Nhã nhạc cung đình Nhật Bản ảnh hưởng từ Việt Nam

Ảnh: Mạnh Thắng
Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Ý nghĩa của một trong những mối giao lưu văn hóa, nhân dân lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản được tô đậm trong chuyến thăm của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu đến Đại Nội và nghe Nhã nhạc Cung đình Huế lần này.

Lịch sử Việt Nam – Nhật Bản ghi nhận những giao lưu văn hóa, con người từ thời xa xưa. Theo Hoàng gia Nhật Bản, Nhã nhạc cung đình Nhật Bản đã có giao lưu và chịu ảnh hưởng Nhã nhạc cung đình Huế Việt Nam từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết của nước Lâm Ấp (Miền Trung Việt Nam hiện nay) sang kinh đô Na-ra Nhật Bản giao lưu Phật Giáo, tu tập tại chùa Đại An.

Các điệu nhạc, điệu múa và nhạc cụ do nhà sư Phật Triết giới thiệu được lưu truyền trong giới Phật giáo và được Hoàng cung Nhật Bản hấp thu vào trong Nhã nhạc cung đình.

Nhã nhạc của Nhật Bản bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, là sự kết hợp của các làn điệu và bài hát Nhật Bản cũng như từ các nước khác. Cho đến nay, Nhã nhạc được duy trì và phát triển dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Nhật.

Nhã nhạc thường được biểu diễn tại Hoàng cung nhân một số sự kiện quan trọng của Hoàng gia Nhật như Quốc yến, tiệc ngoài trời tại Vườn thượng uyển vào mùa xuân và mùa thu.

Để giới thiệu Nhã nhạc đến đông đảo công chúng, Hoàng gia Nhật có tổ chức một số buổi biểu diễn mỗi năm để giới thiệu cho công chúng Nhật và ngoại giao đoàn trong năm tại Hoàng cung cũng như trên khắp nước Nhật. Bộ Ngoại giao Nhật đã đưa đoàn Nhã nhạc đi biểu diễn tại một số nước.

Bản thân Hoàng hậu Michiko là người quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật và đặc biệt hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển Nhật Bản.

Hoàng hậu khuyên khích phát triển Gagaku, một loại hình ca múa cung đình cổ điển, thường xuyên có mặt tại các chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ ca múa cung đình, một số người này là con cháu các nhà quý tộc trước kia.

MỚI - NÓNG