Nhà nước vẫn điều tiết giá bán điện

Nhà nước vẫn điều tiết giá bán điện
TP - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự án Luật Điện lực sửa đổi (Luật ĐLSĐ) vừa được Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến ngày 17-4.

>Lập quỹ bình ổn giá điện

Theo Tờ trình dự án luật, hiện giá bán điện ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh, nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào. Vì vậy, chưa khuyến khích đầu tư vào ngành điện. Thực hiện cơ chế thị trường, giá điện luôn biến động, việc giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ như luật hiện hành không còn phù hợp.

“Tuy nhiên, ở nước ta điện là hàng hóa đặc biệt, việc điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống nhân dân, nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của nhà nước” – Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban KHCN&MT cho biết: Có ý kiến đề nghị Nhà nước không can thiệp vào giá điện, mà để thị trường tự điều chỉnh để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như vừa gian qua.

Tuy nhiên, đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Quy định như vậy nhằm bảo đảm giá bán điện linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân.

Đồng tình quan điểm này, nhưng Chủ nhiệm UB TCNS Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải làm rõ Nhà nước điều tiết bằng công cụ gì hay là công cụ hành chính? Mặt khác, không thể để cơ chế độc quyền lấn át, làm mờ nhạt vai trò nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị đẩy giá lên rất cao. Chính phủ phải quy định giá bán lẻ bình quân, không để ảnh hưởng nền kinh tế, đến đời sống.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sự điều tiết của Nhà nước là cần thiết. Ví dụ, vừa qua một số DN lợi dụng giá điện thấp, sản xuất xi măng, sắt thép để xuất khẩu.

Chính phủ đã yêu cầu, trong khi chưa điều chỉnh giá điện chung, thì phải điều chỉnh ngay giá điện đối với các DN sản xuất xi măng, sắt thép – ít nhất là ở mức phải có lãi. Đồng thời, với các hộ nghèo, dùng dưới 50 số điện sẽ được hỗ trợ 30 ngàn đồng/tháng.

Phải minh bạch giá điện

Dự thảo quy định, căn cứ lập, điều chỉnh giá điện là Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các loại phí (phí điều độ, vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện).

Thường trực Ủy ban KH CN&MT cho rằng, cần làm rõ quy định về kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước khi tham gia kiểm toán các đơn vị điện lực. Mặt khác, những chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối điện rất cần có sự giám sát của cơ quan chức năng, nhằm bảo đảm mức giá điện phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng điện.

“Cơ cấu giá điện phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong Dự thảo Luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Nhiều quốc gia thực hiện việc công khai cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng”- Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Cùng ngày, UBTVQH thảo luận về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật quảng cáo. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cân nhắc quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng (trừ chương trình chuyên quảng cáo).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG