Nhà nước nên mua lại các trạm thu phí BOT trên QL1A

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
TPO - Về lâu dài nếu nguồn lực của ngân sách nhà nước có điều kiện thì nhà nước nên mua lại các trạm BOT trên tuyến Quốc lộ 1A cũ để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về câu chuyện “gánh nặng phí BOT” bên lề Quốc hội ngày 15/6.

Vừa qua, khi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, một số đại biểu đã phàn nàn rằng việc lập trạm BOT thời gian qua là quá nhiều, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào

Đúng là có nhiều đại biểu QH cho rằng, trạm thu phí BOT lập nên nhiều, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, trong một bối cảnh là hiện nay việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần rất nhiều vốn, bắt buộc phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau của xã hội. Tôi cho rằng huy động nguồn vốn BOT là tư duy “đột phá” của Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết cái “nút thắt” về “vốn” cho giao thông mà từ trước không giải quyết được. Bởi những năm qua trung bình mỗi năm từ ngân sách chúng ta chỉ có khoảng 170- 190 nghìn tỷ đầu tư cho phát triển. Trong đó, phần trung ương thực điều hành chỉ khoảng trên 70 - 80 nghìn tỷ thì chẳng được bao nhiêu cả nên chúng ta buộc phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nói chung mà đặc biệt là cho giao thông.

Do nguồn lực ngân sách khó khăn nên huy động BOT là “tất yếu”, và cũng là “cực chẳng đã” phải làm thôi. Nếu không làm chúng ta không thể phát triển được vì: “Giao thông đến đâu, đẹp giàu đến đó”. Tuy nhiên chúng ta cũng phải tính toán, quy hoạch sao cho phù hợp và trong tương lai khi kinh tế đất nước phát triển, nguồn lực ngân sách nhà nước dồi dào thì nhà nước nên mua lại các trạm BOT trên QL1A. Khi đó chúng ta có thể kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư BOT tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam mới hiện đại và căn cơ hơn

Như vậy, nếu không làm BOT thì cũng sẽ không thực hiện được dự án cải tạo nâng cấp QL1A. Nhưng làm thì cũng tạo ra gánh nặng cho người dân về phí đường. Vậy làm sao để hài hòa được điều đó?

Đúng là nếu không làm BOT thì làm gì có được quốc lộ 1A và 14 như bây giờ. Bạn thấy đấy bao nhiêu năm qua quốc lộ 1A và quốc lộ 14 “ xập xệ” xuống cấp thế mà chỉ có hơn 3 năm qua đã được nâng cấp, mở rộng hiện đại đó cũng là nhờ có chủ trương thực hiện BOT. Việc thực hiện BOT với 17 trạm thu phí trên quốc lộ 1A đã được Ủy ban Tài chính ngân sách cùng các cơ quan liên quan của Quốc Hội thẩm tra trình với Quốc Hội tại kỳ họp cuối năm 2013.

Vậy “làm sao để hài hòa” thì như trên tôi có nói, trong tương lai đối với QL1A hiện tại, nếu chúng ta có nguồn lực thì nên mua lại các trạm BOT hiện có. Bên cạnh đó chúng ta đầu tư một tuyến đường cao tốc Bắc – Nam hiện đại căn cơ bằng BOT như thế nhân dân có sự lựa chọn và nhà đầu tư cũng có sự lựa chọn.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể những tuyến đường được làm BOT, những tuyến không, quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cũng đồng tình với điều này. Mình phải lập quy hoạch với những nơi chưa có quy hoạch, xem lại quy hoạch với những nơi đã có quy hoạch xem việc lập trạm như thế đã phù hợp chưa, đúng luật chưa. Chưa phù hợp thì điều chỉnh, nếu thấy luật chưa đúng thì đề nghị sửa lại luật. Vì đầu tư  BOT là đem lại sự lựa chọn cho người dân. Anh không muốn mất tiền thì anh đi đường ngân sách đầu tư, còn anh muốn đi nhanh thì anh đóng phí đi cao tốc êm .

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG