn Sông Đốc buồn bã: “Khách phương xa đến hay than phiền mùi tanh hôi từ các xí nghiệp chế biến bột cá, chúng tôi chẳng biết làm sao. Dân tình ở lâu đành phải chịu”. Đi lại ở thị trấn sầm uất này, luôn gặp tàu chở cá ươn, cá tạp cập bến, rồi cảnh phơi khô bát ngát với ruồi nhặng, và sương khói phả ra từ các nhà máy chế biến tạo thành một mùi đặc trưng kinh khủng.

Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, ông Từ Văn Hiền, cho biết: “Kế hoạch của trên là quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp thị trấn thành thị xã Sông Đốc vào năm 2015 nhưng chưa thể triển khai, vì lộn xộn và ô nhiễm quá. Các cơ sở chế biến tôm cá vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở phơi và nghiền phụ phẩm thủy sản để làm phân, chỉ có dẹp đi mới mong hết ô nhiễm. Nhưng dẹp đi thì giải quyết cuộc sống người dân liên quan như thế nào?”.

Đề nghị phạt 642 triệu đồng

Chi nhánh Cty May mặc Cây Dừa 1 ở ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy (Châu Thành, Bến Tre) đang bị đề nghị xử phạt 642 triệu đồng, vì làm ô nhiễm trầm trọng môi trường. Chi nhánh này mới đi vào hoạt động từ tháng 2/2014, được cấp phép may gia công trang phục mỗi năm gần 10 triệu sản phẩm, giặt và làm sạch các sản phẩm dệt, lông thú. Thực tế hoạt động chỉ là giặt, làm sạch và sấy các sản phẩm may mặc với hàng tấn hóa chất được sử dụng mỗi tháng.

Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy, ông Trần Minh Hiếu, cho biết, Chi nhánh công ty này liên tục xả nước thải độc hại ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh. Chính quyền đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản nhưng vi phạm vẫn tái phạm. Mới đây, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp nhiều cơ quan tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường của Chi nhánh Công ty May mặc Cây Dừa 1.

Theo báo cáo của đoàn thanh tra, Chi nhánh này có nhiều vi phạm trong quản lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, còn khoan thăm dò 4 giếng nước ngầm không phép. Công ty này xả thẳng nước thải chứa nhiều hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần ra hệ thống kênh rạch. Qua đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh xử phạt Chi nhánh Công ty May mặc Cây Dừa 1 mức 642 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng để xử lý hậu quả cũng như hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

An Giang thuê doanh nghiệp xử lý chất thải

Tỉnh An Giang có nhiều cơ sở nuôi và chế biến thủy sản, hằng năm xả ra lượng chất thải rất lớn nên đã thuê một doanh nghiệp khảo sát và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Năm 2010, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đầu tiên ở một nhà máy chế biến thuỷ sản tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú), đến nay đã xây dựng được nhiều hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy. Từ xử lý nước thải ở các nhà máy đi đến xây dựng dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung cho các huyện. Các hệ thống xử lý chất thải đi kèm sản xuất khí đốt, điện năng, nhiên liệu sinh học và bán chứng chỉ giảm phát thải nên hạ được giá thành.

Ngọc Huyền

MỚI - NÓNG