Nhà nước sẽ mua lại của dân

Nhà nước sẽ mua lại của dân
TP - Để giải quyết bất cập trong quy hoạch, đối với giao thông do cải tạo chung cư cũ, TP Hà Nội đã thông qua một đề án nhằm giải bài toán đô thị theo hướng giãn dân ra ngoài khu vực trung tâm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn thủ đô hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn. “Thực tế, với cách làm hiện nay, tốc độ cải tạo chung cư cũ vẫn chậm trễ. Các nhà quản lý luôn thận trọng trong việc đáp ứng các lợi ích cho DN và người dân.

"Vì nếu chỉ thỏa mãn những lợi ích đó, sẽ tạo hậu quả do sức ép dân cư đối với hạ tầng giao thông, đô thị đang quá tải. Còn nếu không tăng mật độ, các nhà đầu tư không có lợi, họ sẽ bỏ cuộc”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn phân tích.

Khi cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ, xuống cấp, phải đảm bảo cuộc sống mới của người dân văn minh, hiện đại hơn. Muốn vậy phải giải bài toán về lợi ích. Lẽ ra, để đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch, khi cải tạo chung cư cũ phải giảm mật độ, chiều cao công trình.

Tuy nhiên, các hộ dân thường muốn tái định cư tại nơi cũ, đề nghị tăng diện tích ở. Khó nhất là doanh nghiệp phải được trên 2/3 số hộ dân đồng tình.

Nhà nước sẽ mua lại của dân ảnh 1  Nên đầu tư những khu đô thị mới, rồi giãn dân ra đó. Thành phố sẽ phải xem lại phương thức đầu tư. Đối với tài sản của dân, Nhà nước sẽ mua lại, thu hồi đất để xây dựng những công trình đem lại lợi nhuận kinh tế cao, bù đắp chi phí xây dựng các khu đô thị và đền bù. Nhà nước sẽ mua lại của dân ảnh 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

“Với một khu tập thể vài chục hộ dân đã khó, nhưng với khu tập thể gần 10.000 dân thì sẽ quá khó, chỉ cần vài trăm người không đồng tình sẽ vô cùng phức tạp” - Chủ đầu tư một dự án phân tích. Để đáp ứng một phần nguyện vọng của người dân, DN phải tìm cách tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình.

Trên thực tế, bản thân các chung cư cũ thường phình to do dân lấn chiếm đất chung, cơi nới lâu ngày, số hộ dân và diện tích thường tăng lên so với quy hoạch cũ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Long - Phó Giám đốc Cty Nhà số 7, khu tập thể Nguyễn Công Trứ vốn chỉ có khoảng 5.000 dân ban đầu, nay đã tăng gấp đôi. Chính vì vậy, để tái định cư ngay tại chỗ, số tầng ít nhất đã phải tăng 2 lần.

Báo cáo trước HĐNDTP Hà Nội mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nếu không cho nâng số tầng, doanh nghiệp hoặc Thành phố sẽ phải bù lỗ một khoản ngân sách quá lớn.

Theo quy hoạch đã được duyệt, khu tập thể Nguyễn Công Trứ sẽ bao gồm các khối nhà cao 15-21 tầng. Ở giữa có một tòa tháp cao 27 tầng, các công trình khác thấp dần ra phía ngoài.

Nhưng dù cho xây cao như vậy, Thành phố vẫn phải bù thêm  khoảng 2 ngàn tỷ đồng nữa cho dự án để làm hạ tầng. Tương tự, thời gian qua một dự án đã thực hiện cũng phải chấp nhận cho xây cao tầng ở mức độ nào đó!

Giãn dân ra ngoài trung tâm

Chủ tịch  UBND thành phố cho rằng, với cách làm như vậy cũng khó tạo ra môi trường sống đạt tiêu chuẩn đô thị. Thay vào đó, thành phố có thể dành phần ngân sách hỗ trợ, bù lỗ cho các đề án đầu tư xây các khu đô thị mới tốt hơn.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, Sở này đã trình một đề án lên Thành ủy, UBND TP Hà Nội và đã được thông qua về chủ trương. Hiện, thành phố đang cụ thể hóa đề án để triển khai sớm.

“Nội dung đáng chú ý là  đề xuất giãn dân ra ngoài khu vực trung tâm, trong đó sẽ xây dựng một số khu đô thị mới để di chuyển hẳn một lượng lớn dân ra đó”- Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.

Dự kiến, trước mắt sẽ có 3-4 khu chung cư cũ được chọn để chuyển hẳn ra ngoài, tới những khu đô thị mới nói trên. 

MỚI - NÓNG